Không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu trí tuệ
Phiên họp sáng 31/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận về sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ, trong đó có việc bổ sung quy định về Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca trong dự thảo Luật này.
Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 3, sáng 31/5, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Phiên họp được truyền hình trực tiếp trên kênh truyền hình Quốc hội Việt Nam.
Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 103 điều của Luật Sở hữu trí tuệ (tăng 10 điều so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2), có 12 điều chỉ sửa đổi, bổ sung về kỹ thuật, bãi bỏ một số quy định tại 5 điều; đồng thời sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giá, Luật Hải quan, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Đối với một số vấn đề quan trọng, dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cho tổ chức chủ trì; không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; cơ bản tán thành với các nội dung khác đã được tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Luật; nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Hải quan, Luật Giá, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật...
Về bổ sung quy định Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca trong dự thảo Luật, Chính phủ đã bổ sung, làm rõ sự cần thiết, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan và đề xuất phương án cụ thể bổ sung quy định về Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Trong phiên làm việc chiều, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
[Sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn]
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) được ban hành nhằm hoàn thiện thể chế về công tác phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền con người theo Hiến pháp năm 2013; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, xã hội cũng như vai trò của gia đình về lĩnh vực này, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong tình hình mới.
Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp này gồm 6 chương, 62 Điều, trong đó, sửa đổi, bổ sung nội dung 42 Điều trong Luật hiện hành; xây dựng mới hoàn toàn 17 Điều; bỏ 3 Điều, so với Luật hiện hành tăng 16 Điều.
Nội dung Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tập trung vào ba nội dung chính trong các chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 178/NQ-CP ngày 12/12/2020, bao gồm các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, tăng cường bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; Cơ chế phối hợp và các điều kiện bảo đảm để thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình; Khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được ban hành giúp hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; tiếp tục khẳng định bản chất của Nhà nước Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, nhân dân là người chủ của đất nước; bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động và trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp; cụ thể hóa đầy đủ các chính sách trong đề nghị xây dựng dự án Luật nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành quy định của pháp luật hiện hành về thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Dự thảo Luật trình xin ý kiến Quốc hội gồm 07 chương, 74 Điều, quy định về những vấn đề chung trong thực hiện dân chủ ở cơ sở./.