Kịch bản 'nâng đời' các tuyến cao tốc Bắc-Nam bằng nguồn vốn ngân sách
Với nhu cầu vận tải tăng nhanh, các tuyến cao tốc Bắc-Nam 4 làn xe cần thiết được nghiên cứu đầu tư mở rộng để phát triển kinh tế-xã hội.
Các đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam được đề xuất đầu tư mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải trong thời gian tới dự kiến sẽ tăng nhanh, điều kiện nguồn lực không phải trở ngại lớn trong khi yêu cầu hoàn chỉnh đồng bộ, hiện đại tuyến đường bộ cao tốc này là trục giao thông quan trọng nhất của cả nước.
18 dự án thành phần cần mở rộng
Báo cáo về chủ trương nghiên cứu đầu tư mở rộng các đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam của Ban Quản lý dự án 6 (Bộ Xây dựng) cho biết theo quy hoạch, tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông có điểm đầu tại cửa khẩu Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn), điểm cuối tại thành phố Cà Mau, tổng chiều dài khoảng 2.063km (chiếm 22% tổng chiều dài mạng lưới cao tốc), quy mô từ 6-12 làn xe. Đến nay, toàn tuyến đã đưa vào khai thác 1.206km, đang thi công 834km.
Tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông hiện nay có 1.163km đã và đang đầu tư quy mô 4 làn xe hạn chế (bề rộng nền đường 17m); 99km đang khai thác với quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh; 113km đang đầu tư mở rộng quy mô cao tốc 4-6 làn xe.
Để phù hợp với nhu cầu vận tải, khả năng cân đối nguồn lực, giai đoạn trước mắt (năm 2017-2020), Chính phủ đề xuất phạm vi đầu tư khoảng 654km các đoạn có nhu cầu vận tải cao, quy mô cơ bản 4 làn xe hạn chế, dải dừng xe khẩn cấp không liên tục; trường hợp đầu tư với quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, mức vốn Nhà nước hỗ trợ khoảng 86.100 tỷ đồng, vượt quá khả năng cân đối cho dự án khoảng 55.000 tỷ đồng tại thời điểm nghiên cứu.
Đến thời điểm năm 2021, để có thể sớm nối thông tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông, Quốc hội đã quyết định chủ trương đầu tư các đoạn còn lại, quy mô 4 làn xe hạn chế. Như vậy, Quốc hội đã quyết định chủ trương đầu tư tổng cộng khoảng 1.178km có quy mô 4 làn xe hạn chế trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông (bao gồm 15km đoạn Cao Bồ-Mai Sơn đang đầu tư mở rộng lên 6 làn xe).
“Việc hoàn thành toàn tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông vào năm 2025 sẽ thúc đẩy kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các vùng kinh tế trọng điểm, từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa đề thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần thực hiện các đột phá chiến lược đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đề ra,” đại diện Ban Quản lý dự án 6 nhấn mạnh.

Chỉ ra định hướng phát triển kinh tế-xã hội của nước ta hiện nay đã khác so với thời điểm quyết định chủ trương đầu tư cao tốc Bắc-Nam phía Đông, phía Ban Quản lý dự án 6 nhìn nhận nhu cầu vận tải trong thời gian tới dự kiến sẽ tăng nhanh, điều kiện nguồn lực không phải trở ngại lớn trong khi yêu cầu hoàn chỉnh đồng bộ, hiện đại tuyến đường bộ cao tốc này là trục giao thông quan trọng nhất của cả nước, do đó cần thiết xem xét mở rộng tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông.
Cụ thể, 18 dự án/dự án thành phần được đề xuất đầu tư mở rộng gồm: Mai Sơn-Quốc lộ 45, Quốc lộ 45-Nghi Sơn, Nghi Sơn-Diễn Châu, Diễn Châu-Bãi Vọt, Nha Trang-Cam Lâm, Cam Lâm-Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây, Bãi Vọt-Hàm Nghi, Hàm Nghi-Vũng Áng, Vũng Áng-Bùng, Bùng-Vạn Ninh, Vạn Ninh-Cam Lộ, Quảng Ngãi-Hoài Nhơn, Hoài Nhơn-Quy Nhơn, Quy Nhơn-Chí Thạnh, Chí Thạnh-Vân Phong và Vân Phong-Nha Trang.
