Khánh thành cầu và đường kết nối hai tỉnh Bình Dương và Tây Ninh
Công trình cầu vượt sông Sài Gòn kết nối Bình Dương và Tây Ninh có chiều dài suốt tuyến hơn 800m, phần cầu vượt sông dài hơn 330m, tổng mức đầu tư gần 412 tỷ đồng.
Ngày 26/12, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh đã tổ chức lễ khánh thành công trình xây dựng đường và cầu kết nối tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh.
Tham dự buổi lễ có ông Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước và nhiều lãnh đạo cấp cao của hai tỉnh Bình Dương và Tây Ninh.
Tỉnh Bình Dương đầu tư gần 412 tỷ đồng để xây dựng cầu vượt sông Sài Gòn kết nối Bình Dương và Tây Ninh và phần đường kết nối từ cầu đến đường ĐT744, khởi công tháng 10/2020.
Công trình cầu vượt sông Sài Gòn kết nối Bình Dương và Tây Ninh, có chiều dài suốt tuyến hơn 800m. Phần cầu vượt sông dài hơn 330m. Phần cầu được bêtông cốt thép dự ứng lực, tuổi thọ thiết kế 100 năm. Tuyến đường được thiết kế với vận tốc 80km/giờ.
Nền đường rộng 28,5m, quy mô 6 làn xe; được bố trí dải phân cách giữa, dải an toàn và lề đường; hệ thống chiếu sáng, sơn đường, biển báo.
Đoạn đường dân sinh dưới chân cầu được thiết kế với vận tốc 20km/h; kết cấu mặt đường bằng bêtông nhựa nóng. Trụ cầu được đúc cao so với mặt nước sông, tạo sự thông thoáng cho thuyền bè qua lại.
[Ký kết các gói thầu đầu tiên dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2]
Theo ông Dương Văn Thắng, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh, Công trình đường và cầu kết nối Tây Ninh-Bình Dương được khánh thành không chỉ là kết nối giữa tỉnh Tây Ninh và tỉnh Bình Dương, mà mở ra một hướng kết nối mới, không gian phát triển mới cho khu vực đến các trung tâm kinh tế, chính trị, đầu mối giao thông lớn của vùng, đến các cửa khẩu quốc tế đi Campuchia và các nước ASEAN.
Tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai... có thể giao thương đến Tây Ninh, Long An và Campuchia một cách thuận lợi.
Tây Ninh mở ra một hướng mới để tiếp cận các trung tâm vận tải thủy, bộ và hàng không như: hệ thống cảng biển, trong tương lai là sân bay quốc tế Long Thành...; đặc biệt, tuyến hình thành một hành trình mới giúp chia sẻ vận chuyển hàng hóa trong vùng thuận lợi (vì không phải đi qua Thành phố Hồ Chí Minh, hiện đã quá tải về giao thông); đồng thời, tuyến còn góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng cho vùng và cho khu vực.
Tuyến đường ngoài kết nối giao thông giữa hai tỉnh còn giúp rút ngắn quãng đường từ Tây Ninh đi sân bay Long Thành (Đồng Nai), cảng nước sâu ở Bà Rịa-Vũng Tàu gần 30km, không phải đi qua quốc lộ 22, 22B hay kẹt xe.
Tại Tây Ninh, tổng mức đầu tư hơn 517 tỷ đồng (dự kiến) cho dự án mở rộng đường Đất Sét-Bến Củi dài toàn tuyến hơn 16,9km, khởi công tháng 8/2018 để kết nối đồng bộ với cầu.
Theo quy hoạch, tuyến đường Đất Sét-Bến Củi có 6 làn xe, nhưng trước mắt đầu tư 4 làn xe và giải phóng sẵn mặt bằng để sau này mở rộng.
Tới nay, đường Đất Sét-Bến Củi đã được tỉnh Tây Ninh cơ bản thông xe kỹ thuật 4 làn (chỉ còn một số vị trí mới giải phóng xong mặt bằng, đang thi công).
Riêng đoạn đường Đất Sét-Bến Củi từ Ủy ban Nhân dân xã Bến Củi ra cầu vượt sông Sài Gòn phần lớn là đường mở mới đã xong để đồng bộ với ngày thông xe cầu (dự kiến cuối tháng 12/2022).
Ông Nguyễn Văn Dành, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương chia sẻ, dự án này đóng vai trò thiết yếu trong việc phát triển kinh tế-xã hội của huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương và huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh, thúc đẩy lưu thông hàng hóa giữa các khu công nghiệp trên địa bàn huyện Dầu Tiếng và huyện Dương Minh Châu.
Phục vụ nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân 2 tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tạo điều kiện phát triển du lịch tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh.
Ông Nguyễn Văn Dành cũng đề nghị đơn vị chức năng tố chức ngay việc quản lý, vận hành, duy tu bảo dưỡng theo quy định để đảm bảo công trình luôn trong trạng thái khai thác tốt nhất.
Ủy ban Nhân dân huyện Dầu Tiếng sớm hoàn thành các thủ tục cần thiết để khởi công xây dựng dự án Nâng cấp, mở rộng đường ĐT.744 (đoạn từ Km24+460 đến Ngã tư cầu Cát) nhằm phát huy tốt hơn, hiệu quả hơn công trình này./.