Khuyến cáo doanh nghiệp về dư lượng khi xuất khẩu sang EU

Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển kiêm nhiệm Đan Mạch, Phần Lan, việc thu hồi sản phẩm vi phạm và đăng tin rộng rãi sẽ ảnh hưởng uy tín của doanh nghiệp xuất khẩu và thương hiệu hàng Việt Nam.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển kiêm nhiệm Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Nauy, Latvia vừa khuyến cáo doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý đến dư lượng thuốc trừ sâu được cho phép (MRL) trong sản phẩm gạo để không bị ảnh hưởng tới xuất khẩu bởi phía EU, nhất là Nauy đang tăng cường kiểm tra các lô gạo xuất khẩu, trong đó có Việt Nam.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển kiêm nhiệm Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Nauy, Latvia, việc thu hồi sản phẩm vi phạm và đăng tin rộng rãi sẽ ảnh hưởng uy tín không chỉ của doanh nghiệp xuất khẩu và nhập khẩu, mà còn ảnh hưởng đến thương hiệu hàng Việt Nam.

Trước đó, ngày 13/5/2022, EU đã ban hành Quy định (EU) 2022/741 liên quan đến chương trình phối hợp kiểm soát nhiều năm của Liên minh trong 3 năm từ 2023-2025 để đảm bảo các sản phẩm nhập khẩu vào EU tuân thủ mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tối đa.

[EU ban hành ngưỡng dư lượng thủy ngân mới trong thủy sản và muối]

Điều này nhằm đánh giá mức độ phơi nhiễm của người tiêu dùng đối với dư lượng thuốc trừ sâu trên và trong thực phẩm có nguồn gốc động vật, đồng thời bãi bỏ Quy định (EU) 2021/601. Vì vậy, các quốc gia thành viên sẽ lấy và phân tích mẫu cho các tổ hợp thuốc trừ sâu được nêu trong phụ lục I của Quy định.

Ngoài ra, các sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật và động vật sẽ được lấy mẫu ngẫu nhiên để kiểm tra là cam, táo, chuối, kiwi, bưởi, hành tây, cà rốt, bông cải xanh, cải bắp, đậu, ớt, gạo xát vỏ, mỡ gia cầm, sữa bò, trứng gà….

Hiện nay, không chỉ EU mà ngay cả các nước Bắc Âu không thuộc EU như Na Uy, Iceland cũng đẩy mạnh chương trình kiểm tra theo quy định này.

Đáng lưu ý, gạo là mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Bắc Âu bị kiểm tra nhiều nhất; trong đó, các chất Hexaconazole và Tricyclazole thường vượt ngưỡng trong sản phẩm vi phạm.

Bên cạnh việc kiểm tra tại cửa khẩu đối với các lô hàng mới, cơ quan an toàn thực phẩm của các nước sẽ lấy mẫu kiểm tra trên thị trường với các lô hàng cũ (có lô hàng được nhập khẩu từ đầu năm 2021).

Nếu sản phẩm vi phạm dư lượng, doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối bắt buộc phải thông tin việc thu hồi rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Mặt khác, các mặt hàng tương tự của doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối sẽ bị kiểm tra tại kho và doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này vào EU cũng được tăng tần suất kiểm tra tại cửa khẩu với các lô hàng tiếp theo./.

Uyên Hương (TTXVN/Vietnam+)