Khánh Hòa: Tập trung xử lý các ổ dịch sốt xuất huyết Dengue
Chính quyền tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng, địa phương trong tỉnh tập trung tăng cường phòng, chống dịch sốt xuất huyết Dengue, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp mắc và tử vong.
Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa mới đây đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan chức năng, địa phương trong tỉnh tập trung tăng cường phòng, chống dịch sốt xuất huyết Dengue, không để xảy ra dịch chồng dịch, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp mắc và tử vong. Trong đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố phải chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh nếu để dịch sốt xuất huyết bùng phát, lan rộng, kéo dài trên địa bàn.
Yêu cầu này đặt ra khi tình hình dịch sốt xuất huyết tại Khánh Hòa tăng cao và diễn biến phức tạp kể từ đầu năm đến nay. Tính đến giữa tháng 12/2024, Khánh Hòa đã ghi nhận tổng số 206 ổ dịch, 4.041 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó 2 ca tử vong tại thành phố Nha Trang và huyện Vạn Ninh.
So với cùng kỳ 2023, số ca mắc tăng gần 16%, số ca tử vong tăng 1 trường hợp. Thị xã Ninh Hòa là địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất, chiếm gần 34% số ca mắc toàn tỉnh; tiếp theo là thành phố Nha Trang với 730 ca mắc và hiện vẫn còn 46 ổ dịch đang hoạt động, diễn biến.
Theo ông Nguyễn Đình Thoan - Phó Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa, trong năm nay, ngoài việc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra giám sát hỗ trợ công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết Dengue tại tất cả các địa phương, ngành Y tế đã triển khai 2 chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi vào tháng 6-7 và tháng 10-11 tại 24 xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, còn nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết Dengue tại cơ sở.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch ở người cấp xã chưa thực sự quan tâm đến việc xử lý, chỉ đạo, huy động các lực lượng tham gia các đợt diệt bọ gậy, chỉ khoán cho trạm y tế. Việc triển khai tổ chức diệt bọ gậy với tần suất 1 tuần/lần ở những thôn/tổ dân phố có ổ dịch hoạt động chưa được chính quyền các địa phương quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, tại một số địa phương, người dân không hợp tác cùng lực lượng y tế khi triển khai chiến dịch phun hóa chất, vì tâm lý lo sợ hóa chất ảnh hưởng đến sức khỏe. Tỷ lệ gia đình được phun hóa chất diệt muỗi chỉ chiếm khoảng 40%-50% số hộ trong khu vực phun.
Ông Nguyễn Đình Thoan cho biết thêm: Hiện, máy phun hóa chất diệt muỗi loại mang vai tại các huyện, thị xã đã hư hỏng nhiều sau đợt xử lý khử khuẩn bằng Clo phòng, chống dịch COVID-19, đến nay chưa được trang bị bổ sung. Điều này ảnh hưởng nhiều đến chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi.
Ngoài ra, do định mức chi cho công tác diệt lăng quăng, bọ gậy chưa được quy định nên nhiều xã, phường lúng túng khi chi hỗ trợ cho những người tham gia diệt bọ gậy. Đồng thời, nhân lực có chuyên môn tham gia công tác xử lý dịch ở nhiều địa phương còn thiếu, không đảm bảo triển khai các hoạt động chống dịch. Đơn cử như tại Trung tâm Y tế huyện Khánh Sơn chỉ có 3-4 cán bộ, nhưng phải tham gia nhiều hoạt động ngoài công tác xử lý dịch sốt xuất huyết Dengue, do đó không đảm bảo triển khai các hoạt động điều tra ca bệnh, đánh giá vectơ, phun hóa chất kịp thời.
Trước thực trạng trên, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm tra, đôn đốc, chấn chỉnh kịp thời những hạn chế, thiếu sót trong công tác phòng, chống dịch tại địa phương. Xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu chính quyền cấp xã để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài trên địa bàn; xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu các ban, ngành của địa phương không phối hợp với ngành Y tế trong công tác phòng, chống dịch...
Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động sử dụng nguồn ngân sách dự phòng, huy động nguồn lực của địa phương cho công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết Dengue cũng như các dịch bệnh khác, tuyệt đối không để tình trạng thiếu kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh.
Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế trực thuộc giám sát chặt chẽ tình hình, phát hiện sớm, cấp cứu điều trị kịp thời người bệnh, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong, phối hợp với địa phương xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch, vệ sinh phòng bệnh để nhân dân hiểu và thực hiện./.