Kinh tế tập thể, hợp tác xã phải chủ động thoát khỏi rào cản để vươn lên
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ luôn khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi theo quy định của pháp luật để khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, toàn diện.
Sáng 2/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2024 với chủ đề “Hoàn thiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị quyết số 20-/NQ/TW ngày 16/6/2022 - Động lực thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới”.
Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ, trực tuyến tới điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Kinh tế tập thể, hợp tác xã đóng góp gần 4% GDP cả nước
Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã là sự kiện thường niên của Chính phủ - nơi các đại biểu chia sẻ, trao đổi, đưa ra những định hướng, quyết sách quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, tận dụng thời cơ, phát triển khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã (hợp tác xã).
Tại diễn đàn, các đại biểu trao đổi, thảo luận, chia sẻ với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, tập trung phân tích thực trạng phát triển của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã; tồn tại, hạn chế và nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; phân tích các cơ hội, thách thức và nhu cầu hỗ trợ trong khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã thời gian tới…
Các đại biểu đề xuất các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về thu hút nguồn lực xã hội; tăng cường liên kết giữa các thành viên và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa công và tư…; đề xuất các chính sách hỗ trợ để khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển, đáp ứng đòi hỏi của tình hình phát triển mới.
Trong đó, các đại biểu đề nghị rà soát pháp luật, đồng bộ hóa các quy định liên quan đất đai, thuế, khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường, chuyển đổi số, thông tin, lao động, việc làm…
Ghi nhận, cơ bản nhất trí với các ý kiến tâm huyết, sâu sắc, sát thực tiễn của các đại biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu những ý kiến xác đáng; sớm hoàn thiện quy trình ban hành văn bản phù hợp để tổ chức thực hiện, tạo sự chuyển biến cả về nhận thức và hành động một cách thiết thực, hiệu quả, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã tại Việt Nam.
Kết luận diễn đàn, điểm lại nội dung các nghị quyết, kết luận của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chiến lược, chương trình các Nghị quyết, nghị định, quyết định của Chính phủ liên quan phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, kinh tế tập thể, hợp tác xã đã có nhiều bước phát triển và đạt được một số kết quả rất đáng khích lệ.
Trong đó, đã có sự thống nhất chung trong chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; thể chế, cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển được rà soát, sửa đổi, bổ sung phù hợp với từng thời kỳ; khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã được hỗ trợ nhiều mặt về đào tạo, bồi dưỡng cho người lao động; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; chuyển giao công nghệ; tiếp cận vốn; đầu tư kết cấu hạ tầng...
Theo Thủ tướng, khu vực kinh tế tập thể đã khắc phục được một phần tình trạng yếu kém kéo dài, từng bước đổi mới gắn với cơ chế thị trường, bước đầu khẳng định là nhân tố quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị ở cơ sở và sự phát triển kinh tế của thành viên.
Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vừa đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế, vừa đóng góp gián tiếp thông qua tác động tới kinh tế hộ thành viên. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đóng góp gần 4% GDP.
Ở nhiều địa phương như Thái Nguyên, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đồng Tháp, An Giang, Cà Mau..., hợp tác xã đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn phục vụ chế biến, xuất khẩu.
Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao, biểu dương những nỗ lực, cố gắng và chúc mừng những kết quả đáng ghi nhận đã đạt được thời gian qua; đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng, ngày càng chủ động của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ rõ, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, yêu cầu, đòi hỏi; đặc biệt chưa tương xứng với sự quan tâm, chủ trương, chính sách và kỳ vọng của Đảng, Nhà nước dành cho khu vực kinh tế này.
Phân tích bối cảnh tình hình thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, kinh tế tập thể, hợp tác xã phải nhận thức rõ, tự chủ động thoát khỏi những rào cản và vướng mắc mang tính cố hữu để vươn lên; chuyển biến mạnh mẽ về cả tư duy và hành động theo hướng ứng dụng mạnh mẽ khoa học-công nghệ hiện đại, chuyển đổi Xanh, chuyển đổi Số; phát triển cả số lượng và chất lượng các thành viên, lực lượng lao động tham gia; chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tăng năng suất lao động, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị.
Kinh tế tập thể, hợp tác xã góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế
Theo Thủ tướng, Nghị quyết số 20-NQ/TW đặt mục tiêu đến năm 2030 cả nước sẽ có 45 nghìn hợp tác xã với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp hợp tác xã với 1,7 nghìn hợp tác xã thành viên.
Bảo đảm trên 60% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá, trong đó có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị. Đến năm 2045, Bảo đảm trên 90% tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả, trong đó có ít nhất 75% tham gia các chuỗi liên kết.
“Phát triển kinh tế tập thể cả về số lượng và chất lượng...; có chính sách ưu tiên cho các tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phát triển các tổ chức kinh tế tập thể gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức,” Thủ tướng nhấn mạnh.
Để phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã, Thủ tướng yêu cầu thấm nhuần quan điểm chỉ đạo: Quán triệt, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII; phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là yêu cầu thực tiễn khách quan của sự phát triển.