Bảo đảm tính khả thi, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thành khai thác đồng bộ, tận dụng các điều kiện của các dự án đang triển khai, Ban Quản lý dự án 6 kiến nghị lựa chọn hình thức đầu tư công để mở rộng các đoạn tuyến theo quy hoạch.
Nhiều yếu tố thuận lợi để mở rộng
Phía Ban Quản lý dự án 6 cũng chỉ ra việc đầu tư mở rộng các tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông sẽ nâng cao năng lực khai thác, tăng cường an toàn giao thông, do quá trình khai thác một số tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư (4 làn xe hạn chế không có dải dừng xe khẩn cấp liên tục), đã phát sinh một số bất cập.
Ngoài ra, việc mở rộng quy mô mặt cắt ngang theo tiêu chuẩn đường cao tốc giúp tăng tốc độ khai thác lên đến 120km/h thay vì hiện nay đang khai thác với tốc độ 90km/h do không đủ bề rộng mặt cắt ngang và lớp tạo nhám mặt đường...
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến nay, cả nước có hơn 2.000km đường bộ cao tốc, đang thi công hơn 1.800km (trong đó đến hết năm 2025 sẽ hoàn thành hơn 1.000km để đạt mục tiêu có hơn 3.000km), đã bố trí được vốn để triển khai hơn 500km.
“Như vậy, chỉ cần nghiên cứu chuẩn bị đầu tư, đưa vào khai thác khoảng 700km trong giai đoạn 2026-2030 là hoàn thành mục tiêu 5.000km đã đề ra. Nhiệm vụ này là hoàn toàn khả thi và Bộ Xây dựng đang xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định,” lãnh đạo Ban Quản lý dự án 6 nói.
Đánh giá sự sẵn sàng về mặt bằng, điều kiện thi công, điều kiện thủ tục đầu tư, biện pháp, giải pháp tổ chức triển khai, theo Ban Quản lý dự án 6, đối với trình tự, thủ tục, các đoạn tuyến giai đoạn 1 đã hoàn thành và sẽ được triển khai đầu tư mở rộng theo các dự án thành phần độc lập sau khi chủ trương được chấp thuận.

Các đoạn tuyến giai đoạn 2 sau khi hoàn thành đưa vào khai thác quy mô 4 làn xe sẽ tiến hành điều chỉnh dự án để tiếp tục triển khai mở rộng lên 6 làn xe. Các tuyến cao tốc này đang thi công có thể tận dụng về phương tiện, máy móc, nhân lực, lán trại sẵn có trên công trường để giảm được các chi phí liên quan huy động, giải thể công trường so với việc đầu tư sau này; tận dụng được các mỏ vật liệu có sẵn đang cung cấp cho dự án do thủ tục đóng/mở mỏ vật liệu xây dựng mất nhiều thời gian, chi phí, trường hợp mở rộng giai đoạn sau sẽ phát sinh các thủ tục, chi phí này.
Để thuận lợi cho công tác thi công, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, giải ngân, phù hợp với nhu cầu vận tải, trước mắt Ban Quản lý dự án 6 đề nghị Bộ Xây dựng xem xét trong phạm vi cao tốc Bắc-Nam phía Đông thuộc đoạn Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh (gồm 18 đoạn tuyến/dự án thành phần), chiều dài đầu tư khoảng 1.144km, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 152.135 tỷ đồng.
Các đoạn tuyến chưa được nghiên cứu mở rộng như đoạn Mỹ Thuận-Cần Thơ-Cà Mau (dài 149km) hiện có nhu cầu vận tải chưa cao; điều kiện thi công khó khăn; nhu cầu vật liệu hiện nay đang thiếu hụt sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ, tăng chi phí đầu tư, việc đầu tư mở rộng được thực hiện thành dự án riêng.
Ban Quản lý dự án 6 đề xuất Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát, đánh giá khả năng cân đối nguồn vốn để làm cơ sở báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định./.