Kiên Giang: Đẩy mạnh sản xuất lúa-tôm an toàn sinh học

Theo Sở Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Kiên Giang, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030, ổn định diện tích sản xuất lúa-tôm an toàn sinh học là 117.340ha.

Nông dân xã Tây Yên, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang thu hoạch tôm sú trên vùng đất sản xuất 1vụ lúa 2 vụ tôm (Ảnh: Văn Sĩ/ TTXVN)

Vùng sản xuất kết hợp lúa-tôm của tỉnh Kiên Giang có tổng diện tích khoảng 107.000ha.

Theo kế hoạch, lúa vụ Mùa 2024-2025 sản xuất luân canh trên nền đất một vụ lúa, một vụ tôm của tỉnh Kiên Giang xuống giống từ ngày 25/8 đến 25/10/ 2024 với 2 hình thức cấy mạ và gieo sạ lúa giống xuống ruộng.

Đến thời điểm hiện tại, nông dân các vùng lúa-tôm trong xuống giống dứt điểm vụ lúa và hầu hết nông dân sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học. Đây là biện pháp canh tác được ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nhân rộng nhằm giúp nông dân giảm chi phí, tăng năng suất, giá bán, tăng lợi nhuận cho nông dân.

Đẩy mạnh phát triển sản xuất lúa hữu cơ

Vụ lúa mùa này gia đình ông Nguyễn Văn Hải, xã Đông Hòa, huyện An Minh gieo sạ 3 ha lúa ST24 và hiện tại ruộng lúa được hơn 10 ngày tuổi. Ông Hải cho biết năm nay là năm thứ 4 gia đình áp dụng biện pháp canh tác lúa theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp.

Lúa giống được gieo sạ thưa khoảng 60kg giống lúa xác nhận/ha, bón phân hữu cơ phối hợp bón một ít phân vô cơ đảm bảo cho cây lúa sinh trưởng và hạn chế tối đa sử dụng thuốc hóa học trên đồng ruộng.

Mô hình lúa-tôm ở huyện An Minh là mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu của tỉnh Kiên Giang, (Ảnh: Văn Sĩ/ TTXVN)

Ông Hải cũng cho biết, để áp dụng sản xuất hiệu quả mỗi năm ông đều tham dự các buổi tập huấn về kỹ thuật canh tác như: chọn giống lúa, cải tạo đất, quản lý nguồn nước, quy trình canh tác "3 giảm 3 tăng," 3 giảm là giảm lượng hạt giống, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm phân bón; 3 tăng là tăng năng suất lúa, tăng chất lượng gạo, tăng hiệu quả kinh tế.

Đối với biện pháp "1 phải 5 giảm" là phải sử dụng giống lúa cấp xác nhận hoặc nguyên chủng mà ngành Nông nghiệp địa phương khuyến cáo đưa vào sản xuất. 5 giảm gồm: giảm lượng hạt giống gieo trồng; giảm phân bón bằng cách phân cân đối và hợp lý, sử dụng bảng so màu lá lúa để kiểm soát việc thừa phân đạm; giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thông qua việc áp dụng chương trình IPM, chỉ phun thuốc bảo vệ thực vật khi cần thiết và tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng; giảm lượng nước tưới; giảm thất thoát sau thu hoạch.

"Do sản xuất theo quy trình VietGAP nên lúa nhà tôi được thương lái thu mua cao hơn giá thị trường khoảng 200 đồng/kg, đồng thời do ít sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu nên chi phí chưa tới 20 triệu đồng/ha, giúp tăng lợi nhuận gấp rưỡi so với biện pháp sản xuất truyền thống trước đây. Trong 3 vụ lúa vừa qua năng suất lúa đạt từ 7-8 tấn/ha, lợi nhuận sau khi trừ chi phí hơn 40 triệu đồng/ha. Với 3 ha sản xuất 1 vụ lúa 2 vụ tôm xen canh tôm sú, càng xanh, thẻ mỗi năm gia đình tôi thu nhập hơn 300 triệu đồng, lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/năm," ông Hải nói.

Tại xã Đông Hưng B, huyện An Minh, diện tích sản xuất lúa hữu cơ trên nền đất lúa-tôm trong khoảng 3 năm trở lại đây không ngừng tăng qua các năm.

Ông Hà Văn Toàn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã cho biết vụ lúa mùa trên vùng đất lúa-tôm của xã năm nay hơn 2.000ha; trong đó, có hơn 1.300 ha áp dụng quy trình sản xuất lúa hữu cơ, an toàn sinh học và hơn 50% diện tích được các công ty bao tiêu đầu ra với giá lúa cao hơn thị trường từ 200-300 đồng/kg.

Là một trong những hộ đầu tiên áp dụng quy trình sản xuất lúa an toàn sinh học của xã Đông Hưng B, ông Võ Văn No cho biết không riêng gia đình ông mà hầu hết nông dân địa phương đều đánh giá cao hiệu quả kinh tế mang lại.

Cụ thể, với 3,5ha đất sản xuất kết hợp 1 vụ lúa 2 vụ xen canh tôm sú, tôm thẻ, tôm càng xanh, từ năm 2021 (bắt đầu áp dụng quy trình canh tác lúa hữu cơ, an toàn sinh học) mỗi năm mang về thu nhập cho gia đình từ 400-420 triệu đồng, lợi nhuận khoảng 250 triệu đồng/năm.

