Khủng hoảng chính trị tại Italy: Thời gian ít ỏi của Thủ tướng Draghi
Gói viện trợ cho doanh nghiệp và hộ gia đình bị ảnh hưởng do giá năng lượng cao đã được Thượng viện thông qua nhưng việc M5S rút lui vẫn khiến nước này có thể dẫn đến một cuộc bầu cử sớm.
Thủ tướng Italy Mario Draghi chỉ có chưa đầy một tuần để xử lý tình trạng bất ổn chính trị hiện nay, sau khi Tổng thống Sergio Mattarella bác đơn xin từ chức của nhà lãnh đạo này và yêu cầu ông trở lại Quốc hội nhằm đánh giá về khả năng thiết lập một liên minh cầm quyền mới.
Ngày 14/7, Thủ tướng Draghi đã nộp đơn xin từ chức lên Tổng thống Mattarella sau khi Phong trào 5 Sao (M5S), đảng lớn thứ hai trong liên minh cầm quyền của ông, không tham gia cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Thượng viện.
Bất chấp sự tẩy chay của M5S, gói viện trợ cho các doanh nghiệp và hộ gia đình bị ảnh hưởng do giá năng lượng cao của Thủ tướng Draghi đã được Thượng viện thông qua với 172 phiếu thuận và 39 phiếu chống.
Tuy nhiên, việc M5S rút lui khiến chính phủ đứng trước nguy cơ sụp đổ thực sự và có thể dẫn đến một cuộc bầu cử sớm.
Cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Thượng viện ngày 14/7 đã trở thành tâm điểm của những căng thẳng trong chính phủ liên minh của ông Draghi, khi các đảng chuẩn bị đối đầu trong cuộc bầu cử quốc gia vào đầu năm 2023.
Bà Giorgia Meloni, lãnh đạo đảng cực hữu Anh em Italy (Fratelli d'Italia), đảng đối lập duy nhất hiện nay, đang kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử sớm vì "đất nước đang chìm trong bão tố" và cần thay đổi để thích ứng với nhiều thách thức trong và ngoài nước.
[Thủ tướng Italy Mario Draghi thông báo từ chức, Tổng thống bác đơn]
Trong khi đó, một số đảng khác lên tiếng ủng hộ việc Tổng thống Mattarella ngăn Thủ tướng Draghi từ chức. Bộ trưởng Hành chính công Renato Brunetta, thành viên của đảng Tiến lên Italy (Forza Italia), khẳng định đất nước đang trong giai đoạn "không thể thiếu ông Draghi".
Cùng chung quan điểm, Ngoại trưởng Luigi Di Maio, người đứng đầu nhóm mới tách khỏi M5S, ủng hộ quyết định của Tổng thống Mattarella và cam kết "tìm cách giành lại thế đa số cho chính phủ đương nhiệm khi Quốc hội họp lại".
Các chính đảng tại Italy có thể gặp nhau vào ngày 18/7 để thảo luận về con đường phía trước. Thủ tướng Draghi có thể sẽ phát biểu trước các nghị sĩ và tổ chức một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm mới. Ngay cả khi không có sự tham gia của M5S, chính phủ của ông vẫn có thể có được đa số áp đảo trong quốc hội.
Liên minh cầm quyền của Thủ tướng Draghi được thành lập vào tháng 2/2021 với sự tham gia của các đảng M5S, Liên đoàn phương Bắc (Lega Nord), Forza Italia, Dân chủ (Democratico), Italia Viva và Article One.
Những diễn biến sắp tới trên chính trường Italy phụ thuộc rất nhiều vào quyết định của Tổng thống Mattarella. Thủ tướng Draghi là người có quan điểm ủng hộ châu Âu và được coi là nhà lãnh đạo có khả năng sử dụng một cách có trách nhiệm các quỹ phục hồi sau đại dịch COVID-19 của Liên minh châu Âu.
Tổng thống Mattarella sẽ tìm cách để tránh phải tổ chức bầu cử sớm, có thể khiến các đảng cánh hữu vươn lên đứng đầu một chính phủ mới. Các cuộc đàm phán ở hậu trường sẽ bắt đầu.
Tuy nhiên, Thủ tướng Draghi sẽ không tại vị lâu, do ông chỉ ở lại theo yêu cầu của Tổng thống./.