Khuyến khích doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào công nghiệp trọng điểm
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị phía Nhật Bản phối hợp tạo thuận lợi và khuyến khích thêm nhiều doanh nghiệp Nhật Bản chuyển dịch đầu tư và chuỗi cung ứng, nhất là ngành công nghiệp trọng điểm...
Kỳ họp lần thứ 6 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-Nhật Bản về hợp tác Công nghiệp, Thương mại và Năng lượng đã chính thức diễn ra tại Hà Nội ngày 3/11 dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Nishimura Yasutoshi.
Hợp tác thúc đẩy phát triển công nghiệp
Tại Kỳ họp, hai Bộ trưởng tái khẳng định vai trò quan trọng của cơ chế họp Ủy ban hỗn hợp trong tháo gỡ các khó khăn, đảm bảo sự ổn định và liên tục đối với phát triển quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước đồng thời thống nhất thảo luận các cách thức để Việt Nam và Nhật Bản cùng hợp tác thúc đẩy trao đổi thương mại và đầu tư; tăng cường khả năng chống chịu của chuỗi cung ứng; phát triển nền kinh tế số; phát triển năng lượng tái tạo và phát thải carbon thấp; thúc đẩy nhanh công nghiệp hóa tại Việt Nam…
[Việt-Nhật liên kết đào tạo nhân lực chất lượng cao ngành nông nghiệp]
Tại Kỳ họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao đóng góp của các nhà đầu tư Nhật Bản trong việc thúc đẩy, nâng cao năng lực sản xuất góp phần đưa nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Nhật Bản và toàn cầu trong những năm qua.
Ông Diên đề nghị Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản phối hợp tạo thuận lợi và khuyến khích thêm nhiều doanh nghiệp Nhật Bản chuyển dịch đầu tư và chuỗi cung ứng sản xuất sang Việt Nam, nhất là trong các ngành công nghiệp trọng điểm và công nghiệp hỗ trợ.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên mong muốn hai bên tiếp tục duy trì trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và chính sách phát triển cho các dòng phương tiện thân thiện với môi trường.
Hai Bộ trưởng đánh giá cao thành quả hợp tác song phương trong ngành công nghiệp ôtô, thể hiện qua việc triển khai có hiệu quả “Kế hoạch hành động hợp tác thuộc lĩnh vực công nghiệp ôtô và công nghiệp hỗ trợ,” cùng một số dự án hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực sản xuất cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và các nhà sản xuất linh kiện phụ tùng ôtô của Việt Nam.
Tại Kỳ họp, hai Bộ trưởng nhất trí việc thành lập Nhóm công tác chung giữa hai cơ quan nhằm xây dựng các dự án đồng sáng tạo hướng tới tương lai của hai quốc gia, qua đó hợp tác để thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp hướng tới tương lai như chất bán dẫn, AI, công nghiệp không gian, công nghệ sinh học… là xu thế tất yếu, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế-xã hội của các quốc gia.
Trong lĩnh vực thương mại, hai Bộ trưởng đã thảo luận trao đổi các nội dung hợp tác thúc đẩy hội nhập kinh tế trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thông qua việc triển khai có hiệu quả các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và Khuôn khổ hợp tác đa phương mà hai nước cùng là thành viên.
Về Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hoan nghênh Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực đối với toàn bộ các nước ký kết ban đầu và việc Vương quốc Anh trở thành nền kinh tế thứ 12 gia nhập CPTPP vào năm 2023, hai Bộ trưởng cũng thống nhất quan điểm sự mở rộng Hiệp định cần dựa trên cơ sở duy trì các tiêu chuẩn cao của Hiệp định, cũng như những kinh nghiệm mà các thành viên CPTPP đã đúc kết được từ quá trình đàm phán gia nhập của Vương quốc Anh.
Về hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), hai Bộ trưởng hoan nghênh việc thành lập Đơn vị hỗ trợ RCEP sẽ giúp việc thực thi Hiệp định đạt hiệu quả cao, đồng thời, đánh giá cao việc một số nền kinh tế quan tâm đến việc gia nhập Hiệp định.
Hướng tới chuyển đổi sang năng lượng sạch
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi chậm tồn tại nhiều nhân tố khó dự đoán, hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ tìm kiếm các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao kim ngạch thương mại song phương theo hướng cân bằng, đồng thời đẩy mạnh hợp tác phát triển Thương mại Điện tử, Kinh tế Số, mở cửa thị trường các sản phẩm nông sản, triển khai nhiều hơn nữa các hoạt động xúc tiến tạo cơ hội cho doanh nghiệp hai nước giao thương, trao đổi thương mại và đầu tư...
Về hợp tác năng lượng, Bộ trưởng Nishimura Yasutoshi hoan nghênh việc Việt Nam đã phê duyệt Quy hoạch điện VIII, hướng tới quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch với việc trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới cam kết tham gia Ðối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP). Đây cũng là cơ sở pháp lý quan trọng tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản tăng cường đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam.
Hai Bộ trưởng đánh giá cao nỗ lực của hai bộ trong việc nghiên cứu, xây dựng dự thảo và đề nghị thúc đẩy sớm ký kết Biên bản hợp tác về chuyển dịch năng lượng, nhằm hỗ trợ cụ thể hoá lộ trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam.
Hai Bộ trưởng nhất trí cùng phối hợp chặt chẽ cùng hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc trong triển khai một số dự án năng lượng do có sự tham gia của nhà đầu tư Nhật Bản đồng thời thúc đẩy hợp tác năng lượng về đốt trộn sinh khối, điện gió ngoài khơi, đất hiếm...
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao thiện chí hợp tác đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản và cho biết Bộ Công Thương đang nỗ lực phối hợp với các cơ quan liên quan của Việt Nam để thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án năng lượng giữa doanh nghiệp hai nước.
Nhằm mục đích kêu gọi mở rộng đầu tư từ Nhật Bản, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ luôn ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án đầu tư nước ngoài có thể giúp Việt Nam chuyển đổi năng lượng hiệu quả và bền vững, hướng tới đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
Kết thúc Kỳ họp, hai Bộ trưởng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng của hai bộ sẽ sớm trao đổi, triển khai các nội dung hợp tác công nghiệp, thương mại và năng lượng mà hai Bên đã thống nhất tại Kỳ họp thứ Sáu lần này nhằm thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ tốt đẹp sẵn có giữa hai nước, đồng thời đóng góp vào thành tựu chung trong năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản./.