Do đó, phải đổi mới tư duy, nhận thức, có tầm nhìn xa, tổng thể; phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới là một quá trình diễn ra không ngừng nghỉ, không có điểm dừng, đòi hỏi tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, tránh tư tưởng hình thức, nói không đi đôi với làm; làm phải có trọng tâm, trọng điểm, dễ làm trước, khó làm sau, đi từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp để đem lại những kết quả thiết thực.
Thủ tướng chỉ rõ, chuyển đổi mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã một cách linh hoạt, phù hợp đạt hiệu quả cao, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực đòi hỏi sự tham gia, chung sức của cả hệ thống chính trị, các hợp tác xã và người dân; bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; đối với những vấn đề "đã chín, đã rõ," được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình sẽ tiếp tục thực hiện, phát huy.
Những vấn đề chưa rõ, còn ý kiến khác nhau, chưa có quy định hoặc vượt quy định sẽ mạnh dạn đổi mới, làm thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.
Trên quan điểm đó, thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu sớm xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn Luật Hợp tác xã năm 2023, đồng bộ và thống nhất về thời gian áp dụng với Luật Hợp tác xã 2023.
Các bộ, ngành liên quan sớm trình Chính phủ ban hành 02 Nghị định, ban hành 01 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã; tích cực hoàn thiện Chương trình tổng thể về phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2026-2030.
Cùng với đó, nghiên cứu, hoàn thiện các quy định đối với hoạt động cho vay nội bộ trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tại Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã (sửa đổi) nhằm hỗ trợ người lao động, thành viên hợp tác xã, góp phần xóa bỏ “tín dụng đen” ở nông thôn; nghiên cứu báo cáo Thủ tướng Chính phủ về gói tín dụng dành riêng cho khu vực kinh tế tập thể; sớm có hướng dẫn chế độ kế toán hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phù hợp; hoàn thiện các quy định về thuế phí, trong đó ưu tiên hỗ trợ phù hợp cho đối tượng hợp tác xã.
Các bộ, ngành hoàn thiện các chính sách hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp phù hợp với quy định của Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và theo định hướng của Chính phủ tại Nghị quyết số 106/NQ-CP về phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024, trong đó phải cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ đất đai cho hợp tác xã theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW và Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Thủ tướng chỉ đạo xây dựng các chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể, hợp tác xã phải đổi mới toàn diện theo hướng bảo đảm yêu cầu đơn giản, thông thoáng và công khai, minh bạch, thiết thực hiệu quả và có tính kế thừa, chuyển tiếp; tránh những xáo trộn, gây khó khăn; các hỗ trợ phải theo hướng tiếp cận các nguyên tắc thị trường, bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các hợp tác xã và tạo cơ hội, động lực cho các hợp tác xã tự lực vươn lên; nghiên cứu xây dựng cơ chế đặc thù trong huy động và sử dụng ngân sách hỗ trợ hợp tác xã và bảo đảm nguồn lực thực hiện chính sách.
Theo đó, các bộ, ngành liên quan nghiên cứu cơ chế giao vốn đầu tư phát triển thực hiện các dự án hỗ trợ hạ tầng hợp tác xã theo hướng giao thành khoản mục riêng để tạo điều kiện thuận lợi cho các bộ, ngành, địa phương phân bổ và tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; cân đối nguồn lực để thực hiện chính sách hỗ trợ hợp tác xã theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW, nhất là những chính sách thuộc trách nhiệm bảo đảm của ngân sách Trung ương.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, đơn vị tăng cường hơn nữa vai trò của Diễn đàn Kinh tế hợp tác xã trong việc thúc đẩy kết nối, hợp tác giữa các hợp tác xã với nhau, giữa hợp tác xã với các thành phần kinh tế khác và với các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học; nâng cao vai trò của các tổ chức đại diện, nòng cốt là Liên minh Hợp tác xã Việt Nam các cấp, nhất là trong việc tuyên truyền, phản biện chính sách; làm cầu nối triển khai và tăng khả năng tiếp cận chính sách; tư vấn, hỗ trợ cho các hợp tác xã.
“Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương trong việc thực hiện vai trò, sứ mệnh của mình trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã,” Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng yêu cầu xây dựng, phát triển hợp tác xã trên tinh thần đoàn kết, đồng lòng và hoạt động sản xuất kinh doanh vì mục tiêu chung của thành viên và của hợp tác xã; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý hợp tác xã được đào tạo bài bản, có kiến thức về kinh tế, tài chính, kinh doanh và các kỹ năng cơ bản khác.
“Chúng ta đang xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả. Vì vậy, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phải phát triển theo hướng tự lực, tự cường gắn với tăng cường liên kết giữa các thành viên, giữa khu vực kinh tế tập thể với các khu vực kinh tế khác và mở rộng hợp tác quốc tế,” Thủ tướng nhắc nhở.
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ luôn khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi theo quy định của pháp luật để khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, toàn diện, đóng góp ngày càng tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước./.