Kiều bào chung tay lan tỏa giá trị của ngôn ngữ và văn hóa dân tộc Việt Nam
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả nổi bật của Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023-2030."
Hưởng ứng Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vào 8/9 hằng năm, năm nay, chương trình "Tôn vinh tiếng Việt năm 2024" được tổ chức với chủ đề “Lời quê hương, lời sắt son” diễn ra vào hôm nay tại Nhà hát lớn, Thủ đô Hà Nội.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài trả lời phỏng vấn báo chí, chia sẻ kết quả nổi bật của Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023-2030” cũng như vai trò của các "sứ giả tiếng Việt" trong giảng dạy, tôn vinh tiếng Việt ở nước ngoài.
- Xin Thứ trưởng chia sẻ những kết quả nổi bật của Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023-2030” trong thời gian qua?
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng: Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023-2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 3/8/2022, có thể coi là đột phá trong công tác duy trì, phát triển tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, tạo động lực quan trọng thúc đẩy các hoạt động giảng dạy, học tập và đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu thiết thực của cộng đồng.
Qua 2 năm thực hiện, Đề án đã nhận được nhiều sự quan tâm của các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là sự hưởng ứng của kiều bào.
Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Ủy ban), Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các ban, bộ, ngành và cơ quan liên quan nỗ lực triển khai các hoạt động đồng bộ như: tổ chức tập huấn nghiệp vụ giảng dạy tiếng Việt ở Việt Nam và sở tại cho giáo viên kiều bào; xây dựng Tủ sách tiếng Việt và cung cấp sách phục vụ cộng đồng tại một số địa bàn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Áo, Pháp, Séc, Hungary, Slovakia, Bỉ, Qatar…; phối hợp xây dựng website dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, chương trình “Chào Tiếng Việt”, “Dấu ấn Việt Nam” của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV4).
Cộng đồng người Việt Nam ở nhiều nước phối hợp tích cực với cơ quan đại diện tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Tôn vinh tiếng Việt như thành lập Ban tiếng Việt chuyên trách trong các hội đoàn; mở mới hoặc mở rộng quy mô trường, lớp dạy và học tiếng Việt; thành lập “Diễn đàn Gìn giữ tiếng Việt ở nước ngoài”; tổ chức hội thảo, tọa đàm... chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp dạy và học tiếng Việt.
Đặc biệt, chuỗi hoạt động Ngày Tôn vinh tiếng Việt 8/9 và cuộc thi “Tìm kiếm Sứ giả tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài” - sau 2 năm tổ chức - đã lựa chọn và vinh danh 10 sứ giả tiếng Việt ở các địa bàn, độ tuổi khác nhau. Trong đó, sứ giả nhỏ tuổi nhất mới 8 tuổi (kiều bào tại Nhật Bản) và có cả sứ giả là người nước ngoài (Lào).
Sự tham gia tích cực của các cơ quan đại diện, sự năng động, hưởng ứng của các hội đoàn, tổ chức, cá nhân kiều bào đã cộng hưởng cùng trong nước để chúng ta từng bước tổ chức được chuỗi hoạt động tôn vinh tiếng Việt ở các địa bàn.
Có thể thấy rằng, với chủ trương đúng đắn của Nhà nước, sự đồng lòng, chung tay của xã hội, đặc biệt là cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, chúng ta sẽ không chỉ tạo ra sân chơi, môi trường giao lưu cho kiều bào mà đó còn là cơ hội nâng cao năng lực tiếng Việt, đặc biệt với thế hệ trẻ sinh ra ở nước ngoài.
Cùng với đó là khích lệ lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc thông qua kết nối mạng lưới hội đoàn kiều bào, tạo hiệu ứng lan tỏa các giá trị cao đẹp của ngôn ngữ và văn hóa dân tộc, không chỉ trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài mà còn tới bạn bè quốc tế, góp phần tạo nên “sức mạnh mềm” của Việt Nam.
- Trong công tác giảng dạy, tôn vinh tiếng Việt ở nước ngoài, Ủy ban đã có những sáng kiến và kế hoạch như thế nào để khuyến khích, bồi dưỡng cho thế hệ trẻ người Việt, người sinh ra ở nước ngoài được luyện tập tiếng mẹ đẻ, hiểu được tầm quan trọng của việc giữ gìn và phát huy tiếng Việt, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng: Từ lâu, Ủy ban đã nhận thức rõ tầm quan trọng của việc khuyến khích thế hệ trẻ người Việt sinh ra ở nước ngoài giữ gìn tiếng Việt, vì thế hệ trẻ chính là tương lai của cộng đồng; là nhân tố quan trọng để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống.
Chúng tôi đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động thúc đẩy việc học tiếng Việt cho thế hệ trẻ kiều bào. Nổi bật, chương trình “Trại hè Việt Nam” được tổ chức hằng năm và một trong các tiêu chí hàng đầu để lựa chọn đại biểu tham dự là các em phải nói được tiếng Việt. Chương trình tạo điều kiện cho thanh, thiếu niên kiều bào từ khắp thế giới trở về được tham gia vào các hoạt động văn hóa, lịch sử và giao lưu với thanh thiếu niên trong nước; giúp các bạn hiểu rõ hơn và kết nối với quê hương, cội nguồn; đồng thời tạo cơ hội để thực hành và trau dồi tiếng Việt.
