Kon Tum: Nhiều dự án đầu tư công có tiến độ giải ngân rất chậm
Đến nay, tỉnh Kon Tum mới giải ngân được 31,13% trên thực nguồn kế hoạch là gần 2.300 tỷ đồng; trong đó, vốn Trung ương giao mới chỉ giải ngân đạt 8,5%, đứng thứ 58/63 tỉnh, thành của cả nước.
Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum, hiện nay trên địa bàn tỉnh đang có nhiều dự án có tiến độ giải ngân rất chậm, nhất là các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương.
Đến nay, tỉnh mới giải ngân được 31,13% trên thực nguồn kế hoạch là gần 2.300 tỷ đồng; trong đó, vốn Trung ương giao mới chỉ giải ngân đạt 8,5%, đứng thứ 58/63 tỉnh, thành của cả nước.
Trong bối cảnh năm 2024 chỉ còn gần 4 tháng nữa là kết thúc, chủ đầu tư các dự án đang gấp rút triển khai các giải pháp nhằm khắc phục khó khăn, “tăng tốc” để “về đích” kịp thời gian.
Vì sao lại… chậm?
Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, dân dụng và công nghiệp tỉnh Kon Tum có 9 dự án được Ủy ban Nhân dân tỉnh giao làm chủ đầu tư trong năm 2024, tổng số vốn 1.174 tỷ đồng; trong đó, chủ yếu là nguồn ngân sách Trung ương, vốn địa phương chỉ chiếm 383 tỷ đồng.
Theo thống kê, đa số các dự án do đơn vị này làm chủ đầu tư đều đang chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Đơn cử, Dự án Kè chống lũ lụt, sạt lở các làng đồng bào dân tộc thiểu số dọc sông ĐăkBla trên địa bàn thành phố Kon Tum được giao giải ngân hơn 205 tỷ đồng từ nguồn ngân sách năm 2023 chuyển sang nhưng đến nay mới giải ngân được 5,7 tỷ đồng (khoảng 2,8%); Dự án đường trục chính phía Tây thành phố Kon Tum được giao hơn 353 tỷ đồng cũng mới giải ngân được 9 tỷ đồng (khoảng 2,5%); Dự án Đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 676 nối huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum với các huyện Sơn Tây, Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi giải ngân được hơn 12 tỷ đồng trên tổng nguồn vốn 232 tỷ đồng (khoảng 5,2%)…
Ông Võ Duy Hùng, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, dân dụng và công nghiệp tỉnh cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công là do vướng mắc trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Từ đầu năm đến hết tháng Bảy vừa qua, tất cả các dự án do đơn vị này làm chủ đầu tư đều có chung một vấn đề vướng mắc là giá đất cụ thể. “Việc đền bù, giải phóng mặt bằng qua nhiều công đoạn, nên nóng vội không được. Ví dụ thời gian công bố phương án đền bù giải phóng mặt bằng cần mấy chục ngày, sau đó lại đến thời gian định giá đất, đi đánh giá kết cấu hạ tầng của nhà người dân. Cần phải làm sao cho hài hòa các mối quan hệ cũng như không để bị thiệt thòi cho người dân, nên phải hết sức cẩn thận. Vì vậy, thời gian cho công đoạn này là rất lâu. Đây cũng là vấn đề mà hầu hết các dự án chậm tiến độ giải ngân của tỉnh gặp phải,” ông Hùng nói.
Trong khi đó, dự án Sửa chữa nâng cấp Đập Đăk Cấm, thành phố Kon Tum là một trong những dự án trọng điểm của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn trong giai đoạn 2020-2025. Dự án này có tổng mức đầu tư 295 tỷ; trong đó, xây lắp 193 tỷ, với mục tiêu là cấp nước tưới ổn định cho 200 ha và cấp nước sinh hoạt cho 15.000 dân trong khu vực thành phố Kon Tum.
Tính riêng năm 2024, dự án Sửa chữa nâng cấp Đập Đăk Cấm được phân bổ xấp xỉ 120 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến hết tháng Tám vừa qua, dự án này mới phân bổ được hơn 4,1 tỷ đồng cho phần khảo sát thiết kế công trình, tương ứng khoảng 3,4%.
Theo ông Lưu Văn Lợi, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý đầu tư, xây dựng các công trình nông nghiệp, nông thôn tỉnh Kon Tum, công trình đập Đăk Cấm trước đây do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn làm chủ đầu tư và đã xây dựng trong những năm 2000-2002.
Bộ đã có dự định nâng cấp công trình, nhưng đây lại là công trình có giải pháp thiết kế tương đối khó. Sau nhiều lần không thực hiện được việc nâng cấp, Bộ đã chuyển giao cho địa phương.
