Khơi thông thị trường, thúc đẩy tiêu thụ và xuất khẩu rau quả chính vụ

Nhóm ngành rau quả là một trong những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng so với năm ngoái, kim ngạch tháng 5 ước đạt 700 triệu USD, tăng 7.4% so với cùng kỳ năm trước.

Trái vải trứng của Hưng Yên được nhiều người tiêu dùng yêu thích. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng nông sản trong tốp đầu thế giới, tuy nhiên cạnh tranh về mặt hàng nông sản, trái cây cùng loại giữa các nước tham gia xuất khẩu ngày càng khốc liệt.

Vì vậy, để thúc đẩy tiêu thụ các mặt hàng nông sản, nhất là rau quả, trái cây chính vụ, khẳng định giá trị trên các kệ hàng hóa tại hệ thống phân phối quốc tế đòi hỏi các doanh nghiệp và người sản xuất phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, thích ứng các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, yêu cầu kiểm nghiệm kiểm dịch, bao bì đóng gói, hàng hóa, truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của nước nhập khẩu...

Nhu cầu tiêu dùng cao

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, kim ngạch xuất khẩu tháng 5 đạt 32.81 tỷ USD, tăng 15.8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, nhóm ngành rau quả là một trong những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng so với năm ngoái, kim ngạch tháng 5 ước đạt 700 triệu USD, tăng 7.4% so với cùng kỳ năm trước.

Đối với trái vải, tỉnh Bắc Giang là địa phương có vùng trồng lớn, quả vải của địa phương đã được xuất khẩu đi nhiều quốc gia trên thế giới, đem lại hiệu quả tích cực cho đời sống người dân và tăng thu ngân sách của địa phương.

Tuy vậy, do thời tiết diễn biến bất thường, không thuận lợi nên sản lượng vải thiều năm 2024 giảm so với năm trước. Dự báo sản lượng vải toàn tỉnh năm nay khoảng gần 100.000 tấn (giảm gần 1 nửa so với năm trước).

Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang) cho hay với sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, các địa phương và hệ thống thương vụ, Bắc Giang cũng đẩy mạnh kết nối các chợ đầu mối, siêu thị lớn để tiêu thụ vải thiều.

Bên cạnh đó, tiêu thụ vải thiều Bắc Giang tại hai cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) và Kim Thành (Lào Cai) cũng được tháo gỡ thuận lợi, Bắc Giang đang tiếp tục triển khai các bước để thực hiện chiếu xạ vải thiều xuất khẩu sang Hoa Kỳ được thực hiện tại Trung tâm chiếu xạ Hà Nội; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tỉnh Bắc Giang kết nối, tiếp cận, đàm phán, ký kết hợp tác để xuất khẩu vải thiều của sang các thị trường quốc tế…

Tuy vậy, để nâng cao hiệu quả xuất khẩu, ông Trần Quang Tấn đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng của các nước tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động xuất khẩu vải thiều; giúp đỡ thúc đẩy việc quảng bá, tiêu thụ vải thiều trên các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước.

Đồng thời, tiếp tục định hướng giúp tỉnh Bắc Giang trong các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu vải thiều; thông tin chính sách, quy định mới về nhập khẩu, quy trình thủ tục, chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm… của thị trường các nước đối với vải thiều, sản phẩm chế biến từ vải; hỗ trợ mời gọi kênh phân phối, các Tập đoàn bán lẻ của các nước đến tìm hiểu, hợp tác, thu mua tiêu thụ vải thiều của tỉnh Bắc Giang.

Các siêu thị đẩy mạnh tiêu thụ nông sản vùng miền. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Còn tại Bình Thuận, địa phương có thế mạnh về Thanh Long, toàn tỉnh có diện tích trồng là 27.320 hécta, sản lượng hơn 600.000 tấn quả/năm. Riêng 5 tháng đầu năm đã thu hoạch trên 245.000 tấn, sản phẩm mùa vụ (từ tháng 6-9) khoảng 170.000 tấn

Ông Biện Tấn Tài, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận thông tin, toàn tỉnh Bình Thuận có 35 hợp tác xã và 1 Liên hiệp hợp tác xã sản xuất thanh long và 240 cơ sở chế biến, đóng gói thanh long, cùng 30 doanh nghiệp xuất khẩu thanh long. Hiện thanh long Bình Thuận đã được 13 quốc gia và vùng lãnh thổ, đồng ý bảo hộ (gồm: Mỹ, Anh Đức, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan…)

Hiện thanh long Bình Thuận đã xuất khẩu đến nhiều quốc gia, trong đó khu vực châu Á chiếm 75% sản lượng, còn châu Âu chiếm 8%, châu Mỹ chiếm 5% sản lượng. Tuy vậy, xuất khẩu chính ngạch còn ít, thống kê 4 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh xuất khẩu được 1,47 triệu USD, tương đương 875 tấn.

