Kon Tum: Ẩn họa từ các cầu treo dân sinh không đảm bảo an toàn
Hiện Sở Giao thông Vận tải tổng hợp, báo cáo thực trạng các cầu treo dân sinh để UBND tỉnh có thể hỗ trợ cho các huyện trong quản lý, duy tu, bảo trì cầu treo đảm bảo an toàn cho dân khi lưu thông.
Toàn tỉnh Kon Tum hiện có 276 cầu treo, cầu dân sinh; trong đó nhiều cầu treo chưa đảm bảo an toàn, xuống cấp, hư hỏng nặng…
Theo số liệu thống kê của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kon Tum, tại huyện Đăk Glei có 67 cầu treo, trong đó 12 cầu treo bị hư hỏng, chưa đảm bảo an toàn. Huyện Đăk Hà có 5 cầu bị hư hỏng, xuống cấp. Huyện Kon Rẫy có cầu treo dây văng ở thị trấn Đăk Rve bị hỏng…
Trong số các cầu treo bị hư hỏng có nhiều cây cầu do người dân tự làm, bắc qua sông, suối nhằm tạo thuận lợi cho bà con đi lại khi vào khu sản xuất. Tuy nhiên, những cây cầu trên không đảm bảo kỹ thuật. Các cây cầu treo người dân tự làm khá đơn sơ, có trụ, dây văng, mặt cầu chủ yếu bằng gỗ tạp, gỗ tận dụng nhưng đã hư hỏng…
Trước thực trạng trên, chính quyền các cấp cắm biển cảnh báo nguy hiểm, cấm lưu thông nhưng người dân vẫn đi qua cầu, bất chấp nguy hiểm.
Khảo sát một số địa phương, phóng viên TTXVN ghi nhận tại huyện Đăk Tô, cầu treo thôn Kon Pring, xã Ngọc Tụ có bề rộng 1,2m, kết cấu cổng, dầm dọc, dầm ngang, lan can, mặt cầu bằng thép bị hư hỏng nhiều. Hiện, mặt cầu bị nghiêng, 8 khung lan can bị hỏng nặng được nối tạm trụ cầu.
Cá biệt, người dân nối dây điện vào các thanh sắt, lan can trên cầu rất nguy hiểm. Tại xã Kon Đào, huyện Đăk Tô, chính quyền cắm biển cấm nhưng người dân vẫn lưu thông qua cầu Đăk Lung dù cây cầu này gần như đã hỏng hoàn toàn.
Anh A Phát ở làng Đăk Lung, xã Kon Đào, cho biết bình thường bà con vẫn đi qua cầu để vào khu sản xuất. Nếu đi qua cầu khác quá xa, không thuận lợi. Trong khi đó, tại xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà, cầu treo Kon Pao Kram (cầu treo thôn 9) bắc qua sông Đăk Pxi dài 120m.
Mặt cầu bằng ván, lan can bằng lưới B40. Đây là lối đi chính của người dân ở các thôn xung. Tuy nhiên, mặt cầu là ván nên thường xuyên hư hỏng, gần như năm nào người dân cũng phải tự sửa chữa cầu.
Anh A Xương ở thôn Krong Đuân, xã Đăk Pxi cho biết, cách đây 4 năm, cầu không võng nặng. Khi thủy điện xả nước, gặp mưa lũ, làm ngập cầu, mất các mặt ván. Bà con lưu thông qua đây rất nguy hiểm.
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Văn Thuần, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kon Tum, cho biết các cầu treo dân sinh do địa phương quản lý. Hằng năm và định kỳ, Sở đều có văn bản hướng dẫn các địa phương trong công tác quản lý và bảo trì công trình cầu treo.
Các công trình cầu treo không đảm bảo an toàn giao thông đề nghị các địa phương quản lý chặt và cấm lưu thông. Hiện, Sở tổng hợp, báo cáo thực trạng các cầu treo dân sinh để Ủy ban Nhân dân tỉnh có thể hỗ trợ cho các huyện trong quản lý, duy tu, bảo trì công trình cầu treo (do chính quyền thi công) đảm bảo an toàn cho người dân khi lưu thông. Tỉnh chưa hỗ trợ sửa chữa đối với những cầu treo do bà con tự làm.
Hiện, tỉnh Kon Tum bước vào mùa mưa lũ, người dân vẫn bất chấp nguy hiểm khi lưu thông trên các cầu treo dân sinh, cầu treo do bà con tự làm đã xuống cấp./.