Khai trương Phòng thư viện Việt Nam tại Viện nghiên cứu của nước Nga
Giám đốc Viện Trung Quốc và châu Á đương đại hy vọng Phòng thư viện Việt Nam sẽ trở thành xuất phát điểm cho nhiều bài viết khoa học chất lượng, những cuốn sách mới, cũng như ý tưởng đột phá mới.
Ngày 22/2, Viện Trung Quốc và châu Á đương đại ở thủ đô Moskva của Liên bang Nga đã long trọng tổ chức khai trương Phòng thư viện Việt Nam tại Viện nghiên cứu trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga (RAN) này.
Tham dự buổi lễ có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên bang Nga Đặng Minh Khôi; Giám đốc Viện Trung Quốc và châu Á đương đại trực thuộc RAN, ông Kirill Babaev; Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga kiêm Chủ tịch Quỹ thúc đẩy phát triển hợp tác Nga-Việt "Truyền thống và Hữu nghị" Đỗ Xuân Hoàng, cùng đông đảo các nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga và các cơ quan bên cạnh Đại sứ quán, học giả, chuyên gia Nga nghiên cứu về Việt Nam và bạn bè Nga của Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc Viện Trung Quốc và châu Á đương đại, ông Kirill Babaev nhấn mạnh đây là một sự kiện đặc biệt trong mối quan hệ giữa hai nước vì nó không chỉ khai trương phòng đọc các cuốn sách nghiên cứu mà là khai trương cả một kỷ nguyên mới trong lịch sử mối quan hệ khoa học và văn hóa giữa Liên bang Nga và Việt Nam.
Theo ông Babaev, việc đặt Phòng thư viện Việt Nam ở Viện của ông là hoàn toàn hợp lý để thúc đẩy nghiên cứu về văn hóa cũng như hiểu biết sâu sắc hơn về Việt Nam thông qua nhiều tài liệu chất lượng vì Viện Trung Quốc và châu Á đương đại là nơi tập trung những chuyên gia hàng đầu về Việt Nam học tại Liên bang Nga.
Ông Babaev bày tỏ hy vọng Phòng thư viện Việt Nam sẽ trở thành xuất phát điểm cho nhiều bài viết khoa học chất lượng, những cuốn sách mới, các dự án nghiên cứu, cũng như những ý tưởng đột phá mới.
Ông Babaev cũng cảm ơn Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, Quỹ "Truyền thống và Hữu nghị" đã hỗ trợ khai trương Phòng thư viện này.
Trong phát biểu của mình, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Đặng Minh Khôi cho rằng Phòng thư viện sẽ là bước đi đầu tiên giúp tiếp cận những kiến thức khoa học hiện đại về Việt Nam, là địa chỉ thông tin hữu ích cho các độc giả, nhà nghiên cứu quan tâm tìm hiểu về đất nước, con người Việt Nam, đồng thời là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa, trao đổi ý kiến, qua đó góp phần phát triển và tăng cường quan hệ Việt-Nga, đặc biệt trong lĩnh vực phối hợp nghiên cứu và phổ biến kiến thức trong lĩnh vực khoa học xã hội.
Đại sứ Đặng Minh Khôi nhấn mạnh cộng đồng khoa học là một kênh đặc biệt để tương tác và tăng cường liên lạc giữa hai nước, bảo tồn và truyền tải cẩn thận cho thế hệ trẻ ký ức những trang sử vẻ vang chung của hai nước, đồng thời cũng kết nối trái tim và tâm hồn của con người. Tầm quan trọng của công việc này tăng lên đáng kể trong điều kiện địa chính trị khó khăn hiện nay.
Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga kiêm Chủ tịch Quỹ "Truyền thống và Hữu nghị" Đỗ Xuân Hoàng phát biểu bày tỏ vui mừng khi nhu cầu nghiên cứu về Việt Nam tại Liên bang Nga đang tăng lên.
Ông Đỗ Xuân Hoàng khẳng định mặc dù hiện nay một lượng lớn thông tin có thể tìm thấy trên các trang mạng internet tuy nhiên để có thể hiểu rõ các sự việc vẫn cần có phương pháp cũng như cách tiếp cận khoa học, cách tiếp cận có hệ thống và ở khía cạnh này vai trò của Viện cũng như của các nhà khoa học về Việt Nam là rất quan trọng.
Tại buổi lễ Đại sứ Việt Nam Đặng Minh Khôi đã tặng Viện cuốn sách "Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc 'Cây tre Việt Nam'" của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.
Phòng thư viện Việt Nam xuất phát từ sáng kiến của Tiến sĩ sử học, nhà nghiên cứu Việt Nam kỳ cựu Evgeny Kobelev. Qua những nỗ lực của Viện Trung Quốc và châu Á đương đại, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga cũng như với sự hỗ trợ vật chất của Quỹ "Truyền thống và Hữu nghị", sáng kiến này đã trở thành hiện thực./.