Kiều hối đổ về kỷ lục - “Nguồn lực vàng” để thúc đẩy tăng trưởng
Lượng kiều hối chuyển về Việt Nam ngày càng nhiều không chỉ giúp cho các ngân hàng gia tăng lợi nhuận mà còn phục vụ chính sách thu hút nguồn ngoại tệ cho Việt Nam.
Mặc dù chịu ảnh hưởng chung của nền kinh tế toàn cầu, dòng kiều hối về Việt Nam vẫn duy trì vị trí trong top 10 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất thế giới. Theo ước tính, lượng kiều hối đã về Việt Nam đạt gần 16 tỷ USD. Đây được cho là mức kiều hối cao trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Tốp 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất
Báo cáo về Di trú và Phát triển do Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác quốc tế về người di cư (KNOMAD) cho biết lượng kiều hối về Việt Nam thường xuyên đạt trên 10 tỷ USD/năm kể từ năm 2010 đến nay. Đặc biệt, năm 2023 vừa qua, Việt Nam đã thu hút được khoảng từ 14-15 tỷ USD và nằm trong tốp 3 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tốp 10 quốc gia trên thế giới về nhận kiều hối.
Là một trung tâm kinh tế lớn của cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh luôn là nơi thu hút lớn nhất nguồn kiều hối đổ về. Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết nguồn kiều hối ước đạt gần 9,5 tỷ USD trong năm 2023, tăng 43,3% so với năm trước. Đây chính là cơ hội, nguồn lực then chốt giúp thành phố phục hồi nhanh, vững bước phát triển trong giai đoạn hậu COVID-19.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, kiều hối chuyển về thành phố ngoài các yếu tố nền tảng liên quan trực tiếp đến kiều bào, người lao động ở nước ngoài, tăng trưởng kinh tế thế giới có tác động quan trọng vào thu nhập của kiều bào, người lao động… thì tính chất thời vụ cũng góp phần quan trọng và thể hiện rõ nhất là các dịp cuối năm và Tết cổ truyền âm lịch.
Theo đó, vào mỗi dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, lượng kiều hối chuyển về cao hơn bình quân chung của các tháng trong năm. Yếu tố này xuất phát từ tình cảm của đại bộ phận kiều bào hướng về quê hương Tổ quốc, về người thân và gia đình mỗi khi Tết đến Xuân về, gửi tiền về để biếu tặng người thân nhân dịp cuối năm, như là một truyền thống uống nước nhớ nguồn, tri ân và cảm ơn bố mẹ, người thân ở quê nhà để có Tết điền viên.
Mùa cao điểm chuyển tiền kiều hối Tết thường kéo dài trong khoảng một tháng trước và sau Tết Nguyên đán. Theo số liệu ghi nhận, lượng kiều hối chuyển về trong nước mùa cao điểm Tết này tăng đáng kể cả về số lượt gửi và số tiền gửi trên mỗi món.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2023 là 159.986 lao động, đạt 133,3 % kế hoạch. Trong số này có 55.804 nữ, chiếm tỷ lệ gần 35%.
Trước đó, mục tiêu đặt ra trong năm 2023 là đưa từ 110.000-120.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Nhật Bản vẫn là thị trường hàng đầu tiếp nhận lao động Việt Nam, với hơn 80.000 người. Tiếp đó là một số thị trường chính thu hút nhiều lao động nước ta sang làm việc như: Đài Loan (Trung Quốc) 58.620 lao động; Hàn Quốc 11.626 lao động; Trung Quốc 1.806 lao động…
Hiện Việt Nam có khoảng 650.000 lao động đang làm việc tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tập trung ở một số thị trường lớn.
Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài với nhiều loại hình ngành nghề công việc khác nhau, chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất chế tạo chiếm 80% gồm (cơ khí, dệt may, giầy da, lắp ráp điện tử...); còn lại trong lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp, thủy sản, dịch vụ gồm (chăm sóc người già, người bệnh, giúp việc trong gia đình). Trung bình mỗi năm, số lao động Việt Nam đi nước ngoài chiếm xấp xỉ 10% chỉ tiêu việc làm cần giải quyết.
Trung bình 3 năm làm việc tại nước ngoài, người lao động có thể tích lũy được từ 500-700 triệu đồng. Tính chung, người lao động đi làm việc ở nước ngoài bình quân thu nhập cao hơn từ 5 đến 8 lần so với thu nhập trong nước.
Với số tiền tích lũy được, nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo, xây dựng nhà cửa khang trang. Người lao động sau khi về nước có khả năng đầu tư vào sản xuất kinh doanh, phát triển sản xuất, quan trọng hơn nữa là tay nghề, trình độ của họ cũng trở thành một nguồn lực quý.
