Khánh Hòa sẽ xử lý tất cả điểm nóng chất độc dioxin trước năm 2030

Tỉnh Khánh Hòa tiếp tục tổ chức điều tra, khảo sát, thống kê, xác định nạn nhân chất độc da cam/dioxin, bổ sung đối tượng là thế hệ thứ 3, để thực hiện tốt các chế độ, chính sách của Nhà nước.

Khu xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng. Ảnh minh họa. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Khánh Hòa, đến nay, toàn tỉnh đã giải quyết 2.032 hồ sơ đủ điều kiện đã công nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học do cơ quan này quản lý, thực hiện chế độ, chính sách theo quy định.

Trong đó, số người đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng trên địa bàn toàn tỉnh là 1.569 người, với số tiền chi trả hơn 3 tỷ đồng/tháng. Hiện, tỉnh không còn hồ sơ đủ điều kiện nhưng chưa được giải quyết để thụ hưởng chính sách.

Ông Phạm Thái Đài, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết việc thực hiện chế độ đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học vẫn đang được Sở tiếp nhận và giải quyết theo Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ.

Người đã công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong khoảng thời gian từ ngày 01/8/1961 đến ngày 30/4/1975 tại vùng mà quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học, bị phơi nhiễm chất độc hóa học vẫn được tiến hành xác lập hồ sơ, thủ tục để được công nhận và giải quyết chế độ, chính sách theo quy định.

[Bàn giao gần 3ha đất đã xử lý sạch dioxin tại sân bay Biên Hòa]

Theo Kế hoạch hành động khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn từ nay đến 2030, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 sẽ kiểm soát được trên 85% nguy cơ phơi nhiễm chất độc hóa học/dioxin từ các điểm nóng, khu vực ô nhiễm.

Đến trước năm 2030 sẽ hoàn thành triệt để việc xử lý 100% các điểm nóng và các khu vực bị ô nhiễm chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh, cũng như xử lý tại các khu vực mới phát hiện, để không làm gia tăng nạn nhân ở các khu vực này.

Bên cạnh đó, Khánh Hòa tiếp tục tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ điều tra, khảo sát, thống kê, xác định nạn nhân; tổ chức nghiên cứu bổ sung đối tượng là thế hệ thứ 3, thế hệ tiếp theo và những người làm nhiệm vụ ở các điểm nóng bị ô nhiễm chất độc hóa học/dioxin từ sau ngày 30/4/1975 đến nay, để qua đó tổ chức thực hiện tốt các chế độ, chính sách của Nhà nước đối với các nạn nhân.

Bà Nguyễn Thị Lan, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Khánh Hòa cho biết thời gian tới, cơ quan này sẽ chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan tổ chức rà soát, hoàn thiện các quy chuẩn về quan trắc, đánh giá, xử lý chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh, bảo đảm an toàn đối với con người, môi trường; tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và hướng dẫn việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường đối với các dự án xử lý chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam trên địa bàn tỉnh.

Theo tài liệu của Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Khánh Hòa có một số vùng trước đây là căn cứ kháng chiến như hai huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh; các khu vực Đá Bàn (thị xã Ninh Hòa) và Đồng Bò (thành phố Nha Trang) đều nằm trong vùng Mỹ rải chất độc màu da cam/dioxin, làm ảnh hưởng đến môi trường và đời sống của những người sống tại các vùng còn tồn lưu chất độc hóa học./.

Tiên Minh (TTXVN/Vietnam+)