Kiểm toán Nhà nước hỗ trợ hiệu quả các quyết định đầu tư trọng điểm
Trong quá trình triển khai các chương trình, dự án, Kiểm toán Nhà nước đóng vai trò là cơ quan hậu kiểm, có vai trò độc lập và phải phát hiện, cảnh báo kịp thời những bất cập tại quá trình thực hiện.
“Công tác kiểm toán hoạt động của Kiểm toán Nhà nước là một trong những công cụ hỗ trợ Quốc hội thực hiện có hiệu quả việc quyết định chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia.”
Nội dung trên được Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn khi trao đổi với báo chí về vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong việc tham gia, đưa ý kiến đối với các chủ trương đầu tư đồng thời thực hiện kiểm toán sớm quá trình triển khai các chương trình, dự án trọng điểm, từ đó góp phần vào quản lý sử dụng nguồn lực quốc gia.
Khách quan, độc lập
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thông qua trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2021-2030) với chủ trương xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ tại một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn. Mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc.
Thực hóa mục tiêu trên, Quốc hội đã tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả các quyết định chủ trương đầu tư tại các dự án quan trọng quốc gia và đạt được nhiều kết quả quan trọng, được cử tri và Nhân dân đánh giá cao.
Điển hình như Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021- 2025; Dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô; Dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1), Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu (giai đoạn 1), Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng (giai đoạn 1).
Thực hiện vai trò chức năng nhiệm vụ được giao, Kiểm toán Nhà nước đã phát huy vai trò chủ động, tích cực trong việc cho ý kiến về chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia.
Đánh giá về điều này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn cho biết Kiểm toán Nhà nước vừa có trách nhiệm trình ý kiến để Quốc hội xem xét, quyết định, vừa tham gia ý kiến với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
“Ý kiến tham gia của Kiểm toán Nhà nước khá đầy đủ, toàn diện, từ việc đáp ứng tiêu chí xác định dự án quan trọng quốc gia, sự cần thiết đầu tư, sự phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia đến các thông tin cơ bản của dự án và việc triển khai thực hiện dự án…,” ông Sơn nói.
Bên cạnh đó, ông Sơn chia sẻ với vai trò là cơ quan được giao chủ trì thẩm tra dự án quan trọng quốc gia, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định, Ủy ban Kinh tế đã phối hợp chặt chẽ với Kiểm toán Nhà nước. Theo đó, các ý kiến góp ý, báo cáo kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước sẽ là căn cứ, dữ liệu đầu vào quan trọng hỗ trợ Ủy ban Kinh tế hoàn thành nhiệm vụ chủ trì thẩm tra mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội giao.
Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn thành phố Hà Nội), Kiểm toán Nhà nước là cơ quan có nghiệp vụ chuyên môn sâu về những vấn đề liên quan đến dự toán, vấn đề kỹ thuật, thiết kế... Vì vậy, việc Kiểm toán Nhà nước đưa ra ý kiến của không chỉ đơn thuần là ý kiến khách quan, độc lập mà nó còn là căn cứ, cơ sở chắc chắn hơn cho các đại biểu Quốc hội trong quá trình thảo luận, đóng góp ý kiến hay đưa ra ý kiến phản biện của mình.
Ông Cường nhấn mạnh bản thân từng đại biểu Quốc hội không thể nào đánh giá được tính hợp lý của những con số dự toán cũng như các phương án thiết kế… Do đó, việc phát huy vai trò của Kiểm toán Nhà nước khi đưa ra ý kiến về chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia sẽ giúp cho Quốc hội, Chính phủ có tiếng nói chung, đi đến một phương án để quyết định đầu tư các dự án có hiệu quả nhất.
“Tôi đánh giá cao việc Kiểm toán Nhà nước đã so sánh được về suất đầu tư giữa các dự án. Qua đó, những khoản dự toán còn chưa thuyết phục được chỉ ra với những câu hỏi tại sao lại có phần chênh lệch như thế. Không chỉ so sánh giữa các dự án với nhau mà Kiểm toán Nhà nước còn đưa ra so sánh giữa dự kiến đầu tư cho những con đường này với các công trình đã đầu tư trước đây mà có tính chất tương tự. Đấy là căn cứ và cái nhìn khách quan để đánh giá tính hợp lý của dự toán. Hơn nữa, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra những phương án thiết kế, các vấn đề về kỹ thuật. Đây là cơ sở để có những ý kiến trao đổi tốt hơn về phương án thiết kế, nhằm lựa chọn được phương án hiệu quả và phù hợp nhất,” đại biểu Hoàng Văn Cường nói.
