Khánh Hòa: Nghiên cứu tác phẩm về chống tham nhũng của Tổng Bí thư

Cuốn sách thể hiện tư tưởng xuyên suốt, nhất quán của Đảng ta về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng, chỉnh đốn Đảng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

Ông Nguyễn Khắc Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa phát biểu khai mạc hội thảo. (Ảnh: Tiên Minh/TTXVN)

Ngày 31/8, Tỉnh ủy Khánh Hòa tổ chức Hội thảo Khoa học Nghiên cứu, Vận dụng Nội dung Tác phẩm “Kiên quyết, Kiên trì Đấu tranh Phòng, Chống Tham nhũng, Tiêu cực, Góp phần Xây dựng Đảng, Nhà nước ta Ngày càng Trong sạch, Vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với thực tiễn xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Ông Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa dự và chỉ đạo Hội thảo.

Phát biểu khai mạc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Khắc Toàn nhấn mạnh mục đích của Hội thảo nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm chính trị của tỉnh về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là phòng, chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến, tự chuyển hóa."

Trình bày báo cáo đề dẫn Hội thảo, ông Lương Đức Hải, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Khánh Hòa, nêu rõ cuốn sách đã hệ thống hóa sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên cương vị người đứng đầu Đảng ta và trên cương vị Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, Chống Tham nhũng, Tiêu cực; thể hiện tư tưởng xuyên suốt, nhất quán của Đảng ta về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng, chỉnh đốn Đảng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, để cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu rõ, quán triệt sâu rộng và thực hiện có hiệu quả công tác này.

[Cuốn sách của Tổng Bí thư: Tầm nhìn chiến lược trong đường lối quân sự]

Hội thảo đã tập hợp hơn 20 tham luận từ các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, địa phương của tỉnh Khánh Hòa, trong đó nêu bật những giá trị cốt lõi trong tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, như một số vấn đề rút ra từ thực tiễn công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại Việt Nam; những quan điểm về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta hiện nay; sự đồng tình, ủng hộ, ghi nhận của nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế đối với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Bên cạnh đó, các tham luận đề cập sâu đến những vấn đề như: công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phát huy vai trò gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo; về thực hiện các biện pháp phòng ngừa, xử lý tham nhũng, tiêu cực; cần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…

Với tiêu đề “Nghiên cứu, vận dụng nội dung bài viết 'Bệnh sợ trách nhiệm' trong cuốn sách của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để đánh giá thực trạng, đề ra giải pháp nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa," Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Tấn Tuân cho biết Khánh Hòa đang quyết liệt triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương về xây dựng và phát triển tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Vì vậy, địa phương cần sớm nhận diện và khắc phục tình trạng, tâm lý sợ trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Trình bày tham luận “Tăng cường công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực,” bà Lưu Hồng Vân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa gợi mở các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, các địa phương cần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; chỉ đạo giải quyết các bức xúc trong nhân dân, nhất là các vấn đề liên quan đến dự án, đất đai, đền bù giải tỏa, dân tộc, tôn giáo..., không để phát sinh “điểm nóng” để các thế lực thù địch xuyên tạc, chống phá.

Ngoài ra, Hội thảo còn đánh giá thực tế công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực của công chức trên địa bàn tỉnh; gợi mở giải pháp đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở cấp địa phương; tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, góp phần củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực./.

(TTXVN/Vietnam+)