Kiên định ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô
Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định sẽ kiên định, kiên trì ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi Việt Nam bước vào giai đoạn nước rút, tăng tốc trong thực hiện Kế hoạch 5 năm (2021-2025) chuẩn bị nền tảng để đón nhận thời cơ, vận hội mới cho bước ngoặt của đất nước và tổ chức tổng kết, đánh giá, xác định phương hướng, nhiệm vụ phát triển 5 năm (2026-2030).
Thách thức nhiều hơn thuận lợi
Tại Hội nghị Tổng kết Công tác năm 2023 và Triển khai Nhiệm vụ năm 2024 của ngành Kế hoạch và Đầu tư diễn ra ngày 11/1, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh bối cảnh, tình hình thế giới năm 2024 và trong những năm tới dự báo tiếp tục biến động phức tạp, do đó khó khăn, thách thức sẽ nhiều hơn thuận lợi, cơ hội.
Theo Bộ Trưởng, tăng trưởng kinh tế năm 2023 mặc dù rất tích cực, nhưng là năm thứ 3 liên tiếp đạt dưới mục tiêu bình quân chung Kế hoạch 5 năm (6,5-7%) và Chiến lược 10 năm (khoảng 7%). GDP bình quân đầu người năm 2023 chỉ đạt 4.284 USD song cách khá xa mục tiêu đến năm 2025 đạt khoảng 4.700-5.000 USD. Vì vậy, mục tiêu tăng trưởng 5 năm là nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Cùng với đó, nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn lớn, thách thức già hóa dân số, không tận dụng hết thời cơ “dân số vàng” như Đại hội Đảng XIII đã chỉ ra, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, thách thức, chứa đựng nhiều yếu tố bất định, khó lường.
Công cuộc Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến nay còn chậm, chưa theo kịp yêu cầu đặt ra của xu hướng phát triển toàn cầu và phát triển đất nước. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn nhìn nhận mục tiêu của Đại hội Đảng XII là trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại đến năm 2020 đã không hoàn thành. Các yếu tố nền tảng về thể chế, nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghệ… vẫn thấp so với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đặt ra.
Theo ông, năng lực nội tại, tính tự chủ của nền kinh tế chưa cao. Tốc độ tăng năng suất lao động còn thấp (mục tiêu bình quân 5 năm khoảng 6,5%), chênh lệch năng suất lao động so với các nước trong khu vực và thế giới còn lớn. Các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn vẫn chậm phát triển so với yêu cầu đặt ra.
Trong khi đó, dư địa nguồn lực trong nền kinh tế còn nhiều nhưng chưa được khai thác và sử dụng hiệu quả, nhất là nguồn lực tư nhân. Hiện, nguồn vốn cho nền kinh tế vẫn chủ yếu là vốn tín dụng, nhưng hệ thống ngân hàng vẫn còn những vấn đề cần giải quyết, nhất là việc xử lý các ngân hàng yếu kém, ngân hàng “0” đồng. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp mặc dù được cải thiện nhưng còn khó khăn. Tiềm năng của nguồn vốn tư nhân tham gia đầu tư phát triển hạ tầng theo phương thức PPP chưa khai thác hết.
Hơn thế, doanh nghiệp Nhà nước chưa khẳng định được vị trí, vai trò chủ đạo, sứ mệnh dẫn dắt, tiên phong trong những lĩnh vực then chốt, thiết yếu của nền kinh tế. Trong khi, doanh nghiệp nội địa, doanh nghiệp dân tộc chưa khai thác hết tiềm lực, việc tổ chức kinh tế hợp tác còn nhiều thách thức. Nước ta còn thiếu những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế. Trong tình hình mới, đầu tư nước ngoài còn nhiều vấn đề cần giải quyết, nhất là việc vận dụng, triển khai thực hiện hiệu quả cao nhất Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị trước những thay đổi của bối cảnh toàn cầu và khu vực...
Đặc biệt, Tư lệnh ngành Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh quản trị quốc gia là vấn đề rất quan trọng nhưng thực tế chưa theo kịp xu hướng biến đổi nhanh của Thế giới, nhất là việc khắc phục triệt để tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền.
Khơi dậy tinh thần kinh doanh
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chỉ đạo toàn ngành Kế hoạch-Đầu tư-Thống kê phải bám sát tình hình, diễn biến mới; tập trung đánh giá kết quả, rút ra bài học kinh nghiệm để chuẩn bị xây dựng Nghị quyết Đại hội các cấp trong giai đoạn tới; làm tốt công tác tham mưu cho Đảng, Nhà nước và các địa phương trong giai đoạn phát triển tới, phấn đấu đạt mục tiêu Đại hội Đảng XIII đặt ra. Tại Nghị quyết 01/NQ-CP, Chính phủ đã xác định phương châm hành động của năm 2024 là “kỷ cương, trách nhiệm; chủ động, kịp thời; tăng tốc, sáng tạo; hiệu quả, bền vững.”
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, năm 2024, rất nhiều nhiệm vụ khó, nặng nề và quan trọng đang chờ đợi toàn ngành. Do đó, càng trong khó khăn lại càng cần hơn sự tham mưu trí tuệ, đột phá của toàn ngành trong việc phấn đấu thực hiện và hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Ông đề nghị và kêu gọi toàn ngành nỗ lực, đổi mới, trí tuệ và bản lĩnh hơn nữa để hoàn thành các mục tiêu, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, trong năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu sẽ tư tập trung vào tham mưu giải quyết các khó khăn, rào cản đối với hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh đồng thời đề xuất các phương án sắp xếp, phát triển doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt là các doanh nghiệp tiên phong, dẫn dắt.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ kiên định, kiên trì mục tiêu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Cụ thể, Bộ sẽ triển khai các giải pháp đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công mạnh mẽ ngay từ những ngày đầu năm; kiên quyết loại bỏ tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả, nhằm đẩy nhanh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại.
Để làm được những điều này, ông Phương nhấn mạnh Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính và thủ tục hành chính như tiếp tục tham mưu cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây là cở sở để tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư dễ dàng gia nhập, hoạt động trên thị trường.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chỉ đạo việc nghiên cứu, tham mưu triển khai các mô hình kinh tế mới, trong đó tập trung thực hiện hiệu quả, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường năng lực nội sinh, nâng cao năng lực cạnh tranh, bền vững.
Ngoài ra, các đơn vị của ngành cần tập trung vào nghiên cứu cơ chế và cụ thể hóa các quy định trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo kết hợp liên kết, hợp tác quốc tế, nhằm huy động tối đa các nguồn hỗ trợ tài chính, tri thức tham gia vào hoạt động đổi mới sáng tạo.
Nhằm tổng hợp và cung cấp thông tin thống kê kịp thời, chính xác phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, phục vụ đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 5 năm 2021-2025, Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định Bộ sẽ triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và tổ chức tốt Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chú trọng vào đẩy mạnh triển khai thực hiện liên kết vùng, các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, công tác truyền thông chính sách, đảm bảo triển khai thực hiện đúng tiến độ và chất lượng đối với các đề án, nhiệm vụ được giao./.