Khảo sát: Nhiều người Séc không 'mặn mà' với đồng euro
Chính phủ liên minh gồm 5 đảng của Thủ tướng Petr Fiala tiếp tục mâu thuẫn về mục tiêu gia nhập Eurozone, trong khi đại đa số dư luận Séc không tán thành việc sử dụng đồng euro.
Gia nhập Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và thay thế đồng nội tệ bằng đồng euro được dự báo sẽ trở thành một trong những chủ đề chính của cuộc bầu cử Hạ viện Séc trong vòng 2 năm tới.
Đến nay, chính phủ liên minh gồm 5 đảng của Thủ tướng Petr Fiala tiếp tục mâu thuẫn về mục tiêu này, trong khi đại đa số dư luận Séc không tán thành việc sử dụng đồng euro.
Phóng viên TTXVN tại Prague dẫn phát biểu của người phát ngôn đảng Dân chủ Công dân (ODS) cầm quyền - ông Jakub Skyva - tuyên bố gia nhập Eurozone hiện không nằm trong mục tiêu của Chính phủ Séc.
[Thủ tướng Petr Fiala khẳng định Séc chưa có kế hoạch gia nhập Eurozone]
Theo ông Skyva, ưu tiên hiện nay đối với chính phủ của Thủ tướng Fiala, đồng thời giữ cương vị Chủ tịch ODS, là xây dựng nền tài chính công lành mạnh, hoạt động hiệu quả.
Ông Skyva lưu ý đây cũng chính là một trong những điều kiện tiên quyết để đưa đồng euro vào lưu hành tại Séc.
Mặc dù chưa đặt ra mục tiêu cụ thể gia nhập Eurozone, song ODS vẫn tổ chức những cuộc thảo luận về vấn đề này.
Theo người phát ngôn trên, ODS nhận thấy hiện có những lập luận “hợp lý” cả từ phía những người ủng hộ cũng như phản đối.
Bản thân Thủ tướng Fiala cũng nhiều lần tuyên bố chưa đặt ra mục tiêu đưa Prague gia nhập Eurozone, nhưng mới đây, ông đánh giá Séc trong năm 2024 có thể đáp ứng một tiêu chí quan trọng của Hiệp ước Maastricht để có thể sử dụng đồng euro là đưa thâm hụt ngân sách xuống dưới mức 3%.
Trong khi đó, 2 đối tác chủ chốt trong chính phủ liên minh của Thủ tướng Fiala là đảng TOP 09 và STAN bày tỏ ủng hộ gia nhập Eurozone.
Hạ nghị sỹ Milos Novy của TOP 09 khẳng định đảng này đặt mục tiêu đưa Séc gia nhập Eurozone vào năm 2030.
Theo ông, các doanh nghiệp Séc hiện đang phải đối mặt với gánh nặng chi phí rất lớn trong công tác phòng ngừa rủi ro tỷ giá.
Nghị sỹ này nhấn mạnh tư cách thành viên Eurozone sẽ giúp Séc loại bỏ hoàn toàn những rủi ro như vậy, đồng thời góp phần đưa đất nước đạt được mục tiêu về mức lạm phát thấp hơn và nền tài chính công ổn định hơn.
Hạ nghị sỹ Jan Farsky của STAN tuyên bố gia nhập Eurozone là mục tiêu của phong trào này nhằm đưa quốc gia Trung Âu phát triển bởi những lợi ích kinh tế rõ ràng mà đồng euro mang lại.
Tuy nhiên, ông thừa nhận xã hội Séc “có lịch sử chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của chủ nghĩa hoài nghi châu Âu” nên cần từng bước giải thích những mặt tích cực và lợi ích cho công chúng khi sử dụng đồng euro song song với việc thực hiện các bước đi mang tính “kỹ thuật."
Thứ trưởng Tài chính Jiri Valenta - thành viên của đảng Pirati trong liên minh cầm quyền - khẳng định Chính phủ Séc phấn đấu đạt được các tiêu chí Maastricht một cách nhanh nhất có thể để gia nhập Eurozone.
Ông Valenta ủng hộ Prague tham gia cơ chế tỷ giá hối đoái châu Âu, tức là liên kết đồng CZK (korun) của Séc với đồng euro.
Theo ông, biện pháp này sẽ tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hàng chục tỷ CZK mỗi năm tiền trả nợ. Ngoài ra, Séc cũng sẽ có cơ hội tham gia hoạch định chính sách tiền tệ khu vực đồng euro. Đây được coi là một lợi thế đáng kể vì Séc là nền kinh tế định hướng xuất khẩu.
Phe đối lập gồm phong trào ANO của cựu Thủ tướng Andrej Babis và đảng Tự do Dân chủ Trực tiếp (SPD) ủng hộ việc duy trì đồng nội tệ của Séc.
Bà Alena Schillerova - Chủ tịch nhóm nghị sỹ ANO tại Hạ viện Séc - tuyên bố đồng korun đang chiếm ưu thế và thực tế này sẽ không thay đổi trong tương lai gần.
Bà Schillerova nhấn mạnh ANO không muốn từ bỏ chính sách tiền tệ riêng của Séc, cũng như không muốn việc sử dụng đồng euro khiến giá cả gia tăng.
Kết quả khảo sát mới nhất của Trung tâm nghiên cứu dư luận (CVVM) của Séc cho thấy có tới 73% số người được hỏi phản đối sử dụng đồng euro.
Theo CVVM, kể từ năm 2011, tỷ lệ ủng hộ Séc gia nhập Eurozone chỉ dao động quanh mức 20% và chưa bao giờ vượt qua mốc 25%./.