Kiên Giang thiệt hại hơn 8 tỷ đồng do thiên tai trong 9 tháng qua
Thiên tai đã đánh chìm 10 tàu cá, ghe câu mực, sà lan trên vùng biển; gây đổ ngã, úng ngập hàng ngàn ha lúa Hè Thu và thiệt hại nhiều tài sản khác của Nhà nước và người dân.
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm, cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Kiên Giang, trong 9 tháng năm 2024, thiên tai gây thiệt hại tài sản trên địa bàn tỉnh hơn 8 tỷ đồng.
Đặc biệt, mưa lớn kèm theo dông lốc đã làm 1 người chết ở huyện đảo Kiên Hải, 1 người bị thương ở huyện An Minh; đổ sập 60 căn nhà, tốc mái 212 căn nhà; cháy 1 nhà dân do mưa lớn gây chập điện ở huyện Giồng Riềng; chìm 10 tàu cá, ghe câu mực, sà lan trên vùng biển; gây đổ ngã, úng ngập hàng ngàn ha lúa Hè Thu và thiệt hại nhiều tài sản khác của Nhà nước và người dân.
Sau khi thiên tai xảy ra, các địa phương huy động lực lượng tại chỗ giúp dân dọn dẹp nhà ở đổ sập, sửa chữa nhà tốc mái, hư hỏng, đồng thời, hỗ trợ một phần kinh phí cho các hộ dân bị thiệt hại nặng khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống.
Ứng phó với thời tiết diễn biến phức tạp, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Kiên Giang cùng các địa phương kiểm tra tình hình sản xuất vụ Hè Thu, Thu Đông 2024; thực hiện duy tu, sửa chữa các cống ngăn mặn, nạo vét hạ lưu các cống ven biển để đảm bảo việc ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
Sở phối hợp Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các đơn vị có liên quan diễn tập phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại huyện An Minh.
Cùng đó, Bộ đội Biên phòng Kiên Giang duy trì nghiêm chế độ trực, công tác tuần tra, kiểm soát, tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm các quy định về đảm bảo an toàn khi hoạt động trên biển, đồng thời, đảm bảo tốt thông tin kịp thời tình hình thời tiết cho các phương tiện hoạt động trên biển tìm nơi tránh trú an toàn khi có bão, áp thấp nhiệt đới xảy ra.
Dự báo tình hình thời tiết những tháng cuối năm tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tỉnh Kiên Giang yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các địa phương thực hiện nghiêm những nội dung chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn.
Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh ,cho biết đơn vị cùng các địa phương kiểm soát chặt chẽ tình hình sản xuất lúa vụ Hè Thu, Thu Đông; tiếp tục duy tu, sửa chữa các cống thủy lợi ngăn mặn ven biển bị hư hỏng để đảm bảo vận hành, tháo úng ngập ra biển Tây, điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
Đặc biệt, Sở triển khai phương án phòng, chống ảnh hưởng của ngập lũ nội đồng kết hợp triều cường trên địa bàn các huyện vùng ảnh hưởng lũ Tứ giác Long Xuyên, Tây sông Hậu, nhất là giai đoạn cao điểm lũ đạt đỉnh.
Các huyện, thành phố kiểm tra, rà soát, triển khai phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động ứng phó, hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại do thiên tai gây ra.
Các địa phương kiểm tra, tỉa cành, mé nhánh, chống lại các cây bị nghiêng hoặc đốn hạ các cây có nguy cơ ngã đổ; chằng chống hoặc tháo dỡ các bảng quảng cáo không an toàn khu vực thành phố, trung tâm huyện, xã, khu vực đông dân cư; khơi thông cống rãnh dọc các tuyến đường, trong các khu dân cư để tạo thông thoáng dòng chảy và tránh ngập úng khi có mưa lớn xảy ra.
Ngoài ra, các địa phương theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo thời tiết, bão lũ và triều cường để thông báo cho người dân chủ động trong sản xuất; kịp thời triển khai các giải pháp ứng phó với tình huống lũ bất thường./.