Kiên Giang: Hỗ trợ cước thuê bao giám sát hành trình cho 30.660 lượt tàu cá
Việc hỗ trợ cước thuê bao dịch vụ vệ tinh giám sát hành trình tàu cá giúp ngư dân duy trì kết nối giám sát hành trình, tuân thủ quy định về khai thác thủy sản và phòng chống khai thác bất hợp pháp.
Theo Ban Chỉ đạo về IUU tỉnh Kiên Giang, từ năm 2022 đến nay, tỉnh đã thực hiện 4 đợt hỗ trợ cước thuê bao dịch vụ vệ tinh giám sát hành trình tàu cá (VMS) trên địa bàn tỉnh cho hơn 30.660 lượt tàu cá ngư dân, với tổng số tiền trên 5,3 tỷ đồng.
Ông Trương Văn Ngữ, Chủ tịch Hội nghề cá thành phố Rạch Giá (Kiên Giang), cho biết việc tỉnh hỗ trợ cước thuê bao dịch vụ vệ tinh giám sát hành trình tàu cá giúp ngư dân duy trì kết nối giám sát hành trình, đảm bảo tuân thủ quy định về khai thác thủy sản và phòng chống khai thác bất hợp pháp.
Chính sách này tác động tích cực đối với ngư dân, giúp bà con giảm một phần chi phí thuê bao hàng tháng, giảm số lượng tàu cá mất tín hiệu giám sát trên biển, phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Đến nay, tỉnh Kiên Giang có 3.593/3.620 tàu cá từ 15 m trở lên lắp đặt VMS, chiếm tỷ lệ hơn 99%, còn lại 27 tàu cá chưa lắp VMS. Trong số đó, 3 tàu cá đã lắp thiết bị nhưng nhà cung cấp chưa cập nhật được thiết bị lên hệ thống giám sát tàu cá, 13 tàu cá nằm bờ chủ tàu chưa có kinh phí lắp đặt thiết bị, 3 tàu cá ngừng hoạt động đang thực hiện thủ tục đấu giá tài sản, 8 tàu cá nằm bờ dài hạn chờ bán.
Hệ thống giám sát hành trình giúp cơ quan chức năng theo dõi vị trí tàu cá, cảnh báo kịp thời khi có nguy cơ vi phạm vượt ranh giới trên biển hoặc gặp sự cố trên biển, hỗ trợ tuần tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, đồng thời tăng cường an toàn trên ngư trường, kiểm soát hoạt động khai thác đánh bắt, nâng cao hiệu quả quản lý nghề cá và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Hiện nay, tỉnh Kiên Giang tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống khai thác IUU, chuẩn bị chu đáo đón và làm việc với Đoàn Thanh tra EC lần 5 về chống khai thác IUU.
Ông Giang Thanh Khoa, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang, nhấn mạnh tỉnh quản lý chặt chẽ, không để phát sinh thêm tàu cá; kiểm soát, thực hiện nghiêm quy định mua bán, chuyển nhượng, sang tên đổi chủ tàu và kiểm tra tàu cá chưa lắp đặt VMS.

Ngành chức năng theo dõi, giám sát chặt chẽ 24/24 tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát hành trình, xử lý đúng quy định pháp luật đối với việc duy trì hoạt động của VMS.
Đồng thời, kiểm soát tàu cá ra vào cảng, xuất nhập bến, giám sát sản lượng thủy sản qua cảng cá, bến cá; thực hiện nghiêm túc, hiệu quả xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác và hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử (eCDT).
Tiếp đến, tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng tiếp tục thực hiện các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về IUU tại vùng biển ven bờ, vùng lộng biển Kiên Giang xử lý nghiêm các tàu cá hoạt động sai vùng, tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên không cập cảng chỉ định theo quy định; theo dõi, quản lý chặt chẽ hoạt động tàu cá trên địa bàn, kể cả tàu cá ngoài tỉnh và tàu cá của tỉnh hoạt động ngoài tỉnh.
Cạnh đó, tỉnh đề nghị Bộ đội Biên phòng Kiên Giang xử lý dứt điểm tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước nước ngoài, đặc biệt là 3 tàu cá và ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý trong những tháng đầu năm 2025, có kết quả, số liệu cụ thể để làm việc với Đoàn thanh tra của EC lần thứ 5.
Mặt khác, các đồn, trạm Biên phòng kiểm soát nghiêm ngặt tàu cá xuất nhập bến tham gia hoạt động khai thác thủy sản phải đảm bảo đầy đủ giấy tờ, trang thiết bị theo quy định; tàu cá phải cập cảng chỉ định, có xác nhận của cơ quan cảng cá mới được xuất bến; đồng thời, giám sát chặt chẽ nhóm tàu cá có nguy cơ cao khi mới làm thủ tục xuất bến lại mất tín hiệu VMS.
Tỉnh đề nghị công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương có liên quan khẩn trương điều tra, xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ, củng cố hồ sơ vụ việc 3 tàu cá Kiên Giang vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ trong những tháng đầu năm 2025, kiên quyết xử lý theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, Công an tỉnh tiếp tục thực hiện đợt cao điểm, áp dụng triệt để Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, điều tra, khởi tố, đưa ra truy tố, xét xử các vụ việc liên quan đến hành vi đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; môi giới, móc nối, tháo gửi, vận chuyển thiết bị VMS trái quy định pháp luật.
Tỉnh đề nghị Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng Trung ương tiếp tục thực thi pháp luật trên biển thực hiện cao điểm tuần tra, kiểm soát tại các vùng biển giáp ranh với các nước, để ngăn chặn, xử lý kịp thời tàu cá Kiên Giang có dấu hiệu vi phạm khai thác IUU và có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài.
Đến nay, tỉnh Kiên Giang đã xử lý triệt để tàu “3 không” trên địa bàn, đã đăng ký cho 2.090/2.090 tàu cá “3 không”; 100% tàu cá đã đăng ký được đánh dấu theo quy định, thường xuyên và kịp thời cập nhật 100% dữ liệu đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản tàu cá của tỉnh vào phần mềm Vnfishbase.

Những tháng đầu năm nay, các sở, ngành và lực lượng chức năng tỉnh đã xử phạt vi phạm hành chính 15 vụ/15 thiết bị giám sát hành trình với tổng số tiền 760 triệu đồng, so với cùng kỳ giảm 11 vụ/11 thiết bị; xử lý hành vi vi phạm khai thác IUU 35 vụ/35 tàu, với tổng số tiền hơn 325 triệu đồng.
Trong một diễn biến có liên quan, từ năm 2024 đến nay, Công an tỉnh Kiên Giang đã khởi tố 23 vụ (2 vụ đã xét xử, 2 vụ chuyển Viện Kiểm sát Nhân dân truy tố, 18 vụ đang tiếp tục điều tra, 1 vụ tạm đình chỉ), 8 vụ đang xác minh, điều tra làm rõ.
Cụ thể các hành vi vi phạm pháp luật, tội danh gồm tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép; chế tạo, sử dụng trái phép vật liệu nổ; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; vi phạm về thiết bị giám sát hành trình tàu cá.../.