Không thể “khoán trắng” cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy
Hà Nội yêu cầu người đứng đầu các đơn vị chịu trách nhiệm toàn diện trong chỉ đạo đơn vị thực hiện nhiệm vụ, giải pháp phòng cháy, chữa cháy, không thể "khoán trắng," trông chờ vào cán bộ phòng cháy.
Qua tổng kết tình hình cháy, nổ trong những năm gần đây, Công an thành phố Hà Nội nhận thấy chiếm tỷ lệ cao trong cháy, nổ là nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh; nhà ở nhiều căn hộ, nhà trọ; kho, xưởng; quán ăn… trong khu dân cư.
Thời gian tới, cùng với phát triển của kinh tế-xã hội, nhất là việc đẩy mạnh thương mại tư nhân, các loại hình sản xuất kinh doanh tương tự tiếp tục phát triển, nếu không được kiểm soát tốt dẫn đến nguy cơ cao về cháy, nổ.
Trước thực trạng trên, việc thành phố Hà Nội thực hiện ngay các giải pháp trước mắt và lâu dài để ngăn chặn “giặc hỏa” đối với cơ sở trọ và các cơ sở loại hình khác (thuộc thẩm quyền quản lý về phòng cháy, chữa cháy) là rất cần thiết.
Coi trọng hậu kiểm, khắc phục vi phạm
Phường Cầu Dền (quận Hai Bà Trưng) nằm cạnh các trường đại học lớn nên có 83 cơ sở cho thuê trọ trong các ngõ nhỏ, xe cứu hỏa rất khó tiếp cận nếu hỏa hoạn xảy ra. Để tăng vai trò quản lý nhà nước, sau kiểm tra, Ủy ban Nhân dân phường Cầu Dền đã cử cán bộ chuyên môn theo sát, “ốp” chủ nhà trọ khắc phục lỗi vi phạm sau đợt kiểm tra.
Hàng tuần, số liệu về khắc phục lỗi vi phạm của các chủ nhà trọ được báo cáo với lãnh đạo phường để có phương án chỉ đạo kịp thời. Nhờ vào cuộc tích cực, nhiều nhà trọ trên địa bàn đã khắc phục được những tồn tại.
Nhà số 32/36, tổ 25 Lê Thanh Nghị (phường Cầu Dền) là một nhà trọ cao tầng được đầu tư khá bài bản, gồm thang máy, thang bộ, cửa thoát hiểm bên hông và trên tầng thượng. Tuy nhiên, khi kiểm tra, lực lượng chức năng yêu cầu chủ nhà phải có phương án chống cháy lan.
Dù tốn kém và xáo trộn việc kinh doanh nhưng chị Đào Thị Thủy Nguyên (chủ nhà trọ) nhanh chóng tiếp thu ý kiến của cơ quan chức năng, xây dựng bức tường chống cháy lan.
“Việc xây như vậy, ảnh hưởng tới mỹ quan nhưng sẽ giúp an toàn hơn,” chị Nguyên chia sẻ và cho biết đã đầu tư mua thêm mỗi phòng một chuông báo cháy tự động, thang dây, theo khuyến cáo của phường.
Liên quan đến vấn đề khắc phục vi phạm, Trung tá Trương Văn Dương, Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an quận Ba Đình cho biết, trước mắt, sau khi tổng kiểm tra, Công an quận yêu cầu các cơ sở trọ có giải pháp ngăn cháy, ngăn khói nơi có nguy cơ cháy nổ cao với khu vực ở và lối thoát nạn; tách biệt khu vực để xe xăng và xe đạp, xe máy điện; bố trí lối thoát nạn an toàn và mở lối thoát hiểm, thoát nạn khẩn cấp qua ban công, lôgia, lối ra mái; trang bị phương tiện, thiết bị, công cụ phòng cháy, chữa cháy...
Bên cạnh đó, yêu cầu chủ cơ sở, chủ hộ xây dựng phương án, dự kiến tình huống thoát nạn và thường xuyên tự tổ chức tuyên truyền kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn cho 100% người dân sinh sống trong tòa nhà.