Bà Nguyễn Thị Thoa (huyện Lý Nhân-Hà Nam) cho biết nhà có 2 người con trai và 1 con dâu đều đang lao động ở Nhật Bản gửi về hàng tỷ đồng mỗi năm. Nhờ đó, gia đình bà đã xây cất được ngôi nhà vườn trị giá hơn 2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, mỗi người con cũng mua được mảnh đất đẹp ngoài thị trấn để khi về nước có thể lấy chỗ buôn bán.
“Nếu không có nguồn thu nhập từ các con gửi về đều đặn thì cuộc sống sẽ rất khó khăn vì nhà nông chúng tôi chẳng biết làm gì ra tiền, hàng ngày tạm gọi là đủ ăn thôi,” bà Thoa chia sẻ.
Bên cạnh đó, nhiều làng quê ở các địa phương trong cả nước cũng “thay da, đổi thịt” nhờ nguồn tiền kiều hối như Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh…
Nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội
Theo chuyên gia kinh tế, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), lượng kiều hối về Việt Nam ngày càng gia tăng. Năm 2023, kinh tế toàn cầu đều khó khăn nên dòng tiền của người Việt về Việt Nam có sụt giảm hơn năm trước là chuyện bình thường, nhưng ở mức 14-15 tỷ USD là rất cao. Đây là nguồn vốn lớn bổ sung vào đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân trong nước. Dòng tiền của người Việt ở nước ngoài gửi về cho người thân, gia đình để chi tiêu, xây dựng, mua nhà cửa… là chính. Điều này đã đóng góp lớn vào việc đảm bảo đời sống của nhiều gia đình, hỗ trợ an sinh xã hội trong nước.
Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định nguồn kiều hối đã bổ sung đáng kể vào dự trữ ngoại tệ cho Việt Nam. Dòng chảy này tăng cao một phần cũng là do người Việt làm việc ở nước ngoài tin vào sự ổn định của nền kinh tế và nhìn thấy những cơ hội đầu tư tốt hơn ở thị trường trong nước. Lợi thế lớn nhất của kiều hối hiện nay là không tiềm ẩn rủi ro như vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài FDI.
Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng cho hay chính sách tỷ giá ổn định, linh hoạt đã có tác động tích cực đến dòng kiều hối chảy về Việt Nam trong những năm qua. “Bất kỳ nhà đầu tư nào cũng đều mong muốn tỷ giá tại nước mình đầu tư không bị biến động quá mạnh. Bởi nếu tỷ giá tăng mạnh trong khi nguồn thu chính tại thị trường Việt Nam là tiền đồng thì khi muốn chuyển tiền về đất nước của nhà đầu tư đang sinh sống (ở nước ngoài) sẽ gặp bất lợi,” ông Hiếu nói.
Ở góc độ các ngân hàng thương mại, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam ngày càng nhiều cũng giúp cho các ngân hàng gia tăng nguồn thu từ hoạt động dịch vụ. Khi dòng kiều hối được chuyển qua kênh ngân hàng nhiều hơn, các ngân hàng sẽ có cơ hội tăng thu hút tiền gửi từ chuyển đổi ngoại tệ sang VND, thêm nguồn vốn đầu tư cho nền kinh tế. Chính vì vậy, đến hẹn lại lên, vào hai quý cuối của năm, các ngân hàng luôn tích cực tung ra nhiều chính sách hấp dẫn để thu hút nguồn lực quý giá này.
Theo thống kê, do các ngân hàng giữ ngoại tệ không lãi suất nên hơn 70% người dân nhận kiều hối đều chuyển sang VND. Điều đó giúp ngân hàng có nguồn ngoại tệ dồi dào để phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh, đặc biệt gia tăng dự trữ ngoại hối quốc gia, giảm thiểu sự phụ thuộc nguồn vốn nước ngoài.
Không phủ nhận kiều hối là nguồn lực “vàng” để phát triển kinh tế-xã hội, nhưng nguồn lực này cũng dễ chảy vào một số lĩnh vực rủi ro, mang tính chất đầu cơ. Chính vì vậy, để phát huy vai trò nguồn kiều hối, giới chuyên môn cho rằng Chính phủ cần có những chính sách nhằm tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thay đổi môi trường đầu tư theo hướng tích cực.
Đặc biệt, cũng theo các chuyên gia cần có nhiều chính sách “nắn” kiều hối chảy vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các kênh đầu tư tốt thông qua việc tạo ra môi trường đầu tư tốt, thuận lợi cũng như phát triển các thị trường như trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán chuyên nghiệp, hiệu quả hơn để thu hút đầu tư./.