Không để giải phóng mặt bằng là điểm nghẽn về tiến độ thi công các dự án
Bộ Giao thông Vận tải đã tham mưu Thủ tướng ban hành nhiều chỉ thị, công điện yêu cầu các địa phương huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để hoàn thành với từng mốc tiến độ cụ thể.
Trong ngành giao thông vận tải, lĩnh vực đường bộ đang tiếp tục dẫn đầu về số lượng dự án hoàn thành, đưa vào khai thác. Tuy vậy, bên cạnh những dự án hạ tầng giao thông có tiến độ khả quan, còn một số dự án tiến độ chưa đáp ứng yêu cầu.
Để làm rõ nội dung này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thế Minh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, về giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn, hướng tới hiện thực hóa mục tiêu hoàn thành ít nhất 3.000 km cao tốc và đến năm 2030 cả nước có 5.000 km đường bộ cao tốc.
- Chỉ còn ít ngày nữa là hết năm 2024, xin ông cho biết sơ bộ kết quả đạt được trong đầu tư xây dựng các công trình đường bộ cao tốc trong năm nay?
Phó Cục trưởng Nguyễn Thế Minh: Để có thể hoàn thành 5.000 km vào năm 2030, Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương đã chủ động chuẩn bị đầu tư các dự án đường bộ cao tốc. Đến nay, cả nước đã hoàn thành và được cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương đầu tư nhiều dự án có quy mô lớn, là trục kinh tế quan trọng của các địa phương như cao tốc Gia Nghĩa-Chơn Thành, Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài, Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành.
Một số dự án đang được các chủ đầu tư tích cực triển khai lập dự án, lựa chọn nhà thầu để sớm khởi công trong thời gian tới như Chợ Mới-Bắc Kạn, Hòa Bình-Mộc Châu, Ninh Bình-Hải Phòng...
Bên cạnh các dự án mới, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã nghiên cứu và trình Thủ tướng Chính phủ thông qua chủ trương mở rộng một số đoạn cao tốc để từng bước hoàn chỉnh theo quy hoạch như Cao Bồ-Mai Sơn, Cam Lộ-La Sơn, La Sơn-Hòa Liên; tổ chức thi công nâng cấp đoạn Cao Lãnh-Lộ Tẻ và Lộ Tẻ-Rạch Sỏi…
Một số dự án đã được hoàn thành đưa vào khai thác tiêu biểu là Dự án thành phần đoạn Cam Lâm-Vĩnh Hảo, đoạn Diễn Châu-Bãi Vọt với tổng chiều dài khoảng 129 km. Hai dự án đã hoàn thành trong năm nay và là mảnh ghép cuối cùng tuyến cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020, góp phần nối thông từ Hà Nội đến Nghệ An và từ Nha Trang đến Thành phố Hồ Chí Minh, nâng tổng số km đường cao tốc cả nước lên 2.021 km.
- Trên cơ sở kết quả đạt được, ông đánh giá như thế nào về tiến độ các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm của ngành giao thông vận tải đang triển khai?
Phó Cục trưởng Nguyễn Thế Minh: Với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Giao thông Vận tải, các bộ, ngành, các địa phương, cũng như tinh thần thi công 3 ca 4 kíp của chủ đầu tư, nhà thầu, đa số dự án hiện triển khai bám sát kế hoạch đề ra.
Một số dự án có đủ nguồn vật liệu và điều kiện giải phóng mặt bằng thuận lợi, tiến độ thi công vượt kế hoạch và đang phấn đấu hoàn thành trước thời gian hợp đồng từ 3-6 tháng như các dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa, Biên Hòa-Vũng Tàu đoạn qua tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Một số dự án có kế hoạch hoàn thành năm 2026 cũng đã được các địa phương phấn đấu để sớm hoàn thành trong năm 2025 như dự án Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột đoạn 20 km thuộc Khánh Hòa và đoạn qua Đắk Lắk, dự án An Hữu-Cao Lãnh đoạn qua Đồng Tháp.
Các dự án hàng không như nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không Quốc tế Long Thành tiến độ triển khai đều đang đúng theo kế hoạch đề ra. Song song đó, việc tổ chức triển khai thi công, công tác chuẩn bị đầu tư cũng đang được Bộ Giao thông Vận tải triển khai với tiến độ rất quyết liệt để bảo đảm sớm khởi công các dự án mới vào năm 2025 tạo tiền đề hoàn thành mục tiêu 5.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2030 như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
- Bên cạnh những dự án có tiến độ khả quan, một số dự án có tiến độ chưa đáp ứng yêu cầu. Vậy, khó khăn, vướng mắc ở đây là gì, thưa ông?
Phó Cục trưởng Nguyễn Thế Minh: Tại một số dự án vẫn còn vướng mắc về mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, nguồn vật liệu xây dựng và đang là điểm nghẽn về tiến độ, nhất là nguồn cung cấp cát cho các dự án khu vực Đồng bằng sông Cửu Long còn gặp nhiều khó khăn do công suất không đáp ứng tiến độ thi công. Nguyên nhân chủ yếu chậm trong giải phóng mặt bằng do khó khăn trong xác định nguồn gốc đất liên quan đến các yếu tố lịch sử để lại; chậm trong việc xây dựng các khu tái định cư, khiếu nại về đơn giá đền bù, công trình đường điện cao thế có yêu cầu kỹ thuật phức tạp nên thủ tục triển khai kéo dài.
Ngoài ra, khó khăn về nguồn vật liệu do các dự án đồng loạt triển khai, trong khi nên dù các địa phương có nguồn vật liệu đã chủ động rà soát, bố trí tối đa các mỏ nhưng do giới hạn số lượng, công suất khai thác nên chưa đáp ứng tiến độ thi công. Cơ chế đặc thù về cấp mỏ lần đầu được áp dụng nên còn có cách hiểu khác nhau, một số địa phương còn lúng túng trong triển khai.
- Vậy, giải pháp căn cơ để giải quyết điểm nghẽn trên, hướng tới mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành, đưa vào khai thác 3.000 km đường bộ cao tốc là gì, thưa ông?
Phó Cục trưởng Nguyễn Thế Minh: Để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành, đưa vào khai thác 3.000 km đường bộ cao tốc Bộ Giao thông Vận tải đã sớm nhận diện các khó khăn cụ thể của từng dự án để có các chỉ đạo điều hành kịp thời.
Để giải quyết vấn đề vướng mắc mặt bằng, Bộ Giao thông Vận tải đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chỉ thị, công điện yêu cầu các địa phương huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để hoàn thành với từng mốc tiến độ cụ thể.
Về việc thiếu nguồn vật liệu xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải đã phối Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu cung cấp cát cho các tỉnh có mỏ; đôn đốc địa phương thực hiện theo kế hoạch đề ra. Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu phối hợp với các địa phương đẩy nhanh thủ tục cấp mỏ; chủ động tìm kiếm các nguồn vật liệu, sử dụng nguồn cát biển để giảm phụ thuộc vào nguồn cát sông.
Đối với các dự án đang chậm tiến độ, Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng lại tiến độ, quyết liệt triển khai đẩy nhanh tiến độ các công trình, hạng mục là "đường găng" (thời gian dài nhất); nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật nhằm rút ngắn thời gian thi công; yêu cầu các nhà thầu phải có sự hỗ trợ lẫn nhau trong triển khai, tổ chức thi công 3 ca 4 kíp nhằm bù lại tiến độ đã chậm.
- Xin cảm ơn ông!./.