Còn theo Thượng tá Lã Văn Tuyên, Phó trưởng Công an huyện Thanh Trì, Công an huyện xác định kiểm tra phòng cháy, chữa cháy đối với cơ sở trọ, chung cư mini… là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thực hiện thường xuyên, liên tục. Công an huyện phối hợp với các phòng, ban chức năng, Ủy ban Nhân dân các xã, thị trấn quyết liệt đôn đốc, giám sát chủ nhà/chủ hộ kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ khắc phục tồn tại về phòng cháy, chữa cháy theo đúng thời hạn đã cam kết và theo văn bản kiến nghị của cơ quan có thẩm quyền.
Qua rà soát, thống kê, Hà Nội hiện có 159.780 cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy theo Phụ lục I Nghị định 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ (trong đó, 19.575 cơ sở phân cấp cho cơ quan Công an quản lý, 140.205 cơ sở phân cấp cho Ủy ban Nhân dân cấp xã quản lý).
Nhìn vào con số trên, đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Lâm Thị Quỳnh Dao phân tích, cấp xã có vai trò rất lớn trong công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn. Ở đây có thể hiểu, nếu người đứng đầu cơ sở làm hết trách nhiệm theo quy định sẽ là tiền đề quan trọng trong việc ngăn chặn hỏa hoạn theo tinh thần “4 tại chỗ."
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, một số người đứng đầu cấp xã còn có tư tưởng trông chờ, khoán trắng cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Để khắc phục tình trạng né trách nhiệm trong công tác chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại cơ sở, bà Lâm Thị Quỳnh Dao cho rằng người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng cấp cơ sở phải nâng cao nhận thức, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ở địa phương, đơn vị mình; xác định phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, không thể thiếu trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời chủ động xây dựng phương án phòng ngừa và xử lý các tình huống nếu xảy ra cháy, nổ, sự cố, tai nạn, bảo đảm nhanh, kịp thời, hiệu quả.
Để “buộc” trách nhiệm đối với người đứng đầu trong công tác phòng cháy, chữa cháy, bà Lâm Thị Quỳnh Dao chỉ ra, Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 20/9/2023 của Thành ủy Hà Nội về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố trong tình hình mới, Nghị quyết số 26/NQ-HĐND ngày 22/9/2023 của Hội đồng Nhân dân thành phố đã nêu rất rõ vai trò, nhiệm vụ và các biện pháp tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố đối với cấp cơ sở và các cấp, ngành liên quan.
Người đứng đầu các đơn vị chịu trách nhiệm toàn diện trong chỉ đạo đơn vị thực hiện hoàn thành nhiệm vụ, giải pháp đã được phân công, không thể "khoán trắng," trông chờ vào cán bộ phòng cháy.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, thời gian tới, Công an thành phố tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, quận huyện kiểm tra, kiên quyết xử lý và tạm đình chỉ hoạt động những chung cư, nhà cao tầng vi phạm về phòng cháy, chữa cháy; không để phát sinh những công trình vi phạm mới.
"Các công trình, chủ đầu tư chây ỳ không khắc phục, chúng tôi kiên quyết chuyển sang cơ quan điều tra để xử lý," Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng nói.
Ứng dụng công nghệ trong cảnh báo cháy sớm
Theo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, bên cạnh việc thường xuyên đào tạo, nâng cao trình độ, chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở làm công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, thành phố ưu tiên tổ chức, cá nhân nghiên cứu, ứng dụng khoa học trong phòng cháy, chữa cháy.
Quán triệt tinh thần trên, quận Ba Đình hoàn thành lắp đặt thiết bị tự động thông báo cháy tại tất cả trụ sở cơ quan, trường học, chợ trên địa bàn. Tương tự, quận Đống Đa thí điểm ứng dụng thiết bị cảnh báo sớm tại một số cơ sở, trong đó có nhà trọ.
Đây được coi là một trong những biện pháp nhằm nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy, đặc biệt tại các nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, nhà nhiều căn hộ, nhà cho thuê để ở, nhà trọ, kho hàng hóa xen kẽ trong khu dân cư.
