Không tăng giá sản phẩm, doanh nghiệp ximăng khó duy trì hoạt động

Hơn chục ngày sau khi Tập đoàn EVNquyết định tăng giá điện, hàng loạt doanh nghiệp ximăng đã cân đối và công bố áp dụng bảng giá bán mới với mức tăng phổ biến 50.000 đồng/tấn sản phẩm.

Dây chuyền sản xuất ximăng tại Công ty CP Ximăng Thăng Long. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Mức giá điện tăng 4,8% kể từ ngày 11/10 cùng với giá nguyên nhiên liệu đầu vào như than, dầu... biến động lớn, thậm chí dự báo còn tiếp tục tăng trong thời gian tới là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp sản xuất ximăng không thể duy trì giá bán cũ.

Hơn chục ngày sau khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quyết định tăng giá điện, hàng loạt doanh nghiệp ximăng đã cân đối và công bố áp dụng bảng giá bán mới với mức tăng phổ biến 50.000 đồng/tấn sản phẩm. Động thái này nhằm bù đắp phần nào chi phí sản xuất trong bối cảnh giá điện, than, bao bì đều tăng.

Cụ thể, các đơn vị như Vicem Bỉm Sơn, Vicem Bút Sơn, Ximăng Thành Thắng Group, Ximăng Xuân Thành... đồng loạt ấn định mức tăng giá trong đợt điều chỉnh này là 50.000 đồng/tấn. Riêng The Vissai tăng 46.300 đồng/tấn...

Theo ông Nguyễn Quang Cung-Chủ tịch Hiệp hội Ximăng Việt Nam (VNCA), tăng giá là điều các doanh nghiệp xi măng không mong muốn, nhưng nếu không tăng giá bán sản phẩm thì khó duy trì hoạt động.

Tính toán của VNCA cho thấy, điện chiếm khoảng 15-20% chi phí sản xuất ximăng, tùy vào từng nhà máy. Do đó, khi giá điện điều chỉnh tăng thì tất yếu các doanh nghiệp ximăng cũng phải tăng giá để ổn định sản xuất kinh doanh.

Các nhà sản xuất tăng giá bán ximăng là tất yếu, bởi cả mấy năm qua, ximăng đã bán dưới giá thành sản xuất. Nếu không điều chỉnh giá bán để bù đắp phần nào chi phí đầu vào thì doanh nghiệp không cầm cự nổi.

VNCA dự báo: Khó khăn vẫn tiếp tục đeo bám ngành ximăng hết năm 2024. Trong 3 quý vừa qua, lượng tiêu thụ ximăng nội địa chỉ đạt xấp xỉ với năm 2023 và tiếp tục duy trì ở mức thấp.

Kênh xuất khẩu cũng giảm và 3 quý chỉ đạt 22,5 triệu tấn, trị giá 863 triệu USD, giảm 4,3% về lượng và giảm 15,1% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Lượng tiêu thụ ximăng từ năm 2022 đến nay liên tục sụt giảm khiến doanh nghiệp sản xuất ximăng gặp khó. Tính đến năm 2024 cả nước có 61 nhà máy sản xuất ximăng, tổng công suất đạt khoảng 117 triệu tấn ximăng/năm nhưng mức tiêu thụ của năm 2023 chỉ đạt khoảng 87,8 triệu tấn; trong đó tiêu thụ nội địa đạt 56,6 triệu tấn và xuất khẩu 31,2 triệu tấn.

Lượng tiêu thụ ximăng nội địa năm 2023 chỉ bằng 84% năm 2022, còn lượng xuất khẩu xi măng năm 2023 bằng 99% năm 2022...

Những con số ghi nhận từ thực tế cho thấy, khó khăn vẫn còn đeo bám lâu dài đối với lĩnh vực sản xuất ximăng. Việc tăng giá bán chỉ là phương án đối phó tình thế chứ không giúp doanh nghiệp vượt khó.

Không riêng ximăng tăng giá khi giá điện tăng mà nhiều doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng cũng tăng giá bán sản phẩm. Đây cũng là vấn đề khiến các nhà thầu xây dựng chịu chung hiệu ứng khó khăn kép.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp-Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam nhận xét: Giá điện cùng giá vật liệu xây dựng tăng khiến các nhà thầu xây dựng càng thêm khó.

Bởi giá vật liệu xây dựng tăng đang tạo thêm áp lực cho các nhà thầu xây dựng, nhất là với những nhà thầu xây dựng thực hiện hợp đồng theo đơn giá cố định hoặc trọn gói.

Trong bối cảnh “sức khỏe” chưa kịp phục hồi do chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, thị trường bất động sản, xây dựng trầm lắng... thì việc thêm việc giá điện tăng, giá vật liệu xây dựng tăng sẽ có ảnh hưởng mạnh đến hoạt động của doanh nghiệp xây dựng. Bởi, tuy giá điện được điều chỉnh tăng không nhiều nhưng lại kéo giá nhiều chủng loại vật liệu tăng theo, tạo thêm áp lực cho nhà thầu.

Để gỡ khó cho các doanh nghiệp sản xuất ximăng, Hiệp hội Ximăng Việt Nam kiến nghị Thủ tướng và các bộ, ngành có giải pháp tăng tiêu thụ nội địa ximăng thông qua sử dụng giải pháp cầu cạn trong đầu tư cao tốc, đặc biệt ở những vùng đất yếu, vùng cần thoát lũ như miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long…

Đồng thời, kiến nghị sửa đổi Nghị định 26/2023/NĐ-CP về việc áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu clinker ximăng là 0%.Theo VNCA, thị trường nội địa ảm đạm, tiêu thụ chỉ quanh 60 triệu tấn/năm, trong khi khả năng sản xuất thực tế có thể lên tới 130 triệu tấn. Nếu không xuất khẩu được, nguy cơ doanh nghiệp phá sản tăng.

Trong khi đó, thuế xuất khẩu tăng, cộng thêm việc xuất khẩu clinker không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng nên các doanh nghiệp ximăng không xuất được hàng, phải dừng sản xuất. Năm 2023, nhiều nhà máy phải dừng sản xuất 6 đến 12 tháng.

Dưới độ nhà thầu xây dựng, ông Hiệp cho rằng, để giảm áp lực từ biến động thị trường, bản thân nhà thầu cần tiếp tục đổi mới, ứng dụng thiết bị, công nghệ mới, hiện đại… nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Bản thân nhà thầu xây dựng cần làm tốt khâu dự báo, tính toán rủi ro, quản trị nguồn lực… để nâng cao hiệu quả hoạt động, thích ứng biến động thị trường.

Bên cạnh đó, các Sở Xây dựng cần cập nhật kịp thời, chính xác đơn giá vật liệu xây dựng để áp dụng cho các công trình dùng vốn ngân sách Nhà nước.

Cùng đó, cần đẩy mạnh thực hiện biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp như cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn liên quan đến thủ tục pháp lý dự án… - ông Hiệp đề xuất./.