Khám phá Bảo vật Quốc gia Bộ sưu tập Cột kinh Phật thời Đinh ở Ninh Bình
Bộ sưu tập Cột kinh Phật thời Đinh được đánh giá là các hiện vật gốc độc bản, không trùng lặp và có hình thức độc đáo, có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa.
Bộ sưu tập Cột kinh Phật thời Đinh, niên đại thế kỷ thứ 10, trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Ninh Bình vừa được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 73 ngày 18/1/2024 công nhận là một trong 29 Bảo vật Quốc gia.
Theo nghiên cứu, các cột kinh Phật thời Đinh tại Kinh đô Hoa Lư do Nam Việt vương Đinh Khuông Liễn - con trai trưởng của vua Đinh Tiên Hoàng cho dựng.
Cột kinh thời Đinh được phát hiện lần đầu vào năm 1963. Tháng 6 năm 1964, trong quá trình đào đất đắp đê khu vực ven sông Hoàng Long trên địa phận xã Trường Yên phát hiện cột kinh thứ hai. Năm 1987, trong khi đào đất, đắp đê dọc bến sông Hoàng Long tại khu vực từ bến đò Trường Yên đến Cồn Thần, trong khoảng 130m về hướng đông, nhân dân xã Trường Yên tiếp tục phát hiện 14 cột kinh (trong đó có 3 cột còn khá nguyên vẹn).
Bộ sưu tập Cột kinh Phật thời Đinh gồm 49 đơn vị hiện vật với 29 số kiểm kê (gồm cột kinh và những bộ phận của cột kinh được chế tác từ đá, nặng gần 120kg).
Các bộ phận được lắp gá với nhau bằng hệ thống mộng ngõng, không chất phụ gia kết dính, không sử dụng chằng buộc hay vật liệu chống đỡ khác, được dựng thẳng đứng trên mặt đất.
Trên các mặt của thân cột khắc văn tự chữ Hán. Số chữ Hán trên mỗi cột khoảng từ 545 đến 563 chữ. Qua nghiên cứu, đây là những bản văn tự cổ nhất và duy nhất từ thời nhà Đinh còn lại; việc tìm hiểu các Cột kinh Phật giúp làm sáng tỏ một giai đoạn lịch sử quan trọng của thời Đinh Tiền Lê thế kỷ thứ 10 và các nhân vật trong lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, tôn giáo.
Bộ sưu tập Cột kinh Phật thời Đinh được đánh giá là các hiện vật gốc độc bản, không trùng lặp và có hình thức độc đáo, có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa. Mỗi cột kinh được lắp ghép từ 6 phần, trong đó mỗi bộ phận đều có chức năng riêng biệt, có hình khối, tỷ lệ hài hòa, có sự chuyển đổi khối hình và đường nét mềm mại giữa các bộ phận. Điều độc đáo trong việc ghép mộng để dựng cột kinh không chỉ đòi hỏi kỹ thuật mà cần cả tư duy, thẩm mỹ, bàn tay khéo léo của người thợ.
Theo ông Nguyễn Xuân Khang, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Ninh Bình, bên cạnh việc đẩy mạnh bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị Bảo vật quốc gia, thời gian tới, Bảo tàng sẽ đẩy mạnh việc trưng bày Bộ sưu tập Cột kinh Phật này để phổ biến rộng rãi và làm rõ hơn những nét độc đáo tiêu biểu của Kinh đô Hoa Lư do vua Đinh, vua Lê xây dựng ở thế kỷ thứ X đến đông đảo người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Nằm ở cực Nam Đồng bằng châu thổ sông Hồng, Ninh Bình được biết đến là kinh đô của Việt Nam với 3 triều đại Đinh, Lê, Lý, vì thế, địa phương này sở hữu nhiều di tích lịch sử-văn hóa đặc biệt quan trọng, đánh dấu những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc Việt Nam.
Nơi đây có nhiều công trình kiến trúc, di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng đan xen vào nhau như những bức tranh thiên nhiên thủy mặc với 1.821 di tích, gồm 298 di tích cấp tỉnh, 81 di tích cấp quốc gia (trong đó có 3 Di tích cấp Quốc gia Đặc biệt).
Một số di tích lịch sử văn hóa quan trọng như Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng, đền thờ Vua Lê Đại Hành, đền Thái Vi, đền Đức Thánh Nguyễn, đền Trương Hán Siêu, chùa Bái Đính, chùa Bích Động, chùa Nhất Trụ, Nhà thờ đá Phát Diệm…
Hiện tỉnh Ninh Bình đang sở hữu 6 Bảo vật quốc gia gồm: Cột kinh Phật chùa Nhất Trụ; Long sàng trước Bái đường đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng; Long sàng trước Nghi môn ngoại đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng; Bộ Phủ Việt đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng; Bộ Phủ Việt đền thờ vua Lê Đại Hành và Bộ sưu tập Cột kinh Phật thời Đinh. Đây là niềm tự hào rất lớn của người dân vùng đất cố đô Hoa Lư.
Việc bảo tồn và gìn giữ, phát huy giá trị các hiện vật, bảo vật quốc gia không chỉ tôn vinh giá trị lịch sử mà còn góp phần xây dựng thương hiệu địa phương trong phát triển du lịch của tỉnh./.