Anh Trần Văn Long, ở phường Thổ Quan cho biết qua tuyên truyền, anh nhất trí lắp thử nghiệm lắp 2 mắt cảnh báo sớm. Anh được đơn vị tư vấn hướng dẫn cài đặt app cũng như cơ chế vận hành của thiết bị.
“Trong phòng chống cháy nổ, việc nhanh chậm một giây cũng là cứu cả mạng sống, tôi cũng đồng ý chia sẻ kết nối thiết bị với các tổ liên gia phòng cháy để có thể sớm cảnh báo đến mọi người,” anh Long chia sẻ thêm.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Đống Đa Hà Anh Tuấn cho rằng, qua tuyên truyền, người dân đã quan tâm hơn đến công tác phòng, chống cháy nổ, đặc biệt ứng dụng công nghệ trong phòng cháy.
Ủy ban Nhân dân quận đã giao nhiệm vụ cho Ủy ban Nhân dân các phường tuyên truyền, vận động người dân thí điểm lắp đặt thiết bị tiếp tục mở rộng mắt cảnh báo để các thiết bị có thể vận hành tối ưu như một mạng lưới tổ liên gia trong cảnh báo, phòng cháy chữa cháy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Đống Đa nhấn mạnh.
Theo khuyến cáo của Công an thành phố, kết hợp với công nghệ, ý thức người thuê trọ sẽ quyết định “thành bại” trong trận chiến với “giặc lửa.”
Mỗi người thuê trọ cần tìm hiểu kỹ trước các yếu tố, nhất là về phòng cháy chữa cháy, khi quyết định đặt cược sinh mạng của mình.
Anh Nguyễn Văn Quang, ở tỉnh Phú Thọ cho biết trước khi cho con xuống học Đại học Bách Khoa Hà Nội đã cùng con đi tới nhiều nơi tìm hiểu kỹ các phòng trọ rồi mới quyết định thuê.
Sau khi tìm kiếm, anh quyết định cho con mình ở trọ tại ngôi nhà trong con ngõ nhỏ tại phố Trần Đại Nghĩa thuộc phường Cầu Dền. Anh cho biết, khu nhà có đầy đủ các yếu tố đảm bảo phòng cháy, tuy giá hơi đắt nhưng gia đình cũng chấp nhận được.
Qua tìm hiểu cho thấy sẽ không ai muốn ở trong căn phòng trọ chật hẹp và thiếu điều kiện về an toàn phòng cháy, chữa cháy, song do hoàn cảnh đôi khi khiến người dân phải chấp nhận. Tuy nhiên về lâu dài, những căn nhà trọ thiếu điều kiện về phòng cháy sẽ dần được cải tạo, nếu không sẽ bị xóa sổ.
Bởi theo Đề án nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ giai đoạn 2025-2030, Hà Nội đặt mục tiêu 100% nhà ở hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh phải mở lối thoát nạn thứ 2; 100% hộ tự trang bị bình chữa cháy; mỗi gia đình có một người được tập huấn kỹ năng chữa cháy, thoát nạn.
Ngoài ra, dự thảo Đề án đặt ra mục tiêu 100% khu dân cư được thành lập, kiện toàn và duy trì hoạt động của Đội dân phòng.
Đến năm 2030, thành phố đặt mục tiêu lắp đặt 3.050 trụ chữa cháy ngoài nhà; khoảng 9.483 tuyến đường, phố, ngõ, ngách có chiều sâu hơn 200m có phương án bổ sung đường ống cấp nước, trụ hoặc họng tiếp nước.
Thành phố dự kiến hoàn thành 433 bể nước, trạm bơm chữa cháy tại các khu vực công cộng. Dự kiến sơ bộ khái toán kinh phí thực hiện Đề án khoảng 26.300 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách thành phố khoảng 13.800 tỷ đồng; ngân sách cấp huyện khoảng 12.500 tỷ đồng.
Với những quyết sách kịp thời, cùng với ý thức người dân được nâng lên, khi ấy, ngọn lửa oan nghiệt sẽ bớt xảy ra và để lại ít hậu quả tại mỗi cơ sở trọ./.
Bài 1: Phát hiện trăm mối lo hỏa hoạn tại các nhà thuê trọ ở Hà Nội