Không để gián đoạn việc thực hiện các chính sách của ngành Lao động
Phó Thủ tướng Lê Thành Long yêu cầu cán bộ ngành Lao động-Thương binh và Xã hội cố gắng duy trì, tiếp thu và truyền lại những thành tựu đã đạt được để không có sự gián đoạn dù ở cơ quan, tổ chức nào.
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung yêu cầu toàn ngành phải tập trung tham mưu chỉ đạo chuẩn bị tốt nhất cho Nhân dân, người có công, người yếu thế và mọi người dân có Tết Nguyên đán đầm ấm, vui vẻ hạnh phúc nhất. Bên cạnh đó, ngành cần chuẩn bị tốt “Hội nghị xóa nhà tạm, nhà dột nát,” phấn đấu bằng được mục tiêu hết năm 2025, xóa toàn bộ 450.000 căn nhà tạm, nhà dột nát trên toàn quốc.
Đây là thông tin được đưa ra tại hội nghị toàn quốc tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 lĩnh vực lao động, người có công và xã hội do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 27/12 tại Hà Nội.
Nhiều điểm nhấn trong năm 2024
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh ý nghĩa sự kiện tổ chức với quy mô toàn quốc của ngành là nhìn lại toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ trong năm 2024 đồng thời ôn lại cả lịch sử 80 năm hoạt động của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Nhiều thế hệ lãnh đạo tiền nhiệm của Bộ cũng có mặt tại hội nghị để cùng chứng kiến sự thay đổi, lớn mạnh của ngành suốt 80 năm qua.
Trong năm 2024, công tác lao động, người có công và xã hội đã hoàn thành 100% chương trình công tác của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Một trong những thành tựu nổi bật là việc tham mưu xây dựng và trình Chính phủ để trình Quốc hội khóa XV thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), với tỷ lệ thông qua đạt 93,42%, bao gồm 14 nội dung lớn mang tính cải cách.
Đặc biệt, lần đầu tiên triển khai thí điểm sàn giao dịch việc làm trực tuyến toàn quốc, giúp tăng cường sự kết nối giữa người lao động và doanh nghiệp. Tình hình việc làm và thu nhập của người lao động có sự cải thiện so với cùng kỳ năm 2023.
Quan hệ lao động tại các doanh nghiệp tiếp tục duy trì ổn định, và hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phục hồi mạnh mẽ, đạt mức cao nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, với hơn 150.000 người.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thị trường lao động năm 2024 đã dần trở lại trạng thái bình thường như thời kỳ trước đại dịch COVID-19. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 52,5 triệu người, tăng 210,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động đạt 68,5%, duy trì ở mức cao, phản ánh sự phục hồi tích cực của nền kinh tế.
Số lao động có việc làm đạt 51,4 triệu người, tăng 212.000 người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực thành thị 9 tháng đầu năm 2024 ghi nhận mức giảm ấn tượng, chỉ còn 2,38%, giảm 0,17% so với cùng kỳ năm trước.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 77/2024/NĐ-CP sửa đổi mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng. Theo đó, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng từ 2,055 triệu đồng lên 2,789 triệu đồng, tăng 35,7%, cao nhất từ trước đến nay. Thực hiện chi trả trợ cấp thường xuyên cho 1,074 triệu người có công với cách mạng.
Đáng chú ý, giai đoạn 2021-2024, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm khoảng 4,2% (giảm bình quân khoảng 1,05%/năm); tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo giảm bình quân trên 4%/năm, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân trên 3%/năm.
Bên cạnh đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng tham mưu cho Chính phủ tổ chức Chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, đến nay đã huy động trên 5.000 tỷ đồng.
Không gián đoạn việc thực hiện các chính sách
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho rằng những kết quả mà ngành Lao động-Thương binh và Xã hội đạt được là cả một quá trình và những con số đưa ra trong báo cáo kết quả của năm 2024 chỉ là điểm nhấn, cập nhật những gì ngành đã và đang làm.
Về phương hướng năm 2025, Phó Thủ tướng nêu rõ năm 2025 có 3 việc phải tiến hành đồng thời: Sắp xếp, tổ chức bộ máy; tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; phấn đấu đạt tăng trưởng kinh tế trên 7%, tạo đà cho những năm sau. Tất cả chính sách thuộc các lĩnh vực mà Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang trực tiếp tham mưu cho Đảng và Nhà nước về người có công, an sinh xã hội, lao động việc làm, hỗ trợ người nghèo thì hoàn toàn không thay đổi mà phải làm tốt hơn, làm nhiều hơn để phục vụ nhu cầu của các đối tượng này.
Phó Thủ tướng đề nghị mỗi cán bộ của ngành nghiêm túc chấp hành việc sắp xếp, tổ chức bộ máy. Các chính sách đã và đang làm, đặc biệt là thành tựu ngành làm được cho đến bây giờ là sự phát triển và ngày càng nâng lên tầm cao mới. Do đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần cố gắng duy trì, tiếp thu và truyền lại đầy đủ để không có sự gián đoạn dù ở cơ quan, tổ chức nào.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long mong cán bộ, nhân viên trong ngành yên tâm, thực hiện tốt chủ trương của Đảng và Nhà nước, phát huy truyền thống đã đạt được trong thời gian vừa qua, để các việc chúng ta đã và đang làm trong ngành Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục được nhân rộng và phát huy, đạt thành tựu cao hơn nữa trong những năm tới.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung bày tỏ niềm tự hào khi được là một phần của ngành có bề dày lịch sử, ý nghĩa với tiến trình xây dựng đất nước. Gần 80 năm từ 2 bộ đầu tiên trong Chính phủ, trải qua 4 lần sáp nhập, các nhiệm vụ xuyên suốt luôn là việc làm, an sinh xã hội, bồi đắp dần và phát triển như hiện nay đó là cả dòng chảy.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã qua 4 lần đổi tên, với 24 Bộ trưởng, đã có 2 Bộ trưởng trưởng thành, trở thành Chủ tịch Quốc hội là cụ Nguyễn Văn Tố, và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ: "Tôi là là Bộ trưởng thứ 24 và chắc là Bộ trưởng sau cùng của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trong giai đoạn này. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, có những giai đoạn thăng trầm khác nhau nhưng ngành Lao động-Thương binh và Xã hội luôn nỗ lực làm tròn trách nhiệm của mình.”
Bộ trưởng nhấn mạnh trong dòng chảy lịch sử có đóng góp rất quan trọng của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội. Do đó, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Lao động-Thương binh và Xã hội hoàn toàn có quyền tự hào, tự tin để bước tiếp chặng đường tiếp theo.
Trên tinh thần đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định năm 2025 ngành sẽ tổ chức hiệu quả, nghiêm túc, chất lượng việc hợp nhất Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội với Bộ Nội vụ. Đến nay, hai Bộ đã chuẩn bị tinh thần một cách chặt chẽ, rõ ràng, hiệu quả và nghiêm túc, đến giờ này đề án cũng như các nội dung hợp nhất đã đảm bảo./.