Kiểm soát lạm phát thế nào khi cải cách tiền lương từ ngày 1/7?
Đánh giá áp lực lạm phát vẫn rất lớn, nhất là khi cải cách tiền lương triển khai từ ngày 1/7, đại biểu Quốc hội muốn biết Chính phủ sẽ điều hành giá thế nào để đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Sáng nay, 6/6, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã thừa ủy quyền của Thủ tướng làm rõ một số vấn đề thuộc trách nhiệm điều hành của Chính phủ, gồm bốn nhóm nội dung trong phiên chất vấn của đợt 1 và trực tiếp trả lời chất vấn.
Theo đó, nhiều vấn đề nóng đã được các đại biểu chất vấn và tranh luận với Phó Thủ tướng. Đáng chú ý là vấn đề kiểm soát lạm phát sau thời điểm cải cách tiền lương từ 1/7, những giải pháp của Chính phủ để vừa "khoan thư sức dân," vừa phát triển kinh tế - xã hội…
Giải pháp kiểm soát lạm phát
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa, Phó chủ Nhiệm Ủy ban Tư pháp đánh giá Chính phủ đã nỗ lực kiểm soát lạm phát nhưng áp lực điều hành lạm phát vẫn rất lớn, nhất là khi cải cách tiền lương sẽ bắt đầu triển khai từ ngày 1/7.
“Đề nghị Phó Thủ tướng cho biết công tác điều hành giá trong thời gian tới để đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát và giải pháp căn cơ để bảo vệ sức khỏe người dân khi vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng phức tạp,” đại biểu Mai Thị Phương Hoa chất vấn.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng lạm phát liên quan nhiều đến các mặt hàng thiết yếu. Trong khi đó, Việt Nam lại là nền kinh tế mở nên nhiều vật tư, nguyên liệu phải nhập khẩu từ thị trường thế giới. Mặt khác, Việt Nam đang thực hiện nhiều gói kích cầu phát triển kinh tế và chuẩn bị tăng lương. Phó Thủ tướng đánh giá đây có thể là nguyên nhân ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô và ảnh hưởng đến việc kiểm soát lạm phát.
“Vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đảm bảo sản xuất, cung ứng, phân phối. Nhiều mặt hàng Chính phủ quản lý về giá đã có điều chỉnh với lộ trình phù hợp, ví dụ như giải pháp xử lý về giá vàng để đạt mục đích kiểm soát ổn định giá trị đồng tiền,” Phó Thủ tướng cho hay.
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, thời gian tới Chính phủ sẽ đưa ra các chính sách để kích cầu tiêu dùng, du lịch, mua sắm, tăng đầu tư công, cơ sở thiết yếu nhằm đảm bảo sản xuất và phát triển kinh tế. Nếu điều chỉnh nhịp nhàng giữa tăng trưởng kinh tế với lạm phát, kết hợp hoàn hảo giữa chính sách tiền tệ với tài khóa thì Phó Thủ tướng nhận định “hoàn toàn có thể điều chỉnh được giá.”
Về ngộ độc thực phẩm, Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan xem xét, rà lại các quy định pháp luật để có chế tài cụ thể nhằm kiểm soát chuỗi cung cấp thực phẩm từ sản xuất, chế biến đến vận chuyển, tiêu thụ.
Gia hạn thời hạn nộp thuế từ 1/6
Trong phiên trả lời chất vấn sáng nay, về điều hành kinh tế vĩ mô, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết Chính phủ sẽ tập trung hoàn thiện thể chế để khơi thông các nguồn lực, lành mạnh hóa các thị trường; đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của cán bộ, công chức; có cơ chế đánh giá cán bộ dựa trên kết quả cụ thể, gắn đánh giá thực chất với đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm.
Đặc biệt, Chính phủ sẽ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phối hợp hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô. Chính sách tiền tệ sẽ được điều hành chủ động; chính sách tài khóa mở rộng hợp lý; điều hành tỷ giá, lãi suất phù hợp với tình hình thị trường và mục tiêu đề ra.
Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ để khoan thư sức dân, đẩy mạnh đầu tư sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ định hình các lĩnh vực kinh tế mới, hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật...
Theo Phó thủ tướng, ngay trong tháng 6, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định về gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, giảm lệ phí trước bạ ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước, giảm tiền thuê đất, mặt nước để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng.
Giải đáp chất vấn của đại biểu Lê Thanh Vân, Đoàn đại biểu Quốc hội Cà Mau về thứ tự ưu tiên trong số những giải pháp của Chính phủ để vừa "khoan thư sức dân," vừa phát triển kinh tế - xã hội, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thừa nhận đây là vấn đề không đơn giản.
Theo Phó Thủ tướng: “Để khoan thư sức dân, ngay sau sau COVID-19 chúng ta đã có nhiều giải pháp từ cung cấp gói tài chính hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư, hỗ trợ người dân thất nghiệp để tìm kiếm việc làm thông qua chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.”
Bên cạnh đó, đã có nhiều gói kích cầu, gói khắc phục hậu quả sau đại dịch. Nhưng đến nay, Phó Thủ tướng cho rằng “cần đưa ra giải pháp căn cơ.”
Liên quan đến việc khoan sức dân thời điểm này, Phó Thủ tướng cho rằng, đó chính là giúp người dân thích ứng trong mọi điều kiện, đảm bảo các ngành, nghề phát triển, tạo ra công ăn việc làm cho người dân, khi chuyển đổi các ngành nghề và mô hình kinh tế phải hỗ trợ người dân trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.
Song song với đó, theo Phó Thủ tướng giải pháp cần đưa ra là các gói kích cầu tiêu dùng để phát triển, quan tâm hiệu quả, nâng cao năng suất chất lượng trong đầu tư; đặc biệt chú trọng đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, nâng cao sức mạnh cạnh tranh để phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng.
“Đây chính là những giải pháp đảm bảo người dân tham gia, người dân được thụ hưởng và nền kinh tế cũng đảm bảo phát triển,” Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh./.