Kích hoạt khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sau kỳ "ngủ đông"
Để tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng cần sự hỗ trợ từ Chính phủ qua về đơn giản hóa thủ tục pháp lý, môi trường đầu tư...
Năm 2023 và nửa đầu năm 2024 vẫn được xem là thời kỳ "ngủ đông" của rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, ít có doanh nghiệp khởi sự kinh doanh mới ra mắt thị trường và hầu như chưa có thống kê, báo cáo nào về tiến triển của hoạt động khởi nghiệp trên cả nước.
Để tăng hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng rất cần sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phía Chính phủ thông qua việc đơn giản hóa các thủ tục pháp lý, cải thiện môi trường đầu tư và phát triển các chính sách hỗ trợ tài chính cụ thể.
Ngoài ra, việc đầu tư vào giáo dục và đào tạo để nâng cao trình độ nhân lực trong lĩnh vực công nghệ cũng là yếu tố then chốt để đảm bảo sự phát triển bền vững và hiệu quả của các doanh nghiệp mới này, giúp Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế trên bản đồ khởi nghiệp toàn cầu.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Green+, Chủ tịch Câu lạc bộ Các nhà Kinh tế (VEC) ông Đặng Đức Thành kiến nghị để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, tinh thần đổi mới sáng tạo và cầu tiến của các startup rất cần sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa Chính phủ, các nhà đầu tư và các tổ chức tài chính để tạo ra một môi trường đầu tư thuận lợi hơn, cũng như các chính sách và biện pháp hỗ trợ tài chính đa dạng hơn cho các startup.
Các cấp, ngành và địa phương cần tiếp tục cải cách thể chế, tăng cường minh bạch và hiệu quả trong quản lý Nhà nước và cung cấp một môi trường pháp lý thân thiện hơn đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Về phía các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (startup) cũng cần tập trung xây dựng năng lực quản lý, mở rộng mối quan hệ và hiểu biết thị trường, đồng thời đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và cập nhật công nghệ để cải thiện khả năng cạnh tranh trên thị trường hiện đại.
Để giải quyết những thách thức về sở hữu trí tuệ, các cấp, ngành và địa phương cần tiếp tục cải thiện và cập nhật các quy định pháp lý liên quan đến sở hữu trí tuệ và an ninh mạng, đồng thời đầu tư vào việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực này. Điều này không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp mà còn nâng cao sự an toàn và bảo mật trong không gian mạng tại Việt Nam.
Ông Đặng Đức Thành chia sẻ do quy mô nhỏ và vừa, tiềm lực hạn chế, nên việc đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo còn gặp nhiều khó khăn, rào cản. Cụ thể như về tài chính, do thiếu nguồn vốn mạo hiểm, một số quy định về đầu tư nước ngoài, khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng, giá trị định giá thấp dẫn đến việc các startup không thể huy động đủ vốn để phát triển, còn hạn chế trong hỗ trợ tài chính trực tiếp từ Chính phủ,…
Thêm vào đó, do thiếu kinh nghiệm quản lý, khả năng tiếp cận thị trường, cạnh tranh từ các công ty lớn và quốc tế, sự thay đổi nhanh chóng của thị trường và công nghệ nên các startup thường gặp phải những vướng mắc về pháp lý và quản lý thị trường.
Hiện tại với sự phức tạp về hệ thống các thủ tục và quy phạm pháp luật về đầu tư, cùng với những quy định đối với đầu tư nước ngoài vẫn đang rất thiếu những nội dung hay chính sách hỗ trợ cụ thể cho startup, thiếu khung pháp lý về các giao dịch điện tử và an toàn thông tin. Chưa kể, việc thực thi pháp luật, các thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ cũng rất phức tạp, dẫn tới nhiều quan ngại về khả năng bảo mật dữ liệu, khả năng đáp ứng nhanh chóng và hiệu quả trước các mối đe dọa về an ninh mạng,…
Ở góc độ nghiên cứu, Tiến sỹ Nguyễn Huy Oanh, Trường Đại học Trưng Vương, cho hay các doanh nghiệp khởi nghiệp gặp hạn chế về vốn, cơ sở vật chất, kỹ năng quản trị, điều hành doanh nghiệp, xúc tiến, quảng bá hay khả năng đáp ứng các thủ tục hành chính cần thiết. Đa phần, họ đều có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa được khởi nghiệp theo phương thức truyền thống là tự lập. Việc ứng dụng khoa học công nghệ chưa cao nên sức cạnh tranh của các sản phẩm còn thấp. Mặt khác, doanh nghiệp do mới thành lập nên chưa thu hút được các nhà đầu tư hoặc quỹ đầu tư, chưa biết tìm nguồn hỗ trợ tài chính cho mình.
Thêm vào đó, hoạt động đào tạo, tập huấn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các doanh nghiệp khởi nghiệp còn mang tính hình thức, thiếu thực tiễn. Các hoạt động đào tạo chưa được tổ chức thường xuyên và các kiến thức đào tạo thiếu tính ứng dụng cao. Việc hỗ trợ đào tạo bao quát các kiến thức về kinh doanh, tài chính, bán hàng, marketing và quản lý nhân sự vẫn chưa phổ biến rộng rãi, nên đây cũng là thách thức cho các công ty khởi nghiệp trong việc đảm bảo nguồn vốn, thu hút và giữ chân nhân tài.
Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (startup) đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Không chỉ góp phần đáng kể vào GDP, các startup còn tạo ra hàng nghìn việc làm mới, thúc đẩy sự đổi mới công nghệ và cải thiện chất lượng cuộc sống thông qua các sản phẩm và dịch vụ mới. Sự năng động và sáng tạo của các doanh nghiệp loại này cũng là động lực cho các ngành công nghiệp truyền thống phải đổi mới theo, để không bị tụt hậu.
Năm 2023, bất chấp những thách thức từ bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước, các startup Việt Nam vẫn cho thấy sự linh hoạt và khả năng thích ứng cao. Các nhà đầu tư dường như thận trọng hơn, tập trung vào các startup có mô hình kinh doanh bền vững và hiệu quả, điều này phản ánh xu hướng chung toàn cầu về việc "chạy đua" vào chất lượng thay vì số lượng.
Cùng với nguồn vốn đầu tư nhiều tỷ USD từ các công ty công nghệ đổ vào các startup, Chính phủ Việt Nam cũng đã triển khai các chính sách kích thích như giảm thuế giá trị gia tăng, ưu đãi thuế, ưu đãi lãi suất cho vay ngân hàng...; qua đó giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp và tạo điều kiện để các startup mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm cho người lao động./.