Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh duy trì tăng trưởng khá trong quý 1
Trong tháng 4, hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn có nhiều khởi sắc và thuận lợi khi kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 được kéo dài, các đơn vị kinh doanh triển khai hàng loạt chương trình khuyến mãi.
Tiếp tục đà tăng trưởng trong quý 1, các chỉ số kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh trong tháng 4/2024 đều tăng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, mức độ tăng trưởng ở một số lĩnh vực có dấu hiệu chậm lại và chưa thật sự bền vững.
Đây là nội dung được lãnh đạo các sở, ngành thông tin tại phiên họp kinh tế-xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, chiều 3/5.
Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố thông tin trong tháng 4, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) của Thành phố Hồ Chí Minh ước tính tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 5,4% so với cùng kỳ.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, IIP trên địa bàn thành phố tăng 5,1% so với cùng kỳ. Đối với 4 ngành công nghiệp trọng điểm, chỉ số sản xuất công nghiệp trong 4 tháng đầu năm 2024 tăng 6,6% so với cùng kỳ.
Trong số đó, ngành hóa dược tăng 18,6%; ngành cơ khí tăng 5,4%; ngành chế biến lương thực, thực phẩm tăng 3,5%; riêng ngành sản xuất hàng điện tử giảm 7,8%.
Trong tháng 4, hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn có nhiều khởi sắc và thuận lợi khi kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 được kéo dài, các đơn vị kinh doanh triển khai hàng loạt chương trình khuyến mãi, ưu đãi để kích cầu tiêu dùng.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ước đạt 366.947 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ.
Tổng thu du lịch của thành phố ước đạt 60.046 tỷ đồng, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 31,6% so với kế hoạch năm 2024.
Lũy kế 4 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của thành phố ước đạt 15,05 tỷ USD, tăng 18,1% so cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu đạt 18,06 tỷ USD, tăng 6,57% so cùng kỳ.
Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 183.443,824 tỷ đồng, tương đương 38% dự toán và tăng 7,5% so cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương (không tính tạm ứng) đạt 19.298,316 tỷ đồng, tương đương 12,87% dự toán, tăng 8,57% so cùng kỳ.
Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, mặc dù có nhiều chỉ số tăng trưởng khá, song tình hình kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh vẫn tồn tại một số vấn đề như tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, chưa đảm bảo tiến độ theo yêu cầu.
Cụ thể, theo số liệu báo cáo của Kho bạc Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến ngày 26/4/2024, tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2024 của thành phố giải ngân được 5.969,15 tỷ đồng, đạt 7,5% số vốn được giao.
Môi trường đầu tư kinh doanh có cải thiện nhưng số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động có xu hướng tăng, vốn đăng ký bình quân của doanh nghiệp tham gia thị trường tiếp tục giảm.
Theo đó, trong 4 tháng đầu năm 2024, thành phố có 15.874 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký mới là 128.944 tỷ đồng, tăng 7,6% về số doanh nghiệp nhưng giảm 10,8% về vốn đăng ký so với cùng kỳ.
Cùng với đó, có 17.518 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, tăng 17,5% so với cùng kỳ và 1.126 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.
Về thu hút đầu tư nước ngoài, tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, 4 tháng đầu năm 2024, thành phố thu hút được khoảng 915,6 triệu USD, giảm 6,5% so với cùng kỳ.
Trong số đó, có 357 dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký là 129,7 triệu USD, tăng 16,3% số dự án cấp mới nhưng giảm 24,3% vốn đầu tư so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh phân tích: Các chỉ số thống kê cho thấy sức mua hàng của người dân thành phố được duy trì nhưng vẫn chưa có cú hích đủ mạnh để có sự bứt phá rõ rệt.
Tăng trưởng sản xuất toàn ngành công nghiệp của thành phố từ mức cao hơn bình quân cả nước thì tháng 4 thấp hơn mức tăng trung bình cả nước.
Với hoạt động xuất nhập khẩu, sau khi có tín hiệu khá ở quý 1, sang tháng 4 đều quay đầu giảm.
