Khuyến cáo bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy mùa hanh khô, Tết Nguyên đán
Tết Nguyên đán là thời điểm miền Bắc vào mùa hanh khô, độ ẩm trong không khí giảm mạnh, vật liệu khô nỏ rất dễ bắt cháy càng làm nguy cơ cháy, nổ tăng cao, dễ xảy ra những vụ cháy gây thiệt hại lớn.
Ngày 24/1, Cục Cảnh sát Phòng cháy, Chữa cháy và Cứu nạn, Cứu hộ (C07, Bộ Công an) đã đưa ra các khuyến cáo nhằm đảm bảo an toàn, phòng, chống cháy nổ trong mùa hanh khô, nhất là Tết Nguyên đán Giáp Thìn và lễ hội đầu năm 2024.
Theo Cục C07, những ngày giáp Tết Nguyên đán, các cơ sở sản xuất, kinh doanh tăng cường sản xuất để hoàn thành kế hoạch; nguyên vật liệu, hàng hóa tập kết lớn, việc tiêu thụ điện, nhiên liệu tăng cao.
Thêm vào đó, đây là thời điểm miền Bắc vào mùa hanh khô, độ ẩm trong không khí giảm mạnh, vật liệu khô nỏ rất dễ bắt cháy càng làm nguy cơ cháy, nổ tăng cao, dễ xảy ra những vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng.
Để bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, Cục C07 khuyến cáo người đứng đầu cơ sở sản xuất kinh doanh cần quan tâm tổ chức công tác tuyên truyền, nhắc nhở cán bộ công nhân viên và người lao động chấp hành nghiêm nội quy, quy định phòng cháy, chữa cháy; tăng cường công tác tự kiểm tra, kịp thời khắc phục những thiếu sót có thể phát sinh cháy, nổ.
Đồng thời, sắp xếp nguyên vật liệu, hàng hóa cách xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; bảo đảm các điều kiện để lực lượng chữa cháy tại chỗ hoạt động hiệu quả; tổ chức các ca trực trong quá trình sản xuất và ngoài giờ hành chính để kịp thời phát hiện và dập tắt cháy ngay khi mới phát sinh, không để xảy ra cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng.
Cục C07 cũng cho biết, hằng năm có khoảng 50% tổng số vụ cháy xảy ra tại các hộ gia đình. Nguyên nhân gây cháy chủ yếu là do con người, do sơ suất bất cẩn trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, chất dễ cháy, sử dụng điện không an toàn.
Để đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy trong các hộ gia đình, chủ hộ và các thành viên cần chủ động học tập, tìm hiểu để có kiến thức và kỹ năng cơ bản về an toàn phòng cháy, chữa cháy trong gia đình; quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt khi đun nấu, thắp hương thờ cúng, sử dụng các thiết bị đốt nóng, sửa chữa, thi công… phải có người trông coi.
Không buôn bán, tàng trữ trái phép các chất dễ cháy, nổ; sử dụng an toàn các chất dễ cháy trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, hạn chế khối lượng chất dễ cháy như xăng dầu, gas trong gia đình.Hệ thống điện phải có thiết bị bảo vệ chống quá tải, chập mạch; không cắm nhiều thiết bị tiêu thụ điện vào một ổ cắm; tắt các thiết bị điện khi không cần thiết, khi đi ngủ hoặc khi ra khỏi nhà.
Mỗi gia đình nên đầu tư lắp đặt các thiết bị báo cháy, báo rò rỉ gas, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện chữa cháy tại chỗ để dập tắt cháy ngay từ khi mới phát sinh. Chủ động phương án thoát nạn khi có cháy xảy ra, chuẩn bị mặt nạ phòng độc, chăn, mền, khăn vải nhúng nước để che chắn mặt, cơ thể khi phải thoát qua các vùng, khu vực có khói lửa bao trùm.
Cục C07 cũng yêu cầu Ban Quản lý các chợ, trung tâm thương mại niêm yết nội quy phòng cháy, chữa cháy, biển cấm lửa, cấm hút thuốc ở những nơi có nguy hiểm về cháy, nổ.
Tách riêng biệt hệ thống điện phục vụ kinh doanh, hệ thống điện chiếu sáng bảo vệ, hệ thống điện phục vụ thoát nạn và chữa cháy; lắp đặt thiết bị bảo vệ (aptomat) cho toàn bộ hệ thống điện, cho từng tầng, từng nhánh, từng ngành hàng và từng quầy, sạp của hộ kinh doanh.
Bố trí dãy hàng, ngành hàng không cháy hoặc khó cháy xen kẽ giữa các ngành hàng, dãy hàng dễ cháy. Không làm thêm mái che, mái vẩy, cũng như không bố trí quầy sạp, bãi để xe và không để vật tư, hàng hóa trong khoảng cách ngăn cháy giữa các khối nhà của khu vực chợ với các khu vực lân cận.
Tại các siêu thị, trung tâm thương mại cần bố trí cầu thang thoát nạn riêng biệt, có lối ra ngoài trực tiếp; bố trí phòng lánh nạn tạm thời, bố trí lối thoát nạn dự phòng. Có giải pháp ngăn lửa, chống tụ khói trong cầu thang thoát nạn.
Cửa đi lối thoát nạn mở theo chiều thoát nạn, được làm bằng vật liệu không cháy; cửa vào buồng thang thoát nạn là cửa chống cháy và có cơ cấu tự đóng. Có sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn cho từng tầng, từng khu vực, từng ngành hàng, có hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, chỉ dẫn thoát nạn trên đường và hướng thoát nạn.
Lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động theo quy định; trang bị phương tiện chữa cháy phục vụ việc thoát nạn, cứu người phù hợp với quy mô, tính chất nguy hiểm cháy.
Thành lập Đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở có đủ lực lượng để tổ chức thường trực, tuần tra phát hiện cháy; tổ chức huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, hướng dẫn thoát nạn và cứu người cho lực lượng này.
Xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy, cứu người trong tình huống xảy ra cháy phức tạp nhất. Khi xảy ra cháy, tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, số máy 114, cho Công an nơi gần nhất, đồng thời tổ chức bằng mọi cách dập tắt cháy và cứu người theo phương án chữa cháy và thoát nạn của cơ sở.
Đối với các hộ kinh doanh buôn bán, cần chấp hành nghiêm các quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy, trong đó đặc biệt chú ý: Quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, không đốt hương, đốt vàng mã, đun nấu, hút thuốc…; quản lý chặt chẽ các hàng, chất dễ cháy; sử dụng an toàn điện và thiết bị điện; không tự ý câu móc điện; không lấn chiếm, cơi nới ảnh hưởng đến lối đi chung và khoảng cách chống cháy lan; không tàng trữ, buôn bán trái phép các chất, hàng nguy hiểm cháy, nổ./.