Kiên Giang không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài trong hai tháng qua

Việc 2 tháng liên tiếp không xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác đánh bắt hải sản trái phép cho thấy việc chống khai thác IUU của tỉnh Kiên Giang chuyển biến tích cực.

Cán bộ Trạm Biên phòng cửa khẩu cảng Dương Đông (Bộ đội Biên phòng Kiên Giang) thực hiện nhiệm vụ kiểm tra tàu cá ra vào cửa sông Dương Đông, thành phố Phú Quốc. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, trong 2 tháng 9 và 10/2024, tỉnh quyết liệt thực thi pháp luật, xử lý nghiêm vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác đánh bắt hải sản.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Lê Hữu Toàn chia sẻ việc 2 tháng liên tiếp không xảy ra tình trạng tàu cá ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác đánh bắt hải sản trái phép là tín hiệu đáng mừng, cho thấy việc chống khai thác IUU của tỉnh chuyển biến tích cực.

Tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống IUU, nhất là tập trung xử lý dứt điểm tàu cá "3 không" trước ngày 15/11, chuẩn bị đón và làm việc với Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu về IUU theo chỉ đạo của Trung ương.

Đến nay, trên Cơ sở dữ liệu nghề cá Quốc gia (Vnfishbase), đã có 98,7% số tàu cá Kiên Giang đã đăng ký được cập nhật thông tin căn cước công dân và số điện thoại.

Cán bộ Trạm Biên phòng cửa khẩu cảng Dương Đông (Bộ đội Biên phòng Kiên Giang) thực hiện nhiệm vụ kiểm tra tàu cá ra vào cửa sông Dương Đông, thành phố Phú Quốc. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Đối với nhóm tàu cá "3 không," tỉnh đã tiến hành khảo sát 2.639/2.705 tàu cá; trong đó, có 543 tàu cá không đủ điều kiện đăng ký do tàu chìm, hư hỏng, chủ tàu không có nhu cầu đăng ký...

Như vậy, toàn tỉnh còn 2.162 tàu cá chưa đăng ký đủ điều kiện đăng ký hoạt động khai thác đánh bắt trên ngư trường, xóa tình trạng tàu cá "3 không;" trong đó, đã đăng ký và cấp giấy phép khai thác thủy sản cho 1.736/2.162 tàu, chiếm hơn 80%, thuộc nhóm tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 12m.

Tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống IUU theo hướng kịp thời phát hiện sớm, phát hiện từ xa, ngăn chặn ngay từ trong bờ tàu cá và ngư dân cố ý vi phạm IUU, nhất là khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Ngành chức năng tỉnh theo dõi, giám sát 24/24 giờ các tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá (VMS), xử lý nghiêm từng trường hợp vi phạm quy định về mất kết nối thiết bị VMS quá 10 ngày, tàu cá gửi thiết bị VMS trên tàu cá khác, vận chuyển thiết bị VMS của tàu cá khác, vượt ranh giới trên biển.

Tiếp đến, ngành chức năng tỉnh và đơn vị liên quan giám sát, kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên ra vào cảng phải có đầy đủ giấy tờ đăng ký, đăng kiểm, giấy phép, đánh dấu tàu cá, có lắp đặt thiết bị VMS hoạt động liên tục theo quy định.

Đồng thời, tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên bốc dỡ sản phẩm thủy sản khai thác tại cảng cá, bến cá phải được giám sát và truy xuất nguồn gốc, đảm bảo về nhật ký khai thác, dữ liệu VMS, sản lượng và thành phần loài phù hợp với nghề khai thác, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; thực hiện đúng quy định công tác xác nhận, chứng nhận sản phẩm thủy sản khai thác trong nước, nghiêm cấm và xử lý nghiêm các trường hợp hợp thức hóa hồ sơ.

Mặt khác, ngành chức năng và các đơn vị liên quan rà soát các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang thị trường châu Âu trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đảm bảo hồ sơ đầy đủ, hợp pháp, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Tàu cá trên cửa sông Dương Đông, thành phố Phú Quốc (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Ngoài ra, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền trong cộng đồng ngư dân về chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản tỉnh Kiên Giang, đặc biệt chú trọng các địa phương biển đảo như Rạch Giá, Phú Quốc, Hà Tiên, Hòn Đất, An Minh, Kiên Hải...

Nội dung tuyên truyền chống khai thác IUU là nhiệm vụ cấp bách, có ý nghĩa lâu dài trong phát triển bền vững ngành thủy sản, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; giúp ngư dân nhận diện các hành vi được xem là khai thác hải sản bất hợp pháp, buôn lậu, gian lận thương mại, xuất nhập cảnh trái phép, bao chiếm, bảo kê bờ biển, bãi biển và chế tài đối với từng hành vi vi phạm, nêu cụ thể những vụ việc, vụ án đã khởi tố về vi phạm IUU...

Qua đó, giúp ngư dân hiểu rõ và tuân thủ pháp luật, nắm vững về khai thác hải sản trái phép, nhất là vấn đề thẻ vàng, VMS, tín hiệu kết nối, tàu cá "3 không", nhật ký khai thác.

Đồng thời kêu gọi cộng đồng ngư dân phát huy tối đa tinh thần đoàn kết, toàn dân tham gia tố giác tội phạm, không bao che, tiếp tay cho tội phạm, vi phạm khai thác IUU./.