Xuất khẩu tháng 4 giảm 12,6% so với tháng trước, nhập khẩu giảm 7,56% so với tháng trước. Về lĩnh vực dịch vụ, trong khi doanh thu lưu trú tăng 57% nhưng doanh thu ăn uống chỉ tăng 5%, đây là mức tăng thấp.
Theo ông Nguyễn Khắc Hoàng, giải ngân đầu tư công của thành phố trong 4 tháng đầu năm tính về giá trị tuyệt đối đã tăng hơn 2 lần so với năm 2023 nhưng vẫn rất thấp so với tiến độ và mục tiêu đề ra từ đầu năm.
Thêm vào đó, chi ngân sách thành phố tăng 8,6% nhưng chi thường xuyên giảm hơn 17,3%. Đối với hoạt động doanh nghiệp, các tín hiệu thị trường cho thấy còn nhiều khó khăn; lạm phát tăng dần qua từng tháng…
Những dấu hiệu trên cho thấy các động lực tăng trưởng kinh tế của thành phố chưa thật sự bền vững, cần được phân tích và có giải pháp cải thiện.
Ông Nguyễn Ngọc Hoà, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, từ đầu năm 2024, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có tín hiệu lạc quan hơn so với cuối năm 2023.
Đơn hàng đã quay trở lại, tuy nhiên lượng đơn hàng chủ yếu trong quý I và quý II, rất ít doanh nghiệp đã có đơn hàng cho quý 3 năm 2024.
Vấn đề hiện nay là dù có đơn hàng nhưng các doanh nghiệp chịu áp lực lớn khi phải giao hàng trong thời gian ngắn; chi phí sản xuất, vận chuyển tăng cao nhưng giá bán không tăng, có khách hàng, đối tác còn mong muốn giảm giá để chia sẻ khó khăn.
Do đó, biên độ lợi nhuận của doanh nghiệp bị thu hẹp, doanh nghiệp không có động lực để đầu tư vào sản xuất.
Trong bối cảnh hiện nay, kích cầu tiêu dùng trong nước vẫn là động lực chính để thúc đẩy sản xuất.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhận định: Trong tháng 4, kinh tế thành phố vẫn duy trì tăng trưởng nhưng có dấu hiệu chậm lại so với quý 1.
Nguyên nhân khách quan là sức phục hồi của thị trường yếu, doanh nghiệp khó khăn. Tuy nhiên, về chủ quan cũng có tâm lý chùng lại ở một số đơn vị, sở, ngành.
Cụ thể, sau giai đoạn nước rút cuối năm 2023 và quý 1 năm 2024, tiến độ giải ngân đầu tư công trong tháng 4 đạt rất thấp, việc giải quyết các khó khăn vướng mắc cũng chậm lại.
Các đơn vị, chủ đầu tư phải nghiêm túc kiểm điểm, tập trung giải quyết dứt điểm vấn đề tồn đọng.
Trong tháng 5 và những tháng tiếp theo, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi yêu cầu các sở, ngành tiếp tục quán triệt, triển khai đồng bộ hiệu quả Chương trình hành động thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.
Theo đó, các địa phương và sở, ban ngành thành phố thực hiện đồng bộ hiệu quả trong bồi thường, giải phóng mặt bằng. Các chủ đầu tư công trình, dự án tiếp tục đeo bám, đốc thúc các nhà thầu, đơn vị thi công thực hiện nghiêm các hợp đồng đã ký kết; phấn đấu đảm bảo toàn bộ dự án mới hoàn tất thủ tục quyết định đầu tư trong quý 2; phấn đấu giải ngân trong quý II không thấp hơn 30%.
Tính trên tổng vốn đầu tư công được giao và kết quả đã giải ngân, mỗi tháng thành phố phải giải ngân được 10.000 tỷ đồng mới có thể hoàn thành chỉ tiêu cả năm.
“Song song với việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, các sở, ngành tiếp tục thực hiện đồng bộ hiệu quả các giải pháp khơi thông dòng vốn đầu tư tư nhân vào hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ; ưu tiên vào các lĩnh vực chuyển đổi số, tăng trưởng xanh. Sở Công Thương và các đơn vị đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng hoạt động xuất khẩu; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp, các hộ kinh doanh và tạo sinh kế, việc làm cho người dân,” ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh./.