Để giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất, ông No tham gia vào Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Ngã Bát, xã Đông Hưng B và sử dụng các vật tư đầu vào như: lúa giống, phân bón, thuốc trừ sâu; đồng thời ký hợp đồng bao tiêu đầu ra khi thu hoạch lúa ngay từ đầu vụ.

"Vụ lúa này gia đình tôi sản xuất 3,5ha và gieo sạ lúa ST24, ST25 đến nay được 20 ngày và công ty và hợp tác xã tiến hành giới thiệu công ty đến trao đổi để thống nhất giá lúa thu mua vào cuối vụ. Hiện tại gia đình tôi cùng một số nông dân đang cân nhắc để ký kết hợp đồng với mức giá phù hợp vào đầu tháng 11 tới. Về phía ngành nông nghiệp cũng hướng dẫn cụ thể quy trình sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP để đảm bảo chất lượng lúa, gạo xuất khẩu sang nước ngoài," ông No thông tin.

Tăng cường quản lý sản xuất theo chuỗi liên kết

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện An Minh, vụ lúa trên vùng đất lúa-tôm năm 2024-2025 của huyện xuống giống khoảng 27.000ha. Nông dân chủ yếu gieo sạ các giống lúa đặc sản và chất lượng cao như ST 24, ST 25, đài thơm, RVT… chiếm trên 70% tổng diện tích gieo trồng.

Ông Nguyễn Thanh Điền, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện An Minh Huyện cho biết từ năm 2022 đến nay huyện đẩy mạnh thực hiện chuỗi giá trị tôm-lúa thông qua việc mời gọi nhiều doanh nghiệp ký kết với các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn đầu tư sản xuất lúa đạt chứng nhận hữu cơ hơn 1.000ha và liên kết tiêu thụ lúa sản xuất trên nền đất nuôi tôm được hơn 2.000ha.

Mô hình kết hợp giữa cây lúa-con tôm không chỉ giúp nông dân nâng cao thu nhập mà còn tạo môi trường thuận lợi cho tôm nuôi phát triển tốt. (Ảnh: TTXVN phát)

Các hợp tác xã trên địa bàn cũng đã liên kết ký hợp đồng tiêu thụ lúa với các công ty như Công ty Hồ Quang Trí, Công ty Đại Dương Xanh, Tập Đoàn Tân Long gồm các giống lúa ST 25, ST24 với mức giá thu mua cao hơn thị trường từ 100 đến 200 đồng/kg, giúp tăng lợi nhuận cho nông dân.

"Mô hình lúa-tôm phát huy các yếu tố tích cực của con tôm và cây lúa như giúp cải tạo đất, trừ sâu hại và cắt đứt vòng đời sâu bệnh trong quá trình sinh trưởng và phát triển. Sau một vụ tôm, các chất thải được cây lúa chuyển hóa và hấp thụ, góp phần hạn chế lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong giai đoạn đầu. Sau một vụ lúa rơm rạ, thóc rơi vãi từ cây lúa bỏ lại trên đồng sau thu hoạch bị phân hủy tạo môi trường sống và nguồn thức ăn tự nhiên giàu dinh dưỡng cho tôm trong vụ nuôi tiếp theo mà nông dân không cần phải đầu tư tiền mua thức ăn cho con tôm như mô hình nuôi tôm công nghiệp. Nhờ đó, mô hình này góp phần giảm chi phí sản xuất, đầu tư, tăng năng suất và lợi nhuận cho nông dân" - ông Điền cho hay.

Theo Sở Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Kiên Giang, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030, ổn định diện tích sản xuất lúa-tôm 117.340ha.

Để thực hiện đạt kế hoạch trên, thời gian tỉnh chỉ đạo chuyển đổi đối với diện tích trồng lúa kém hiệu quả hoặc không đảm bảo nguồn nước tưới sang mô hình lúa-tôm.

Mô hình này đã mang lại hiệu quả cho người sản xuất, từ thu nhập bình quân khoảng 50 triệu đồng/ha, tăng lên 100-130 triệu đồng/ha.

Trong thời gian tới tỉnh tiếp tục chuyển sang phát triển mô hình tôm- lúa này đối với diện tích đất trồng lúa bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn từ 3 tháng trở lên phù hợp với từng vùng sinh thái trên địa bàn tỉnh.

Để mô hình sản xuất kết hợp lúa-tôm đạt hiệu quả theo ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Kiên Giang, thời gian tới tỉnh tập trung đẩy mạnh gia tăng sản lượng nuôi trồng trên đơn vị diện tích thông qua áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, các hình thức liên kết sản xuất hướng đến phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu; chỉ đạo tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, từ con giống, vật tư đầu vào, nuôi thương phẩm đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm tôm và lúa; trong đó, doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ có vai trò hạt nhân liên kết và tổ chức chuỗi sản xuất.

Tỉnh kiện toàn, củng cố, thành lập mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất như tổ hợp tác, hợp tác xã gắn với liên kết doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị tại những vùng sản xuất tôm-lúa trọng điểm, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cùng với đó, tỉnh chủ động làm cầu nối để nông dân thực hiện liên kết sản xuất thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã, công ty, doanh nghiệp trong việc cung cấp các loại vật tư nông nghiệp đầu vào cũng như bao tiêu sản phẩm khi đến kỳ thu hoạch, đảm bảo lợi nhuận cho nông dân.

"Một trong những giải pháp quan trọng tỉnh tập trung thực hiện gần đây là xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa, chỉ dẫn địa lý sản phẩm nuôi tôm, trồng lúa đặc trưng từng vùng trên địa bàn tỉnh để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập cho nông dân," ông Lê Hữu Toàn cho hay./.