Trong chương trình năm 2022, lần đầu tiên tổ chức cuộc thi "Kể chuyện bằng tiếng Việt", giúp các em hiểu hơn về ý nghĩa, vẻ đẹp của tiếng Việt và thúc đẩy tình yêu tiếng Việt, nâng cao trách nhiệm gìn giữ và truyền bá tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Thời gian qua, Ủy ban và các cơ quan liên quan đã từng bước tổ chức hoạt động phát triển phong trào học tập, sử dụng tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài một cách rộng khắp và bài bản.
Trong công tác hỗ trợ dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng, Ủy ban chú trọng khuyến khích, đồng hành cùng cộng đồng người Việt Nam ở các nước tiếp tục truyền thống dạy tiếng Việt và đa dạng hóa hình thức dạy tiếng Việt.
Hơn 10 năm qua, Ủy ban cũng đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường Đại học và Nhà xuất bản Giáo dục tổ chức thường niên khóa tập huấn phương pháp giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên kiều bào, lúc đầu chỉ tại Việt Nam và bây giờ là bắt đầu tổ chức ngay ở sở tại.
Ủy ban cũng quan tâm hỗ trợ việc duy trì, tu bổ và xây dựng mới một số điểm trường, lớp học ở nơi cộng đồng gặp nhiều khó khăn (Lào, Campuchia); cung cấp sách giáo khoa và dụng cụ học tập cho nhiều địa bàn; đồng hành, hỗ trợ các hoạt động bảo tồn tiếng Việt do cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức (như Diễn đàn gìn giữ tiếng Việt ở nước ngoài tại Ba Lan, lớp tiếng Việt và hội thảo về tiếng Việt tại Fukuoka, Nhật Bản); thúc đẩy tiếng Việt trở thành ngôn ngữ chính được giảng dạy tại hệ thống giáo dục sở tại tại Pháp, Lào, Đài Loan (Trung Quốc).
Đặc biệt, năm 2022, Ủy ban đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023-2030, làm cơ sở để triển khai hàng loạt hoạt động tôn vinh, duy trì, lan tỏa tiếng Việt trong cộng đồng.
Qua 2 năm triển khai, Đề án đã bước đầu nhận được sự quan tâm và hiệu ứng rất tích cực từ phía cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội và doanh nghiệp trong nước.
- Thứ trưởng đánh giá như thế nào về vai trò của đội ngũ “sứ giả” tiếng Việt - các giáo viên tình nguyện, trong duy trì và phát huy tiếng Việt ở nước ngoài?
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng: Đội ngũ “sứ giả” tiếng Việt không chỉ là một số lượng rất nhỏ “sứ giả tiếng Việt” được vinh danh trong cuộc thi "Tìm kiếm Sứ giả tiếng Việt" (tổ chức 2 năm nay) mà còn là một đội ngũ giáo viên rộng lớn (gồm cả người không chuyên) tình nguyện dạy tiếng Việt ở bất cứ nơi nào có người Việt Nam sinh sống.
Đội ngũ “sứ giả tiếng Việt” đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc duy trì và phát huy tiếng Việt trong cộng đồng người Việt trên khắp thế giới. Họ không chỉ là những người trực tiếp giảng dạy ngôn ngữ mà còn là nhân tố then chốt giữ gìn và truyền tải bản sắc văn hóa Việt Nam đến thế hệ trẻ sinh ra, lớn lên ở nước ngoài và cả bạn bè quốc tế.
Họ giúp người học, đặc biệt là thế hệ trẻ người Việt sinh ra ở nước ngoài, hiểu rõ hơn về cội nguồn của mình thông qua ngôn ngữ mẹ đẻ. Việc học tiếng Việt không chỉ là học một ngôn ngữ mà còn là tiếp thu những truyền thống, phong tục tập quán của quê hương.
Các thầy cô đóng vai trò như những người truyền cảm hứng, khơi dậy và lan tỏa tình yêu đối với tiếng Việt trong cộng đồng. Đối với nhiều người học, đặc biệt là những người trẻ sinh ra trong môi trường không nói tiếng Việt, việc học ngôn ngữ mẹ đẻ có thể gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự nhiệt huyết và tận tâm của các giáo viên tình nguyện, các em có thể dần yêu thích và gắn bó với tiếng Việt.
Sự tồn tại và phát triển của một cộng đồng bền vững phụ thuộc vào việc duy trì ngôn ngữ và văn hóa gốc. Các “sứ giả tiếng Việt” đã góp phần xây dựng nền tảng cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài thông qua việc giữ gìn và phát huy tiếng Việt. Điều này không chỉ giúp thế hệ trẻ có thể giữ liên kết với cội nguồn mà còn tạo điều kiện cho sự gắn kết mạnh mẽ hơn giữa các thành viên trong cộng đồng.
Các “sứ giả” hoạt động hoàn toàn tình nguyện, nhiều người không nhận thù lao nhưng vẫn tận tụy cống hiến thời gian và công sức của mình vì mục tiêu gìn giữ ngôn ngữ và văn hóa. Điều này thể hiện tinh thần trách nhiệm cao đối với cộng đồng, đất nước và là nguồn động viên lớn cho người Việt Nam ở nước ngoài trong việc duy trì tiếng Việt trong môi trường quốc tế.
Chúng tôi rất trân trọng, biết ơn và nguyện sẽ đồng hành cùng các thầy cô trong sự nghiệp cao cả của mình.
- Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng!./.