“Qua thống kê của các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai… trong 5 tháng đầu năm 2025 thanh long xuất khẩu qua biên giới đạt 295.000 tấn, trong đó có thanh long Bình Thuận,” ông nói.

Vì vậy, để tiêu thụ ổn định, ông Biện Tấn Tài kiến nghị Bộ Công Thương, Tham tán thương mại hỗ trợ tỉnh xúc tiến tiêu thụ sản phẩm thanh long trong chương trình xúc tiến thương mại Quốc gia; hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh trên nền tảng thương mại điện tử; chia sẻ thông tin về thị trường trong nước, khu vực giúp tỉnh định hướng hoạt động sản xuất-kinh doanh mặt hàng này.

Đa dạng thị trường để thúc đẩy tiêu thụ

Thực tế cho thấy, việc sản xuất theo tín hiện thị trường là yêu cầu đặt ra đối với hầu hết nông sản của Việt Nam hiện nay để bảo đảm tiêu thụ ổn định, bền vững, nhất là đối với các sản phẩm có tính mùa vụ cao như trái cây. Cùng đó, công tác xúc tiến thương mại đi trước một bước sẽ đẩy hiệu quả sản xuất lên rất cao.

Bà Trần Thị Thu Hiền, Giám đốc phụ trách xuất nhập khẩu, Công ty cổ phần Đầu tư Kim Hưng cho biết doanh nghiệp đang liên kết với các hợp tác xã trong việc thực hiện cung ứng để chế biến các nông sản tiêu biểu của Hưng Yên như long nhãn hạt sen, long nhãn ôm sen, còn về hoa quả tươi, doanh nghiệp cũng chú trọng sản phẩm vải trứng và đặc sản nhãn lồng.

“Sứ mệnh của chúng tôi là làm sao để quảng bá sản phẩm đặc sản đặc biệt như thế đến càng nhiều người tiêu dùng càng tốt, để thực khách ở trong nước được thưởng thức trái vải đặc sản của quê hương mình,” bà Hiền nói.

Trong khi đó, Công ty Tiktok đã hợp tác với Cục Xúc tiến thương mại tổ chức một Chương trình “Tự hào hàng Việt” nhằm đẩy mạnh đào tạo các kỹ năng Số, kỹ năng bán hàng thương mại điện tử, kỹ năng quảng cáo để giúp các doanh nghiệp bán hàng online, cũng như tổ chức các buổi livestream mẫu để các chủ thể sản xuất nắm được kỹ năng giới thiệu sản phẩm tới các khách hàng.

Có thể thấy, tiêu chuẩn xuất khẩu tại nhiều thị trường ngày càng khắt khe, nhất là đối với các sản phẩm nông sản. Vì thế, ông Đỗ Ngọc Hưng, Trưởng cơ quan thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho rằng, để đáp ứng đủ quy định xuất khẩu vào thị trường Mỹ, các loại trái cây phải được cấp mã số vùng trồng, nhà đóng gói, phải qua xử lý chiếu xạ được Bộ Nông nghiệp (APHIS-Cục Kiểm dịch động thực vật) xác nhận và kèm theo chứng thư kiểm dịch thực vật xác nhận đáp ứng các yêu cầu kiểm dịch thực vật của Mỹ.

Đặc sản vùng miền góp mặt tại Lễ hội trái cây Hà Nội. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Ông Hưng cũng lưu ý các địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới giúp kéo dài thời gian bảo quản trái cây, ví dụ công nghệ đưa trái cây vào trạng thái ngủ đông, bảo quản tế bào sống, sử dụng chế phẩm sinh học, màng bọc, chất bảo quản được phép để kéo dài tuổi thọ trái cây…, đồng thời xây dựng kế hoạch tổng thể để triển khai bài bản, có điểm nhấn công tác quảng bá, xúc tiến thương mại trái cây mùa vụ, xây dựng câu chuyện gắn với trái cây, khai thác hình ảnh thực tế vùng trồng…

Trong công tác xúc tiến thương mại, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, Hiệp hội xây dựng, tổ chức hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu; qua đó hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ nông dân mở rộng thị trường, chủ động trong công tác tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm đang đến vụ./.