Khánh Hòa: Đề xuất 'chi 400 triệu đồng để xử lý Cây Di sản bị chết' gây xôn xao
Nhiều người cho rằng việc bỏ ra 400 triệu đồng, phần lớn để chặt hạ, làm nhà bảo tồn thân cây dầu rái - được công nhận là Cây Di sản Quốc gia - là không cần thiết, gây lãng phí.
Thời gian gần đây, tại huyện miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa xảy ra sự việc một cây dầu rái - được công nhận là Cây Di sản Quốc gia - đã chết khô nhưng cấp xã vẫn có tờ trình xin huyện chủ trương bảo tồn, xử lý cây chết, trồng cây non với chi phí lên tới 400 triệu đồng.
Thông tin dự chi 400 triệu đồng để xử lý Cây Di sản ngay lập tức nhận được sự quan tâm của người dân.
Nhiều người cho rằng dù là Cây Di sản nhưng bị chết và dầu rái cũng không phải là loại cây quý hiếm nên việc bỏ ra 400 triệu đồng, phần lớn để chặt hạ, làm nhà bảo tồn thân cây... là không cần thiết, gây lãng phí.
Ngày 7/5, ông Cao Minh Vỹ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Khánh Sơn, cho biết ông đã ký văn bản phản hồi liên quan đến thông tin xin chủ trương chi 400 triệu đồng để chặt hạ Cây Di sản đã chết, làm nhà bảo tồn thân cây, lát lại gạch nền và mua cây thay thế. Chủ trương này cấp xã gửi sang Phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Khánh Sơn và chưa được chính quyền huyện phê duyệt.
Tại văn bản số 1901/UBND-TNMT, ngày 6/5/2024 về việc kiểm tra, xử lý nội dung phản ánh trên các báo về Cây Di sản ở Khánh Sơn, Ủy ban Nhân dân huyện Khánh Sơn cho biết vào tháng 4/2024, xã Thành Sơn có tờ trình gửi huyện Khánh Sơn và Phòng Tài chính-Kế hoạch huyện đề xuất chi 400 triệu đồng để chặt hạ Cây Di sản đã chết; làm nhà bảo tồn thân cây, nhà tiền chế bằng khung thép, mái lợp tôn, kích thước dài 25m, cao 3,5m, rộng 5m; lát lại nền sân bằng gạch terrazzo sau khi chặt hạ làm vỡ nền sân; thay mới 4 bộ đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời.
Tuy nhiên, tờ trình này không được gửi đến Ủy ban Nhân dân huyện, chỉ được gửi qua Phòng Tài chính-Kế hoạch huyện.
Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Khánh Sơn Cao Minh Vỹ cho rằng đến thời điểm hiện nay, Phòng Tài chính-Kế hoạch huyện chưa tham mưu Ủy ban Nhân dân huyện về kinh phí nêu trên.
Ủy ban Nhân dân huyện cũng chưa có chủ trương đầu tư kinh phí 400 triệu đồng để thực hiện các nội dung theo đề nghị của Ủy ban Nhân dân xã Thành Sơn.
Ủy ban Nhân dân huyện Khánh Sơn cho biết địa phương chưa có quyết định cho phép hay đồng ý về nội dung xin kinh phí nói trên.
Công văn số 1901/UBND-TNMT của Ủy ban Nhân dân huyện Khánh Sơn về việc kiểm tra, xử lý nội dung phản ánh trên các báo về Cây Di sản ở Khánh Sơn do ông Cao Minh Vỹ ký nêu rõ: "Việc Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Khánh Sơn căn cứ vào ý kiến của xã Thành Sơn để tham mưu Ủy ban Nhân dân huyện, trong đó có nội dung 'xin chủ trương đầu tư với nguồn vốn khoảng 400 triệu đồng' và 'hiện tại địa phương đang cân đối nguồn vốn và bố trí kinh phí để thực hiện việc chặt hạ Cây Di sản trong năm 2024' là chưa có cơ sở."
Trước đó, năm 2019, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã công nhận 2 cây dầu rái cổ thụ bên dòng sông Tô Hạp (đoạn qua xã Thành Sơn, huyện Khánh Sơn) là Cây Di sản Việt Nam, có tuổi đời hơn 300 năm. Một trong hai cây nói trên sau đó có dấu hiệu suy yếu.
Ngày 12/7/2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản số 2397/SNNTTBVTV, nhận định sơ bộ nguyên nhân cây bị rụng lá có thể do tình trạng bêtông hóa nhiều gây yếm khí và nóng, nước ở gốc cây cũng khó thẩm thấu xuống bộ rễ, nhất là vào mùa khô khiến cây thiếu nước, thiếu dinh dưỡng trầm trọng gây nên hiện tượng rụng lá, khô cây.
Sau đó, cây bị chết và phát sinh sự việc trên./.