Không thiếu nguồn cung xăng dầu, vì sao nhiều cửa hàng vẫn ngừng bán?

Kinh doanh xăng dầu là loại hình có điều kiện, không thể “lời ăn, lỗ bỏ” nên có tâm lý nghe ngóng, mua/bán cầm chừng của doanh nghiệp trước biến động bất thường của thị trường thế giới.

Tổng kho xăng dầu Đình Vũ, Hải phòng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Không chỉ trước thời điểm tăng giá xăng dầu mà ngay cả khi giá các mặt hàng xăng dầu đã được điều chỉnh giảm, thời gian vừa qua, thị trường bán lẻ xăng dầu đã chứng kiến cảnh nhiều cửa hàng ở một số địa phương treo biển hết hàng, nghỉ bán hoặc chỉ bán cầm chừng…

Vậy vì sao cơ quan chức năng khẳng định không thiếu nguồn cung, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu sản xuất và tiêu dùng, nhưng tình trạng khan hiếm xăng dầu vẫn đang xảy ra?

Muôn kiểu lý do để dừng bán?

Theo báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường, trong đợt kiểm tra, giám sát 21 cửa hàng xăng dầu tại một số địa phương như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên dịp nghỉ lễ 2/9 cho thấy hầu hết các cửa hàng xăng dầu đều đủ nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng, song vẫn có một số nơi hết hàng nhưng chỉ là cục bộ, nhất thời.

Đơn cử, tại cửa hàng xăng dầu số 2 của Công ty Cổ phần Nam Hồng, Km6, đường Bắc Thăng Long Nội Bài-Nam Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội, khi Đoàn kiểm tra có mặt vào ngày 3/9, nhân viên cửa hàng này cho biết “Chúng tôi mới hết xăng từ đầu giờ sáng nay. Còn dầu vẫn bán bình thường.”

[Phạt tiền, tạm thời chưa thu giấy phép 5 doanh nghiệp xăng dầu vi phạm]

Tiếp tục làm việc tại tỉnh Thái Nguyên, ông Chu Quốc Khánh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên cho biết dịp nghỉ Lễ 2/9, đơn vị đã nhận được công văn báo cáo của một số doanh nghiệp xin tạm dừng bán xăng RON95-III.

Trước tình hình trên, ông Hoàng Ánh Dương, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường nhận định có tình trạng những cây xăng chỉ bán RON95 với lý do không nhập được E5 RON92 hoặc có cửa hàng chỉ bán E5RON92 mà không bán RON95 với lý do tương tự như trên.

“Những cửa hàng xăng dầu thuộc hệ thống của PVOil và Petrolimex đầy đủ các loại xăng. Khi trao đổi với đại diện các cửa hàng này cho biết sản lượng mấy ngày gần đây tăng lên gấp đôi do lượng khách đổ dồn về mua hàng, tuy nhiên họ vẫn có thể cung ứng được cho người tiêu dùng,” ông Hoàng Ánh Dương cho hay.

Đâu là nguyên nhân?

Chia sẻ về tình hình kinh doanh xăng dầu hiện nay, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam (VINPA) cho biết việc Bộ Công Thương khẳng định không thiếu nguồn cung xăng dầu là có cơ sở.

Dẫn chứng báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho thấy hai nhà máy lọc dầu trong nước đang hoạt động tối đa công suất, có khả năng đáp ứng tới 80% nhu cầu xăng dầu tại thị trường nội địa. Còn về phía các đầu mối nhập khẩu lớn cũng khẳng định tuân thủ chỉ đạo của cơ quan quản lý Nhà nước về định mức nhập khẩu xăng dầu...

Tổng cục Quản lý thị trường giám sát tình hình hoạt động kinh doanh xăng dầu tại Cửa hàng xăng dầu dầu số 2 của Công ty cổ phần Nam Hồng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tuy vậy, khó khăn của các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ xăng dầu trước là bởi tác động của giá thế giới biến động bất thường, khó đoán định, đã ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Việc cắt giảm sâu chiết khấu đang từ mức hơn 1.000 đồng/lít về mức rất thấp, chỉ 100-200 đồng, rồi thậm chí là 0 đồng khiến doanh nghiệp kinh doanh lỗ chồng lỗ…

Trong khi đó, kinh doanh xăng dầu là loại hình kinh doanh có điều kiện, không thể “lời ăn, lỗ bỏ” nên tâm lý nghe ngóng, mua/bán cầm chừng của doanh nghiệp trước biến động bất thường của thị trường thế giới những ngày qua là có.

Thực tế hiện nay, Nghị định 83/CP và Nghị định 95/CP sửa đổi đã quy định chặt chẽ về việc xác định giá xăng dầu, theo đó đã đưa xăng dầu là mặt hàng bình ổn và doanh nghiệp không có quyền định giá, liên bộ ra quyết định điều hành giá 10 ngày/lần, thay bằng 15 ngày/lần như nghị định 83/CP.

