Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Triều Tiên giảm mạnh

Trung Quốc chủ yếu xuất khẩu sang Triều Tiên tóc và len đã qua xử lý để sử dụng làm tóc giả, do nhu cầu của nước láng giềng về mặt hàng này cao gần gấp ba lần so với gạo.

Khu vực biên giới giữa Trung Quốc và Triều Tiên. (Nguồn: Chinadaily)

Theo Reuters, dữ liệu hải quan Trung Quốc công bố ngày 20/7 cho thấy kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Triều Tiên tháng trước đã giảm 6,6% so với tháng 5.

Số liệu trên vẫn cao gấp 8 lần so với tháng 6/2022 - thời điểm Triều Tiên ghi nhận hàng chục nghìn ca mắc COVID-19 mỗi ngày và đã đóng cửa biên giới.

Theo dữ liệu trên, các chuyến hàng xuất khẩu từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đến Triều Tiên trong tháng trước trị giá 154,7 triệu USD.

Trung Quốc chủ yếu xuất khẩu sang Triều Tiên tóc và len đã qua xử lý để sử dụng làm tóc giả, do nhu cầu của nước láng giềng về mặt hàng này cao gần gấp ba lần so với mặt hàng xếp hạng thứ hai là gạo, bất chấp việc quốc gia bị cô lập này lâu nay vẫn gặp vấn đề về an ninh lương thực.

Đáng chú ý, diammonium hydrogen phosphate - một loại phân bón được sử dụng rộng rãi, vốn nằm trong số hai mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Trung Quốc sang Triều Tiên vào tháng 5 và tháng 4, đã rớt khỏi top 10 vào tháng 6.

[Triều Tiên họp nội các để thảo luận kế hoạch phát triển kinh tế]

Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho biết tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Triều Tiên đã tăng hơn gấp 3 lần trong năm 2022 so với năm trước đó, khi hoạt động vận chuyển hàng hóa giữa hai nước được nối lại sau khi tạm dừng để hạn chế sự lây lan của đại dịch COVID-19.

Các chuyến hàng xuất khẩu của Trung Quốc đến Triều Tiên trong năm 2022 đã tăng 247,5% so với năm 2021 lên 894 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu có giá trị hàng đầu là dầu đậu nành, lốp cao su, đường cát, thuốc lá và thuốc chữa bệnh.

Bình Nhưỡng đã dự trữ một lượng lớn các mặt hàng y tế của Trung Quốc bao gồm khẩu trang và máy thở vào đầu năm 2022.

Quốc gia này đã đóng cửa biên giới với gần như tất cả các hoạt động thương mại trong phần lớn thời gian xảy ra đại dịch COVID-19 và chỉ nối lại nguồn cung hàng hóa từ Trung Quốc vào năm 2022.

Điều đó đã đưa thương mại song phương lên 1,03 tỷ USD trong năm 2022, tăng 226% so với năm trước đó./.

(Vietnam+)