Kiên cố hầm đường sắt Bắc-Nam: Nhiệm vụ cấp bách và giải pháp lâu dài
Việc tuyến đường sắt Bắc-Nam liên tiếp xảy ra sự cố đang đặt ra bài toán đối với ngành giao thông cần phải có các giải pháp cấp bách và lâu dài trong quá trình kiên cố hóa các hầm đường sắt.
Hầm đường sắt Bãi Gió (Khánh Hòa) vừa thông, nối lại tuyến đường sắt Bắc-Nam tháng trước thì tháng sau lại xảy ra sự cố sạt lở hầm đường sắt Chí Thạnh (Phú Yên).
Việc tuyến đường sắt Bắc-Nam liên tiếp xảy ra sự cố đang đặt ra bài toán đối với ngành giao thông cần phải có các giải pháp cấp bách và lâu dài trong quá trình kiên cố hóa các hầm đường sắt.
Các giải pháp sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có theo định hướng quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hầm đường sắt Chí Thạnh là 1 trong số 11 hầm đường sắt nằm trong dự án kiên cố hóa các hầm đường sắt trên cả nước, đang được Bộ Giao thông Vận tải triển khai, với tổng kinh phí thực hiện 7.000 tỷ đồng.
Hiện dự án đã cải tạo, kiên cố được 9 hầm, còn 2 hầm đang khắc phục là hầm đường sắt Chí Thạnh ở tỉnh Phú Yên và hầm đường sắt Bãi Gió ở tỉnh Khánh Hòa thì cả hai hầm này đều gặp sự cố sạt lở trong quá trình thi công.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy: "Đặc điểm của đường sắt là đường đơn, vừa cải tạo vừa khai thác. Do đó, phải thi công theo trình tự chứ không thể làm đồng loạt. Hiện còn hầm Bãi Gió và Chí Thạnh đang cải tạo thì xảy ra sạt lở. Địa chất khu vực Phú Yên, Khánh Hòa tương đối phức tạp, kết cấu không phải đá cứng mà là đất rời rạc. Cả hai hầm đều có tuyến đường bộ chạy trên đỉnh hầm đang khai thác, lưu lượng phương tiện cao. Thời gian gần đây trên địa bàn liên tục có mưa, dẫn đến đất đá bị sạt."
Tuyến đường sắt Bắc-Nam đưa vào khai thác từ năm 1936, đến thời điểm này trải qua nhiều giai đoạn đầu tư, nâng cấp đã xuất hiện nhiều dấu hiệu xuống cấp. Điều này đã được nhận định từ sớm và Bộ Giao thông Vận tải cũng đã có kế hoạch sửa chữa.
Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Đường sắt Trần Thiện Cảnh cho biết việc cải tạo, sửa chữa các hầm đường sắt cũng như cơ sở hạ tầng đường sắt nói chung còn gặp nhiều hạn chế do nguồn kinh phí hàng năm chỉ đáp ứng được khoảng 40-50% so với nhu cầu thực tế.
Đó là chưa kể việc kéo dài thời gian đầu tư cải tạo, nâng cấp khiến rủi ro trong quá trình thi công các dự án hầm đường sắt càng lớn, do tầng địa chất ngày càng yếu cũng như biến đổi thời tiết cực đoan hiện nay. Chẳng hạn như hầm đường Chí Thạnh dự kiến khắc phục sự cố, thông hầm ngày 26/4 nhưng đến ngày này lại phát sinh vị trí sạt lở khác.
Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Đặng Sỹ Mạnh cho rằng, việc gia cố các hầm đường sắt vừa là nhiệm vụ cấp bách nhưng cần có giải pháp lâu dài, tránh xảy ra sự cố.
"Chúng tôi sẽ có những giải pháp chủ động hơn, rà soát và kiểm đếm tất cả các tài sản cầu, hầm kiến trúc có tuổi thọ lâu năm và có nguy cơ mất an toàn. Điều này nhằm triển khai các biện pháp gia cố trước, tránh tình trạng bị động khi sự cố xảy ra," ông Đặng Sỹ Mạnh cho hay.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nhận định việc đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Bắc-Nam nhằm nâng cao năng lực thông qua của tuyến, rút ngắn thời gian chạy tàu và giảm được nhiều điểm xóc lắc, tạo điều kiện cho hoạt động vận tải đường sắt được tăng cường. Tuy nhiên trong quá trình thi công các dự án hầm đường sắt, hoạt động vận tải đường sắt gặp nhiều khó khăn, do năng lực chạy tàu giảm sút, thời gian chạy tàu kéo dài. Trong trường hợp ảnh hưởng của sự cố kéo dài, nhiều hành khách và chủ tàu thay đổi phương tiện di chuyển, ảnh hưởng đến hoạt động khai thác vận tải của doanh nghiệp.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề xuất Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Chính phủ và đề xuất Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện chính sách giảm 50% phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt tại Thông tư 44/2023/TT-BTC ngày 29 tháng 6 năm 2023 quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp cho đến khi hoàn thành toàn bộ các dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Bắc-Nam.
Ông Đặng Sỹ Mạnh cũng đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét bố trí vốn gia cố bước 1 đối với 12 hầm yếu trên tuyến cần phải ưu tiên xử lý với kinh phí dự kiến dưới 500 tỷ đồng. Cùng đó, có phương án xử lý 27 hầm yếu trên toàn tuyến đường sắt Bắc-Nam.
Hiện nay, đường sắt quốc gia có 39 hầm đường sắt; trong đó, tuyến đường sắt Bắc-Nam là 27 hầm thuộc địa phận từ tỉnh Quảng Bình đến tỉnh Khánh Hòa.
Thời gian qua, một số hầm trên tuyến đã từng bước được gia cố, cải tạo như hầm số 6, số 8 đã được sửa chữa hàng năm; hầm số 7, số 9, số 10, số 13 đã được sửa chữa từ năm 2003 trong dự án cải tạo hầm đường sắt khu vực đèo Hải Vân do Chính phủ Pháp tài trợ nhưng chủ yếu là thay thế vỏ hầm cũ bị phong hóa, hư hỏng bằng vỏ hầm mới kết hợp mở rộng kích thước hầm bảo đảm khổ giới hạn.
Năm 2016, Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo và được cấp có thẩm quyền bố trí nguồn vốn dự phòng ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 để sửa chữa 9 hầm xung yếu.
Hiện còn 12 hầm cũng đã bị xuống cấp nhưng ở mức độ nhẹ hơn, dự kiến sẽ được sửa chữa vào kỳ trung hạn tới.
Các hầm đường sắt sau khi hoàn thành nâng cấp, cải tạo được kỳ vọng góp phần đảm bảo an toàn giao thông, cải thiện chất lượng kết cấu hạ tầng đường sắt; từng bước nâng cao năng lực chuyên chở, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút hành khách và hàng hóa trên tuyến đường sắt Bắc-Nam.
Việc kiên cố hóa hệ thống hầm đường sắt Bắc-Nam là một trong những giải pháp của ngành đường sắt trong việc cải thiện và nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Cùng với đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng đang tập trung xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia; đề xuất sớm sửa đổi Luật Đường sắt 2017 để giải quyết các bất cập hiện nay.
Từ đó, góp phần xây dựng và hoàn thiện hệ thống đường sắt Bắc-Nam đáp ứng yêu cầu mới; đồng thời khẳng định vị trí và phát huy vai trò trọng yếu của ngành đường sắt, loại phương tiện được đánh giá là an toàn và ổn định trong hệ thống hạ tầng giao thông quốc gia./.