Kiểm toán Nhà nước ký Quy chế phối hợp với 4 tỉnh, thành miền Trung
Quy chế phối hợp công tác giữa Kiểm toán Nhà nước với các tỉnh, thành nhằm quy định sự phối hợp giữa các cơ quan trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán và tổ chức các hoạt động giám sát, thẩm tra.
Ngày 30/8, Kiểm toán Nhà nước và Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Thành ủy Đà Nẵng đã tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện Quy chế phối hợp công tác giai đoạn 2013-2023 và ký Quy chế phối hợp giai đoạn tiếp theo.
Quy chế phối hợp công tác giữa Kiểm toán Nhà nước với các tỉnh, thành nhằm quy định sự phối hợp giữa các cơ quan trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán và tổ chức các hoạt động giám sát, thẩm tra, quyết định dự toán-phê chuẩn quyết toán ngân sách, quản lý-điều hành ngân sách địa phương theo quy định và việc giám sát hoạt động Đoàn kiểm toán và Kiểm toán viên Nhà nước.
[Tổng KTNN: Thực hiện kiểm toán các Chương trình Mục tiêu Quốc gia]
Ngoài ra, các đơn vị sẽ phối hợp trong công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức về lĩnh vực tài chính-ngân sách, xây dựng, sửa đổi, bổ sung, tuyên truyền các dự án luật, văn bản quy phạm về chính sách, chế độ có liên quan đến hoạt động của các bên theo chức năng, nhiệm vụ.
Trên cơ sở đó, Kiểm toán Nhà nước và các địa phương đã thống nhất về việc trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu điện tử. Các bên cũng phối hợp tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo, tập huấn và thực hiện giao ban định kỳ hàng năm.
Thời gian qua, Thường trực Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trên luôn quan tâm phối hợp và chỉ đạo các cơ quan tổng hợp (như Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục thuế, Kho bạc Nhà nước) và các đơn vị có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu đầy đủ và kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu thập các thông tin cần thiết phục vụ công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán.
Bên cạnh đó, đại diện của các địa phương cho biết đã tổ chức công khai kết quả kiểm toán, kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đến đại biểu Hội đồng Nhân dân nhằm tăng cường tính minh bạch, hiệu quả trong sử dụng ngân sách. Qua đó, nâng cao hiệu quả trong hoạt động giám sát của Hội đồng Nhân dân về lĩnh vực tài chính, ngân sách. Điều này giúp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý, điều hành ngân sách trên địa bàn, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế-xã hội của địa phương.
Đại diện của các địa phương cũng chia sẻ các ý kiến đánh giá, kết luận và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước góp phần chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành ngân sách của địa phương. Đây là cơ sở quan trọng để Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố xem xét trong quá trình thẩm tra, quyết định thông qua quyết toán ngân sách, dự toán và phân bổ ngân sách năm sau. Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị các giải pháp, nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn của địa phương.
Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các bên và nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong hoạt động phối hợp, thời gian tới, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc có liên quan tạo điều kiện tốt nhất cho các Đoàn kiểm toán trong việc khai thác, trao đổi, chia sẻ thông tin, dữ liệu số phù hợp với Luật Kiểm toán Nhà nước.
Tại hội nghị, lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước cho biết ngành sẽ bố trí báo cáo viên, giảng viên có chuyên môn để trao đổi với địa phương một số các nội dung liên quan đến việc quản lý, điều hành và sử dụng ngân sách Nhà nước.
Ngoài ra, các bên tăng cường phối hợp trong công tác xây dựng, sửa đổi, bổ sung, tuyên truyền các dự án luật, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản về chính sách, chế độ có liên quan đến hoạt động của Kiểm toán Nhà nước và Thường trực Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố theo quy định./.