Kon Tum gắn bảo tồn với phát triển nghề truyền thống

Tỉnh ủy Kon Tum đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU về bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Nghề dệt thổ cẩm mang lại nguồn thu nhập từ 2,5-3,5 triệu đồng/tháng cho các nghệ nhân dân tộc thiểu số tại chỗ của tỉnh Kon Tum. (Nguồn:Dư Toán/Vietnam+)

Kon Tum có 7 dân tộc thiểu số tại chỗ là Xơ Đăng, Bahnar, J’Rai, Gié – Triêng, H’Rê, B’Râu và Rơ Măm. Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum, hiện nay, 7 dân tộc thiểu số tại chỗ có 9 nghề truyền thống là dệt thổ cẩm, đan lát, làm rượu cần, chế tác nhạc cụ âm nhạc truyền thống, rèn, gốm, tạc tượng, đẽo thuyền độc mộc và làm nỏ.

Mặc dù những năm qua, công tác bảo tồn và phát triển nghề truyền thống luôn được các cấp, các ngành của tỉnh Kon Tum chú trọng, nhưng thực tế cho thấy, đa số nghệ nhân, người biết làm nghề truyền thống tuổi đã cao, người có tay nghề giỏi ngày càng ít, việc truyền nghề cho thế hệ kế cận còn hạn chế.

Trước tình trạng đó, tỉnh Kon Tum đã triển khai nhiều giải pháp trong nhiệm kỳ 2020-2025, nhằm bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống trước nguy cơ bị mai một.

Để bảo tồn nghề đẽo thuyền độc mộc, tỉnh Kon Tum đã tổ chức cuộc đua thuyền độc mộc trên sông Đăk Bla hàng năm. (Nguồn: Dư Toán/Vietnam+)

Từ bảo tồn

Tháng 2/2022, tại Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Kon Tum khóa 16, Tỉnh ủy Kon Tum xác định có nhiều nguyên nhân dẫn đến nguy cơ các nghề truyền thống bị mai một.

Bên cạnh yếu tố con người, việc tiêu thụ sản phẩm nghề truyền thống gặp nhiều khó khăn; công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, đưa các sản phẩm nghề truyền thống tham gia vào hoạt động du lịch chưa hiệu quả; việc đầu tư, phát triển nguồn nguyên, vật liệu phục vụ cho việc bảo tồn, phát triển nghề truyền thống chưa được quan tâm đúng mức cũng khiến các nghề truyền thống gặp nhiều khó khăn trong việc bảo tồn và phát triển.

Vì vậy, Tỉnh ủy Kon Tum đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU về bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Mục tiêu của Nghị quyết là bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống nhằm giữ gìn bền vững bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số tại chỗ, gắn với phát triển các loại hình du lịch, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.

Ngay sau khi Tỉnh ủy Kon Tum ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã quyết định phê duyệt Đề án “bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh; giao Ban Dân tộc tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án.

Ông Đinh Quốc Tuấn, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum cho biết, thực hiện nhiệm vụ được Ủy ban nhân dân tỉnh giao, trong gần ba năm qua, Ban Dân tộc tỉnh đã thực hiện nhiều nội dung, nhiệm vụ để khôi phục, bảo tồn nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ như thu thập tư liệu về các truyền thuyết, giai thoại, điển tích gắn với quá trình hình thành và phát triển của các sản phẩm nghề truyền thống; rà soát xét tặng danh hiệu cho các nghệ nhân tiêu biểu; đưa một số nghề truyền thống vào các chương trình đào tạo ngoại khóa tại các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh. Thiết thực nhất, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các ban ngành, địa phương tổ chức truyền dạy nghề tại các thôn, làng.

Đến nay, các huyện, thành phố đã tổ chức mở 24/80 lớp để truyền dạy nghề tại các thôn (làng), khu dân cư cho thế hệ kế cận, nhất là người trẻ tuổi, đối tượng nòng cốt trong các tổ liên kết, hợp tác xã, hộ gia đình tại thành phố Kon Tum và các huyện Đăk Glei, Đăk Hà, Sa Thầy, Tu Mơ Rông.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum cũng đã tổ chức 10 lớp truyền dạy nghề dệt thủ công truyền thống trong cộng đồng các dân tộc Xơ Đăng, Gié-Triêng với tổng số học viên tham gia 300 người.

“Nhờ vào nỗ lực của các cấp chính quyền, đoàn thể và các chủ thể, cá nhân, nghệ nhân, đến cuối năm 2024, toàn tỉnh Kon Tum đã có 13.846 người biết làm nghề truyền thống, tăng 1.676 người so với thời điềm đầu năm 2022. Đây là những tín hiệu tích cực đầu tiên trong công tác bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống, không để nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ của tỉnh Kon Tum bị mai một,” ông Đinh Quốc Tuấn nhấn mạnh.

Nghệ nhân A Thuih, thôn Kon Trang Long Loi, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum cho biết, bản thân ông biết làm hai nghề truyền thống là đan lát và chế tác nhạc cụ truyền thống. Tuy nhiên, việc làm nghề của ông không liên tục, chủ yếu vào các dịp lễ, hội, cũng như chưa tạo ra được các sản phẩm có giá trị cao về mặt kinh tế.

