Khám phá kiến trúc nghệ thuật độc đáo của đình Chu Quyến ở xứ Đoài
Đình Chu Quyến tiêu biểu cho kiến trúc gỗ dân gian truyền thống của Việt Nam thời Hậu Lê, với duy nhất một tòa đại đình ba gian hai chái, với hoa văn trang trí đặc sắc cả trên đất nung và gỗ.
Thuộc địa phận xã Chu Minh, huyện Ba Vì, đình Chu Quyến (Đình Chàng) là một ngôi đình cổ, được xây dựng từ thế kỷ 17, góp phần làm nên vẻ đẹp văn hóa cho vùng đất thiêng Ba Vì và Thủ đô Hà Nội hơn nghìn năm tuổi.
Đình Chu Quyến thờ thành Hoàng làng là Nhã Lang Vương, con của Hậu Lý Nam Đế Phật tử.
Đình nhìn về hướng Tây Bắc, phía trước có hồ nước rộng. Đình có nhiều đặc trưng của một ngôi đình truyền thống Việt Nam như mặt bằng hình chữ nhật, cấu trúc bộ khung bằng gỗ, sàn gỗ nhiều cấp... Đồng thời, đình thuộc công trình tiêu biểu cho kiến trúc gỗ của người Việt về quy mô, vật liệu sử dụng, sự kết hợp tài tình, hiệu quả giữa điêu khắc và kiến trúc.
Trong số các di vật đình Chu Quyến còn được lưu giữ, đáng chú ý nhất là 15 đạo sắc phong của các triều Lê Trung Hưng, Tây Sơn, triều Nguyễn phong phần cho Nhã Lang Vương.
Từ năm 1962, đình Chu Quyến đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) xếp hạng là một trong những Di tích Lịch sử Văn hóa quan trọng của Quốc gia.
Đình Chu Quyến tiêu biểu cho kiến trúc gỗ dân gian truyền thống của Việt Nam thời Hậu Lê với duy nhất một tòa đại đình ba gian hai chái, diện tích 395m².
Như hầu hết các ngôi đình cổ xứ Đoài, đình Chu Quyến có bộ mái đình xòe rộng ra bốn phía, chiếm tới hơn 3/4 toàn thể ngôi đình nhưng lại lan rộng xuống thấp nên càng làm tăng thêm vẻ vững chãi, bề thế.
Bù lại, các đầu đao của mái đều được uốn cong vươn lên làm cho ngôi đình trở nên nhẹ nhàng, thanh thoát và duyên dáng gấp bội phần.
Đình Chu Quyến là một ngôi đình cổ hiếm hoi có nhiều tác phẩm trang trí đặc sắc được thể hiện cả trên đất nung và trên gỗ. Những con giống làm bằng đất nung được trang trí trên các đầu nóc, đầu đao của đình rất ấn tượng.
Hình ảnh mây lửa mềm mại, hình tượng con lân, đầu rồng mắt to, trợn tròn, miệng há rộng hướng về các đao lửa trên bờ guột của đình thể hiện tài năng sáng tạo cao độ của người Việt xưa.
Bước vào tham quan đình, người xem cũng dễ dàng nhận thấy, các cột ở ngôi đình này đều rất to, chắc chắn; đặc biệt chiếc cột cái có chu vi tới hơn 2,4m. Dân gian có câu ví quen thuộc: “To như cột đình Chàng.”
Các tác phẩm được chạm khắc bằng gỗ trong đình cũng hết sức cầu kỳ, tinh xảo và độc đáo. Những đề tài, khung cảnh vốn quen thuộc hàng ngày trong đời sống của người cư dân nông nghiệp như cảnh làm ruộng, chọi gà, người đánh đàn, người cưỡi hổ, người dắt voi, múa hát… được tái hiện hết sức đặc sắc, sống động.
Giá trị văn hóa lịch sử của đình Chu Quyến còn được thể hiện ở những thần tích và một số di vật cổ, đặc biệt là những đạo sắc phong của các triều Lê Trung Hưng, Tây Sơn và triều Nguyễn phong thần cho Nhã Lang Vương còn được lưu giữ đến tận ngày nay.
Hàng năm cứ vào ngày 13-15 tháng Giêng âm lịch, người dân địa phương lại mở lễ hội tại đình để tưởng nhớ công đức của thành hoàng làng Nhã Lang Vương. Ngoài các nghi thức tưởng nhớ thành kính, tại lễ hội còn có nhiều trò chơi dân gian như đánh cờ, vật dân tộc, ca hát thu hút đông đảo người dân trong vùng tham gia.
Nhằm bảo tồn, lưu giữ lâu dài giá trị nghệ thuật đặc sắc của ngôi đình Chu Quyến, năm 2007, Bộ Văn hóa thông tin đã thực hiện Dự án trùng tu, tôn tạo đình Chu Quyến, với những kỹ thuật trùng tu di tích hiện đại trị giá tới 17 tỷ đồng để thực hiện dự án này.
Đặc biệt sau khi hoàn thành, dự án tu bổ tôn tạo đình Chu Quyến đã được Hiệp hội Kiến trúc sư Quốc tế (UIA) trao giải thưởng về bảo tồn di sản kiến trúc năm 2010 khu vực châu Á và châu Đại Dương./.