Không để tình trạng "tiền trảm, hậu tấu," chi trước báo cáo sau
Đại biểu Quốc hội đề nghị không để tình trạng tiền trảm, hậu tấu, Chính phủ, Ủy ban Nhân dân tỉnh chi trước, sau đó mới báo cáo Quốc hội, Hội đồng Nhân dân thông qua.
Đề nghị không để tình trạng tiền trảm, hậu tấu, Chính phủ, Ủy ban Nhân dân tỉnh chi trước, sau đó mới báo cáo Quốc hội, Hội đồng Nhân dân thông qua.
Hàng loạt nội dung liên quan đến phần sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách nhà nước đã được đại biểu Quốc hội cho ý kiến sáng 7/11, tại phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.
Bao quát các nội dung được chi
Đa số đại biểu nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung dự án luật này để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế trong lĩnh vực tài chính, ngân sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút tối đa nguồn lực nhà nước, ngoài nhà nước để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Đại biểu nhất trí cao với việc sửa đổi, bổ sung khoản 10a vào sau khoản 10 Điều 8 như dự thảo trình, tuy nhiên, đề nghị cần rà soát quy định cụ thể, đầy đủ các nhiệm vụ chi và nguồn chi để đảm bảo bao quát các nội dung được quy định chi tại các luật đã và đang được ban hành như Luật Đầu tư công (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.
Tán thành với Chính phủ về việc cần thiết phải có giải pháp về khung khổ pháp luật để khắc phục sớm tình trạng ách tắc trong phân bổ ngân sách đối với một số nhiệm vụ cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, mở rộng hạng mục công trình dự án đã đầu tư xây dựng, song, đại biểu Triệu Quang Huy (Lạng Sơn) phân tích theo báo cáo giải trình của Bộ Tài chính và dự thảo luật trình tại phiên thảo luận này có nhiều nội dung nhiệm vụ chi phát sinh lớn, như chi phí chuẩn bị, chi phí xây dựng dự án đầu tư công sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư...
Đây là những nhiệm vụ từ trước đến nay đã được bố trí trong chi đầu tư, nay lại được bố trí từ nguồn chi thường xuyên sẽ không phù hợp về quy mô, tính chất, điều này sẽ dẫn đến tình trạng tăng tỷ trọng chi thường xuyên lên rất cao, làm thay đổi và tác động đến cơ cấu chi ngân sách nhà nước, chưa phù hợp với định hướng cơ cấu lại ngân sách Nhà nước theo hướng giảm chi thường xuyên và tăng chi đầu tư.
Để khắc phục tình trạng này, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc sửa đổi, bổ sung nội dung chi trong chi xây dựng cơ bản.
Không để tình trạng tiền trảm, hậu tấu
Theo đại biểu Trần Chí Cường (Đà Nẵng), dự thảo luật đã mở rộng và xác định được một số nhiệm vụ chi cụ thể hơn so với khoản 2 Điều 59 của luật hiện hành.
Tuy nhiên, việc sửa đổi, bổ sung chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu thực tiễn dẫn đến một số nhiệm vụ cấp thiết khác của địa phương như chi an ninh, quốc phòng, kiến thiết thị chính, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và biến đổi khí hậu lại không thể bố trí từ nguồn này do không thuộc phạm vi quy định.
Việc quy định thiếu linh hoạt như vậy sẽ dẫn đến tình trạng một số địa phương có tăng thu ngân sách nhưng không thể sử dụng nguồn tăng thu tiết kiệm chi ngân sách để bố trí chi cho các nhiệm vụ cần thiết này, làm giảm hiệu quả sử dụng ngân sách.
Vì vậy, đại biểu đề nghị nghiên cứu mở rộng phạm vi sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi tại điểm d khoản 2 Điều 59 theo hướng "tăng chi đầu tư một số dự án quan trọng, các nhiệm vụ chi quy định tại khoản 10 và khoản 10a Điều 8 Luật này và các nhiệm vụ chi cần thiết khác của ngân sách các cấp," để đảm bảo tính chủ động của địa phương trong điều hành thu chi ngân sách.
Đại biểu Đà Nẵng cũng cho rằng hiện nay tại một số địa phương đang thực hiện mô hình chính quyền đô thị, theo đó cấp quận, phường không còn là một cấp ngân sách, chỉ là một cấp dự toán, dù là cấp dự toán nhưng chính quyền địa phương cấp quận, phường vẫn được giao chỉ tiêu thu ngân sách hằng năm, tuy nhiên vướng cơ chế thưởng nếu địa phương vượt thu.
Theo quy định của luật hiện hành, khoản vượt thu chỉ được thực hiện giữa các cấp ngân sách. Mô hình chính quyền đô thị là mô hình mới.
Vì vậy, nhằm tạo động lực thúc đẩy cho các địa phương, nhất là các quận, phường trong việc đẩy mạnh tăng cường các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, nuôi dưỡng nguồn thu, tăng cường đốc thu, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách của các địa phương, đại biểu kiến nghị xem xét, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung thêm quy định áp dụng đối với những địa phương đang thực hiện mô hình chính quyền đô thị, đó là Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng Nhân dân cùng cấp quy định về cơ chế thưởng vượt thu so với dự toán đối với các cấp chính quyền địa phương là đơn vị được giao dự toán thu ngân sách hằng năm có vượt thu phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương.
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) chỉ ra rằng khoản 4 Điều 4 quy định đối với Ủy ban Nhân dân tỉnh thực hiện các khoản chi không thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Nhân dân tỉnh nhưng sau đó lại báo cáo với Thường trực Hội đồng về kết quả đã chi để trình Hội đồng Nhân dân tỉnh biểu quyết thông qua.
Trong thực tiễn có thể phát sinh những khoản chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển ngoài dự toán ban đầu, tuy nhiên, tất cả những khoản chi ngân sách nhà nước đều phải có trong hạng mục chi.
"Đề nghị không để tình trạng tiền trảm, hậu tấu, Chính phủ, Ủy ban Nhân dân tỉnh chi trước, sau đó mới báo cáo Quốc hội, Hội đồng Nhân dân thông qua. Đề nghị cơ quan soạn thảo đưa ra các nguyên tắc xác định các khoản chi phát sinh thường xuyên vào đầu tư này. Theo đó, các khoản chi phải mang tính cấp thiết, cấp bách hoặc quan trọng và phải có các tiêu chí xác định rõ ràng," đại biểu nói./.