Kiểm soát xung đột lợi ích để phòng, chống tham nhũng trong khu vực công

Các quy định về kiểm soát xung đột lợi ích chưa được đầy đủ và chặt chẽ, còn nằm tản mát ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau, chưa tạo được cơ chế đồng bộ về kiểm soát xung đột lợi ích.

Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thanh Hải phát biểu chỉ đạo hội hội thảo. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Hội thảo “Cơ chế kiểm soát xung đột lợi ích để phòng, chống tham nhũng trong khu vực công - kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam” do Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Cơ quan Phòng, chống ma túy và thực thi pháp luật quốc tế và Chương trình phát triển Liên hợp quốc tổ chức ngày 12/12 tại Hà Nội.

Hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ và nâng cao năng lực thực thi Công ước phòng, chống tham nhũng của Liên hợp quốc tại Việt Nam” do UNDP tại Việt Nam và Cơ quan Phòng chống ma túy và thực thi pháp luật quốc tế hỗ trợ thực hiện.

Tham dự hội thảo có hơn 60 nhà khoa học, nhà nghiên cứu thuộc lĩnh vực pháp luật, tư pháp; đại diện Văn phòng Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, Liên Đoàn Luật sư Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và các cơ quan Trung ương khác; các học viện, trường đại học; đại diện lãnh đạo các vụ, đơn vị của Ban Nội chính Trung ương, lãnh đạo Ban Nội chính các Tỉnh ủy, Thành ủy Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Ninh Bình và Hòa Bình.

Tại hội thảo, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thanh Hải cho biết, thời gian qua, các quy định của Đảng và Nhà nước về kiểm soát xung đột lợi ích đã từng bước được hoàn thiện và thực hiện nghiêm túc, qua đó đã góp phần quan trọng vào kết quả chung của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Các quy định liên quan đến kiểm soát xung đột lợi ích và có những công cụ cần thiết để kiểm soát xung đột lợi ích như quy định về minh bạch tài sản, thu nhập hiện nay được thiết kế tương đối công phu, bài bản có thể được sử dụng làm căn cứ, cơ sở cho việc kiểm soát xung đột lợi ích; các quy định riêng về kiểm soát quà tặng của cán bộ, công chức; pháp luật đã đưa ra quy định mang tính nguyên tắc về hạn chế việc nhận quà tặng của cán bộ, công chức; các quy định về hạn chế lợi ích kinh doanh cá nhân và công việc làm thêm của cán bộ, công chức người thân trong gia đình cán bộ, công chức ở một số vị trí nhất định.

Tuy nhiên, các quy định về kiểm soát xung đột lợi ích chưa được đầy đủ và chặt chẽ, còn nằm tản mát ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau, chưa tạo được cơ chế đồng bộ về kiểm soát xung đột lợi ích; quy định về phát hiện và xử lý xung đột lợi ích còn có điểm chưa hợp lý; chế tài đối với hành vi vi phạm quy định về kiểm soát xung đột lợi ích chưa rõ ràng, cơ chế giám sát việc thực hiện và xử lý vi phạm chưa nghiêm...

Do đó, việc nghiên cứu, so sánh để đưa ra các khuyến nghị về chính sách, pháp luật nhằm hoàn thiện cơ chế kiểm soát xung đột lợi ích để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong khu vực công tại Việt Nam theo các tiêu chuẩn và thông lệ tốt quốc tế là cần thiết, góp phần nâng cao hiệu quả phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.

Cũng tại hội thảo, các tham luận, ý kiến phát biểu thảo luận, trao đổi của các đại biểu tập trung đi sâu phân tích chính sách của Đảng và Nhà nước về kiểm soát xung đột lợi ích nhằm phòng, chống tham nhũng trong khu vực công; kiểm soát xung đột lợi ích theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng và mức độ tương thích của pháp luật Việt Nam; về tính tương thích của pháp luật Việt Nam so với các quy định của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng; đánh giá kết quả các chính sách, quy định của pháp luật Việt Nam về xung đột lợi ích; đồng thời, đề xuất, khuyến nghị để hoàn thiện chính sách, pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích; nâng cao hiệu quả cơ chế thực thi chính sách, pháp luật và nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về xung đột lợi ích và kiểm soát xung đột lợi ích…/.