Khi được tham gia lớp truyền dạy nghề và nâng cao tay nghề truyền thống, ông đã học hỏi thêm được nhiều điều, giúp các sản phẩm của ông làm ra được nhiều người biết đến hơn.

Giờ đây, ông là một trong những nghệ nhân làm nghề truyền thống nổi tiếng của huyện Đăk Hà, các sản phẩm đan lát và nhạc cụ cũng bán ra được nhiều hơn, người trẻ trong làng dần tìm đến ông để học tập, giúp các nghề truyền thống không bị mai một.

Đến phát triển

Trên thực tế, việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bao gồm cả giá trị vật thể hay phi vật thể đều cần hướng đến việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu, giúp các nghệ nhân, người làm nghề truyền thống có được nguồn thu nhập từ nghề.

Theo thống kê của Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố, đầu năm 2022, nhìn chung thu nhập của các hộ làm nghề truyền thống rất thấp, khoảng từ 0,5 triệu đồng-3,2 triệu đồng/người/tháng. Số người có thu nhập từ nghề truyền thống cũng không nhiều, chỉ chiếm hơn 1% trong tổng số gần 14.000 nghệ nhân, người làm nghề truyền thống của tỉnh.

Một trong các giải pháp đã được tỉnh Kon Tum thực hiện trong ba năm qua là đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ; tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá, phát triển thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm nghề truyền thống.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh đưa các sản phẩm nghề truyền thống vào các lễ hội, chương trình văn hóa các cấp như lễ hội đua thuyền độc mộc, liên hoan thổ cẩm các dân tộc thiểu số, liên hoan cồng chiêng các dân tộc thiểu số,…

Tỉnh Kon Tum đã thực hiện hỗ trợ phát triển 2 sản phẩm rượu cần truyền thống đạt tiêu chuẩn OCOP là Rượu cần men lá của Hợp tác xã Dục Nông (xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi) và Rượu cần Y Thơi của Hộ kinh doanh Rượu cần Y Thơi (xã Đăk Tơ Lung, Huyện Kon Rẫy).

Ngoài ra, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Rượu Cần Măng Đen.” Năm 2023, đã thực hiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận Dệt Thổ cẩm Kon Tum cho hộ Y Thoai (thành phố Kon Tum).

Mới đây, vào tháng 9/2024, Ban Dân tộc tỉnh đã đăng ký tổ chức các gian hàng giới thiệu, quảng bá sản phẩm nghề truyền thống các dân tộc thiểu số tại chỗ tại Hội chợ Công Thương khu vực Tây Nguyên – Kon Tum. Sở Công Thương cũng tổ chức Hội chợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào Dân tộc thiểu số và miền núi huyện Đăk Hà với quy mô 24 gian hàng của các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nghề dệt thổ cẩm mang lại nguồn thu nhập từ 2,5-3,5 triệu đồng/tháng cho các nghệ nhân dân tộc thiểu số tại chỗ của tỉnh Kon Tum. (Nguồn:Dư Toán/Vietnam+)

Tỉnh cũng đã thực hiện hỗ trợ một số sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ như dệt thổ cẩm, rượu cần tham gia sàn thương mại điện tử tỉnh Kon Tum (http://kontumtrade.gov.vn) để giới thiệu, quảng bá các ngành nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra sản phẩm từ nghề truyền thống được quảng bá qua các mạng xã hội như Zalo; facebook,..

“Mỗi tấm thổ cẩm để làm được một bộ quần áo sẽ có giá từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng. Tổ của tôi có 40 người, trung bình mỗi tháng một người sẽ dệt được khoảng 3-4 tấm, thu nhập từ 2 triệu/tháng trở lên. Các thành viên trong tổ rất vui vì nghề truyền thống của mình tạo ra được giá trị để họ nuôi sống bản thân và gia đình,” nghệ nhân Y Thút, Tổ hợp tác thôn Đăk Triêng Kơ Tu, xã Đăk La, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum chia sẻ.

Để tôn vinh, khuyến khích các nghệ nhân, người làm nghề truyền thống có thành tích xuất sắc trong bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ, trong hai năm 2023 và 2024, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức Hội nghị vinh danh, khen thưởng nghệ nhân, người làm nghề truyền thống.

Qua đó, đã có 11 nghệ nhân, cá nhận được nhận Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh; 48 nghệ nhân, cá nhận được Trưởng Ban Dân tộc tỉnh tặng giấy khen.

“Việc vinh danh, khen thưởng các nghệ nhân, người làm nghề truyền thống có vai trò quan trọng trong việc tạo động lực, khuyến khích người dân tiếp tục tham gia vào công tác tồn nghề truyền thống, góp phần thành công trong việc triển khai thực hiện Đề án án “bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của tỉnh Kon Tum. Ban Dân tộc tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ban ngành, địa phương để triển khai đồng bộ các giải pháp đã được đề ra để bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống”, ông Đinh Quốc Tuấn, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum khẳng định./.