Ông Bùi Ngọc Bảo cho rằng việc điều hành này sát hơn với thị trường, cụ thể là cơ chế về giá đã tính toán theo giá thế giới trong vòng 10 ngày và quy định rất rõ nhưng bất cập là các chi phí nằm trong công thức giá đó vẫn áp dụng và sử dụng các chi phí được xác lập từ năm 2014 mà chưa được rà soát và hiệu chỉnh lại.

Trong khi đó, từ 2014 đến nay, lạm phát và các chi phí gia tăng trong vận tải, chi phí về tỷ giá, lãi suất đã có thay đổi nhưng chưa tính toán và rà soát kịp thời, đặc biệt là các phụ phí bắt đầu từ tháng 7/2022 lẽ ra được áp dụng thực tế ở doanh nghiệp nhưng cũng chưa điều chỉnh nhanh chóng. Những phụ phí tính từ đầu năm và năm trước nên dẫn đến việc tính thiếu cho doanh nghiệp. Đơn cử, giá xăng chỉ tính phụ phí trên cở sở mức 85 USD/thùng mà trong quý 1 và hiện tại mặt hàng này đã lên đến 110-120 USD/thùng.

Vì vậy, các phụ phí trong công thức giá không theo kịp thị trường đã dẫn tới việc các doanh nghiệp đầu mối thiếu phụ phí, tác động trực diện đến hoạt động kinh doanh cũng như tác động trở lại tới các đại lý…

Cách nào 'giải toán'?

Từ phân tích đó, đại diện VINPA khuyến nghị cơ quan chức năng sớm rà soát việc áp dụng mức chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và khoản chênh lệch so với giá thế giới, được xác định theo phương pháp bình quân gia quyền theo sản lượng theo mức phù hợp với thực tế phát sinh thời gian vừa qua để bảo đảm tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở xăng dầu theo quy định hiện hành.

"Giải quyết được khó khăn này sẽ gỡ khó được rất nhiều cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong bối cảnh hiện nay," đại diện VINPA khuyến nghị.

Còn theo chuyên gia kinh tế, tiến sỹ Vũ Đình Ánh, cần rút ra bài học từ việc Bộ Công Thương mới đây công bố sẽ thu hồi giấy phép 5 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối nhưng chưa thực hiện ngay và doanh nghiệp vẫn được tiếp tục kinh doanh.

Ông phân tích, khi chưa tạo được một thị trường cạnh tranh hoàn hảo giữa các cái doanh nghiệp đầu mối, thì lại nảy sinh một vấn đề mới là gần như thiếu hoàn toàn việc cạnh tranh giữa các cây xăng bán lẻ hay còn gọi là hệ thống cuối cùng.

Điều đó khiến cho các cây xăng bán lẻ kêu ca về câu chuyện chiết khấu bởi họ không có lựa chọn nào khác. Tức là họ không thể chuyển từ doanh nghiệp đầu mối này sang doanh nghiệp đầu mối khác.

“Sự phụ thuộc này gần như một dạng quan hệ “mẹ con” giữa các doanh nghiệp đầu mối và các cây xăng bán lẻ khiến cho thị trường không có sự cạnh tranh giữa các cây xăng bán lẻ với nhau,” tiến sỹ Vũ Đình Ánh nói.

- Biến động giá xăng dầu thời gian gần đây:

Từ nhận định này, ông Ánh đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước phải thiết lập lại thị trường xăng dầu, kể cả khâu bán buôn. Đảm bảo tính cạnh tranh của các doanh nghiệp đầu mối và đảm bảo tính linh hoạt của hệ thống bán lẻ xăng dầu khi có biến động từ phía doanh nghiệp đầu mối.

Cơ quan quản lý cũng phải có một cơ chế giá phù hợp, gắn với đó là việc điều hành bình ổn giá thông qua các biện pháp như cắt giảm các khoản thu ngân sách hay thuế, phí… một cách chủ động và linh hoạt thì mới tạo ra sự đồng bộ về quản lý, điều hành.

Về phía Hiệp hội xăng dầu Việt Nam kiến nghị cùng với điều hành linh hoạt, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, Nhà nước cần đảm bảo cho doanh nghiệp có được một môi trường kinh doanh thuận lợi.

“Doanh nghiệp đầu tư kinh doanh phải có lợi nhuận. Vì vậy, cần sớm rà soát lại chi phí kinh doanh định mức. Nếu doanh nghiệp lỗ kéo dài, phải rời khỏi thị trường cũng sẽ ảnh hưởng đến hệ thống cung ứng và gây bất ổn thị trường, ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế và đời sống của nhân dân,” đại diện VINPA cho biết./.

Đức Duy (Vietnam+)