Kiên Giang đặt mục tiêu phát triển 200.000ha lúa chất lượng cao
Tỉnh Kiên Giang đã triển khai thí điểm quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp tại 2 cánh đồng ở xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp, và xã Đông Thạnh, huyện An Minh.
Thực hiện Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, tỉnh Kiên Giang tham gia 200.000ha; trong đó, giai đoạn 1 năm 2024 là 60.000ha và năm 2025 đạt 100.000ha; giai đoạn 2 (2026-2030) đạt mục tiêu 200.000 ha.
Tỉnh triển khai đề án này tại 12 huyện, thành phố, gồm Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất, Tân Hiệp, Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao, An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận và thành phố Rạch Giá.
Theo đó, năm 2024, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với tỉnh Kiên Giang khởi động đề án trên địa bàn tỉnh, với 2 cánh đồng sản xuất tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh niên Phú Hòa (xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp) và Hợp tác xã Dịch vụ Tôm cua lúa Thạnh An (xã Đông Thạnh, huyện An Minh).
Tại cánh đồng của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh niên Phú Hòa tổ chức mô hình thí điểm diện tích 50ha, có 25 hộ tham gia, thực hiện quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp.
Cụ thể khâu làm đất cơ giới hóa đồng bộ và san phẳng mặt ruộng; chọn giống xác nhận gieo trồng 70 kg/ha, cơ giới hóa gieo sạ drone (thiết bị bay không người lái), sạ hàng và sạ cụm kết hợp vùi phân; áp dụng rút nước theo nguyên tắc ướt khô xen kẽ; bón phân hợp lý và cân đối theo nhu cầu của cây lúa; quản lý dịch hại tổng hợp, giảm độc hại môi trường; thu hoạch lúa đúng thời điểm bằng máy gặt đập liên hợp, giảm tổn thất sau thu hoạch; quản lý rơm rạ, sử dụng vào mục đích khác có hiệu quả kinh tế và môi trường.
Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang cho biết, hiệu quả sản xuất của mô hình so với đối chứng ngoài mô hình, cụ thể là tổng chi phí đầu vào giảm 15%, lợi nhuận tăng 32%; giảm 30% lượng giống và 57% lượng phân bón; giảm lượng nước tưới 30-40%; giá thành sản xuất 1kg lúa giảm 889-924 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Huỳnh, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh niên Phú Hòa chia sẻ, tổ chức mô hình thí điểm này tại hợp tác xã được sự quan tâm của Cục Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sự nỗ lực của nông dân, đồng hành của doanh nghiệp đã góp phần làm cho mô hình thành công.
Hợp tác xã áp dụng tốt quy trình sản xuất lúa chất lượng cao phát thải thấp và tuân thủ các quy định khi tham gia mô hình. Nông dân được tiếp cận khoa học kỹ thuật tiên tiến, hiện đại để ứng dụng vào đồng ruộng. Các thành viên trong hợp tác xã xin tham gia mô hình và sẽ tăng diện tích canh tác trong vụ sản xuất tiếp sau.
“Tuy nhiên, do đây là mô hình thí điểm đầu tiên khởi động thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao của tỉnh, không tránh khỏi những hạn chế, khó khăn, bất cập và cần phải rút kinh nghiệm, bổ sung hoàn thiện các khiếm khuyết để nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả hơn trong các vụ mùa tiếp theo.” - ông Huỳnh cho biết.
Tương tự, cánh đồng thứ hai khởi động trên vùng sản xuất luân canh 1 vụ lúa, 1 vụ tôm (lúa - tôm) tại Hợp tác xã Dịch vụ Tôm cua lúa Thạnh An, với diện tích 10 ha, có 13 hộ thành viên tham gia làm “Lúa hữu cơ - Tôm sinh thái”. Cánh đồng thí điểm trên nền đất lúa - tôm này là mô hình đặc biệt và Kiên Giang là tỉnh đầu tiên của vùng Đồng bằng sông Cửu Long sản xuất thí điểm.
Ông Nguyễn Văn Vững, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang cho biết, ngoài 2 cánh đồng đã khởi động thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và đáng giá hiệu quả, rút kinh nghiệm, tỉnh có kế hoạch triển khai 10 mô hình trong vụ lúa Đông Xuân 2024 - 2025 tại các huyện, thành phố trên địa bàn.
Theo đó, tỉnh lựa chọn hợp tác xã tham gia mô hình sản xuất đáp ứng các tiêu chí thực hiện Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành. Thực hiện mô hình áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp; đánh giá lượng carbon giảm làm cơ sở để chi trả trong việc thực hiện đề án. Tỉnh hỗ trợ đầu tư giống, vật tư, trang thiết bị cho các hợp tác xã thực hiện mô hình theo đề án và tập huấn quy trình sản xuất, kỹ thuật canh tác cho nông dân./.