“Qua nhiều quá trình khảo sát, từ việc xây dựng đập đất đến việc chuyển sang phương án đập bêtông trọng lực; thay đổi lại tuyến và thay đổi giải pháp thiết kế. Bên cạnh đó, tuy đây không phải là một công trình lớn nhưng là công trình đa ngành, đa mục tiêu như sản xuất nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt, giao thông nông thôn và điện để cấp nước cho khu xử lý. Vì vậy, liên quan đến nhiều sở, ngành, buộc công trình phải có nhiều nhà tư vấn chuyên ngành tham gia, nên quá trình thiết kế, lập dự án kéo dài. Đây cũng là nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân của dự án chậm,” ông Lưu Văn Lợi phân tích.
Đẩy nhanh tiến độ
Trước thực trạng nhiều dự án trọng điểm có tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm, mới đây, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn các chủ đầu tư và Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên.
Cùng với đó, quyết liệt hơn nữa trong việc giải phóng mặt bằng các dự án; tích cực tuyên truyền, vận động, đặc biệt là giải thích rõ các quy định pháp luật, về giá đất bồi thường và chính sách bồi thường, hỗ trợ để người dân thống nhất thực hiện.
Theo ông Võ Duy Hùng, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, dân dụng và công nghiệp tỉnh Kon Tum, trong tháng Bảy và tháng Tám vừa qua, Ủy ban Nhân dân thành phố Kon Tum đã ban hành giá đất cụ thể của hầu hết các dự án trên địa bàn.
Hiện nay, Ủy ban Nhân dân thành phố, Trung tâm Phát triển quỹ đất cũng phối hợp triển khai, công bố nhiều phương án bồi thường giải phóng mặt bằng để kịp thời đẩy nhanh tiến độ. “Ban quản lý đang đôn đốc các nhà thầu thi công đẩy nhanh, tăng ca, tăng kíp làm, tăng cường máy móc thiết bị, vật tư, để khi phương án bồi thường giải phóng mặt bằng được công bố, tiến độ dự án sẽ được đẩy nhanh và Ban sẽ cố gắng phấn đấu giải ngân vốn của năm 2024 ở mức cao nhất theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh,” ông Võ Duy Hùng nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Lưu Văn Lợi, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý đầu tư, xây dựng các công trình nông nghiệp, nông thôn tỉnh Kon Tum khẳng định đối với dự án Sửa chữa nâng cấp Đập Đăk Cấm, từ nay đến hết tháng Chín này, Ban sẽ kết hợp chặt chẽ với các sở, ngành để thẩm định hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công cho đúng tiêu chuẩn, đúng quy định và tiến hành phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, tiến hành đấu thầu. Khoảng nửa đầu tháng 10 sẽ đấu thầu xây lắp công trình và trao thầu.
“Công trình thủy lợi nói riêng và công trình nông nghiệp nông thôn nói chung, chỉ tiến hành trong những tháng mùa khô, 3 tháng mùa khô cuối năm sẽ là 3 tháng trọng điểm. Chúng tôi cũng lên kế hoạch thi công xây lắp các công trình nông nghiệp nông thôn; đồng thời khẳng định kế hoạch giải ngân công trình sẽ đạt tối thiểu 90%,” ông Lưu Văn Lợi nói.
Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ thi công để giải ngân vốn đầu tư công các công trình, một số dự án cũng được chủ đầu tư nghiên cứu, đề xuất giảm vốn, điều chỉnh chuyển vốn sang các dự án khác để đảm bảo không ảnh hưởng đến việc giải ngân chung của tỉnh.
Đơn cử, dự án Hệ thống thoát nước, vỉa hè các tuyến đường nội thành, thành phố Kon Tum do Ủy ban Nhân dân thành phố Kon Tum làm chủ đầu tư được bố trí 50 tỷ đồng nguồn vốn cho năm 2024. Tuy nhiên đến nay, dự án mới chỉ giải ngân được gần 100 triệu đồng.
Ông Mai Văn Trí, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Kon Tum cho biết, căn cứ tình hình thực tế cũng như tiến độ triển khai thực hiện dự án, Ủy ban Nhân dân thành phố đã đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum, Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét điều chỉnh giảm 30 tỷ đồng so với kế hoạch vốn năm 2024.
Hiện, thành phố đang chờ phản hồi của các cơ quan chức năng. Đối với 20 tỷ đồng số vốn còn lại, ông Mai Văn Trí khẳng định, dự kiến đến 31/12/2024 sẽ giải ngân hoàn tất số vốn này.
Bên cạnh đó, hoàn ứng một phần chi phí xây lắp đã tạm ứng năm 2023 với số tiền gần 40 tỷ đồng. Có thể khẳng định, 4 tháng cuối năm sẽ là khoảng thời gian “nước rút” đối với chủ đầu tư các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Bởi nếu không đảm bảo khối lượng giải ngân vốn đầu tư công, người đứng đầu các đơn vị sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, như lời Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn đã khẳng định tại Hội nghị thúc đẩy đầu tư công mới đây: “Đơn vị chậm báo cáo dẫn đến làm mất kế hoạch vốn được giao, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Sở Nội vụ tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét hoặc báo cáo cấp thẩm quyền xem xét có hình thức kỷ luật nghiêm đối với chủ đầu tư để mất vốn của dự án”./.