Phát hiện kiến nghị kịp thời
Cùng với việc đưa ra ý kiến về chủ trương đầu tư các chương trình, dự án quan trọng quốc gia, trong các Nghị quyết của Quốc hội cũng giao nhiệm vụ cho Kiểm toán Nhà nước căn cứ chức năng, nhiệm vụ thực hiện kiểm toán việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án.
Theo các đại biểu Quốc hội, trong quá trình triển khai các chương trình, dự án, Kiểm toán Nhà nước đóng vai trò là cơ quan hậu kiểm và có vai trò độc lập. Mặc dù là hậu kiểm nhưng Kiểm toán Nhà nước phải phát hiện, cảnh báo kịp thời để có thể điều chỉnh những bất cập, thiếu sót phát sinh trong quá trình thực hiện.
Đại biểu Hoàng Văn Cường chia sẻ sau khi mỗi khâu, mỗi công đoạn hoàn thành, Kiểm toán Nhà nước lập tức phải vào cuộc để hậu kiểm lại, tức là đến khâu nào phải làm dứt điểm khâu đó, để đảm bảo công trình hoàn thành với tất cả các công đoạn đã được nhìn nhận, đánh giá độc lập. Nhờ đó, các vấn đề cần phải chấn chỉnh, điều chỉnh sẽ được xử lý nhanh, kịp thời, nhằm đảm bảo những công trình quan trọng của quốc gia được triển khai sớm nhất, hiệu quả nhất và tiết kiệm nhất.
Trên cơ sở đó, đại diện một số ban quản lý dự án đã kiến đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán sớm, để giúp cho ban quản lý dự án và nhà thầu thấy được những vấn đề còn thiếu sót nhằm rút kinh nghiệm trong triển khai các công đoạn tiếp theo. Qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước cũng ghi nhận và kiến nghị với cơ quan chức năng tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai.
Trước yêu cầu đó, đại diện của Kiểm toán Nhà nước cho biết việc kiểm toán các dự án quan trọng quốc gia luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Thời gian qua, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện kiểm toán một số dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 1 (2017-2020).
Qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước cho biết đã phát hiện một số bất cập và đưa ra kiến nghị đối với Bộ giao thông vận tải, các Ban quản lý dự án để rút kinh nghiệm trong triển khai dự án ở giai đoạn 2…
Vị đại diện này chia sẻ trong năm 2024, một loạt dự án trọng điểm quốc gia cũng đã được đưa vào Kế hoạch kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước. Kết quả kiểm toán không chỉ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, đầu tư các dự án mà còn phục vụ đắc lực cho công tác giám sát chuyên đề của Quốc hội trong năm 2024.
Để việc chuẩn bị ý kiến của Kiểm toán Nhà nước về chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia được thực hiện thống nhất trong toàn ngành, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành Hướng dẫn việc chuẩn bị ý kiến của Kiểm toán Nhà nước về chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia.
Hướng dẫn này quy định rõ nhiệm vụ, trình tự, thủ tục, nội dung chuẩn bị ý kiến của Kiểm toán Nhà nước về chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia.
Trong đó, một trong những yêu cầu bắt buộc khi xây dựng báo cáo ý kiến của Kiểm toán Nhà nước là phải thu thập thông tin, hồ sơ, tài liệu. Riêng, các dự án quan trọng quốc gia cần thu thập thêm thông tin về hình thức đầu tư; Công nghệ, kỹ thuật, các điều kiện cung cấp vật tư,thiết bị, nguyên liệu, năng lượng, dịch vụ, hạ tầng; Phương án đầu tư và quy mô các hạng mục đầu tư; tiến độ thực hiện dự án, phân chia giai đoạn đầu tư; Phương án giải phóng mặt bằng tái định cư, biện pháp bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước còn thu thập thông tin về tình hình kinh tế-xã hội và quy hoạch; Kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc trong triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia giai đoạn trước; Thông tin tổng quan về tình hình ngân sách Nhà nước; Thông tin kết quả, kiến nghị kiểm toán, việc thực hiện kiến nghị kiểm toán…/.