Khôi phục hơn 90% hệ thống điện, viễn thông, giao thông bị thiệt hại bởi bão
Tại các địa phương bị thiệt hại do bão và mưa lớn, sạt lở, công tác khôi phục hệ thống điện, viễn thông, giao thông, tiêu úng và phục hồi nhà cửa, sản xuất đang gấp rút được triển khai.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về công tác chỉ đạo, ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão, tính đến 8h00 ngày 16/9 hệ thống viễn thông, điện và giao thông tại các địa phương bị thiệt hại nặng bởi bão, mưa lũ đã khôi phục trên 90%.
Về viễn thông, 8.386/9.235 trạm thu phát song đã khôi phục; hiện đã khôi phục 95% mạng lưới cơ sở hạ tầng; cơ bản đến nay dịch vụ khách hàng đã được khôi phục. Các địa phương đang tiếp tục khôi phục xử lý 1.042 trạm/6.285 trạm BTS bị hư hỏng tập trung chủ yếu tại Quảng Ninh, Hải Phòng.
Các địa phương đã khôi phục 11/14 sự cố đoạn đường dây 500KV; 38/40 đường dây 220KV; 181/191 đường dây 110KV bị sự cố; cấp điện trở lại cho 92,5% khách hàng, còn 7,5% khách hàng đang được điện lực khẩn trương khôi phục sau bão và sau khi nước rút (tập trung tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên và các tỉnh miền núi vừa bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ).
Về giao thông, 800/820 vị trí (hơn 97%) trên các tuyến đường quốc lộ bị ách tắc đã thông tuyến (554/567 vị trí sạt lở, hư hỏng công trình đã khắc phục, thông tuyến; 246/253 vị trí bị ngập nước đã rút). Tuyến đường sắt phía Bắc đoạn Đoan Thượng - Lào Cai đã thông tuyến từ 10h40 ngày 15/9; 4 sân bay Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân đã khai thác bình thường từ ngày 8/9.
Đẻ khắc phục tình trạng lụt và ngập úng, các tỉnh khu vực Bắc Bộ đang vận hành 323 trạm bơm/1.614 trạm bơm; mở 107 cống để tiêu nước (Phú Thọ 2 cống, Hải Phòng 91 cống, Thái Bình 5 cống, Ninh Bình 7 cống, Bắc Hưng Hải 2 cống). Các địa phương đã huy động lực lượng, vật tư, phương tiện xử lý giờ đầu 584 sự cố trên các tuyến đê, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều (chỉ để xảy ra sự cố vỡ trên đê tả Lô, xã Quyết Thắng, huyện Sơn Dương là tuyến đê cấp V và không có lực lượng quản lý đê chuyên trách tuần tra, canh gác bảo vệ).
Công tác dọn vệ sinh môi trường, khôi phục nhà cửa, cơ sở vật chất phục vụ học tập, khám chữa bệnh đang được các địa phương và các lực lượng tích cực triển khai ngay sau bão, lũ nhằm sớm đưa học sinh trở lại trường, bảo đảm công tác khám chữa bệnh cho nhân dân.
Để khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời quyết định trích dự phòng ngân sách trung ương, xuất cấp gạo từ dự trữ quốc gia để các địa phương, cơ quan thực hiện các chính sách hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại và cứu trợ cho người dân có nguy cơ thiếu đói ; hỗ trợ 13 tấn hoá chất khử khuẩn môi trường (Chloramin B) và 1,2 triệu viên khử khuẩn nước Aquatabs hỗ trợ người dân vùng lũ.
Uỷ ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam đã tổ chức Lễ phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra. Tính đến hết ngày 15/9, các tổ chức, cá nhân đã đăng ký và ủng hộ các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 gây ra tổng số tiền là 1.094 tỷ đồng đã chuyển về tài khoản của Ban Vận động cứu trợ Trung ương. Nhiều tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm đã quyên góp kinh phí, hiện vật để hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do bão, lũ lụt.
Thông qua Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, một số quốc gia và tổ chức trong nước và quốc tế hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại hàng hoá với tổng giá trị 49.000 đôla Australia và 494.200 USD. Các nước Australia, Thụy Sỹ, Ấn Độ, Hàn Quốc… hiện đang tiếp tục hoàn thiện các thủ tục, cam kết hỗ trợ gần 10 triệu USD cho các tỉnh miền núi phía Bắc./.