Khai thác tiềm năng đầu tư kinh doanh vào Chile và khu vực Nam Mỹ

Chile nói riêng và Nam Mỹ nói chung là những thị trường rộng lớn và có tiềm năng, hứa hẹn tạo nhiều dư địa để doanh nghiệp Việt Nam mở rộng đầu tư, kinh doanh, hợp tác phát triển kinh tế.

Chile và Nam Mỹ là khu vực thị trường rộng lớn, nhiều dư địa để doanh nghiệp Việt Nam mở rộng đầu tư, kinh doanh cũng như hợp tác phát triển kinh tế xanh, kinh tế số. Đây là nhận định của các đại biểu tại Hội thảo “Xúc tiến thương mại-đầu tư vào thị trường Chile và khu vực Nam Mỹ” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Cục Xúc tiến Xuất khẩu Chile (ProChile) tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 22/4.

Bà Hồ Thị Quyên, Phó Giám đốc ITPC cho biết, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, việc mở rộng thị trường, đa dạng hóa đối tác thương mại và thu hút đầu tư là nhiệm vụ trọng tâm mà Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng chú trọng thực hiện.

Chile, với nền kinh tế năng động, chính sách thương mại cởi mở, là đối tác quan trọng của Việt Nam tại khu vực Nam Mỹ. Cả hai nước đã ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Chile (VCFTA) từ năm 2014 và cùng tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tạo ra nền tảng pháp lý thuận lợi, gia tăng cơ hội hợp tác song phương.

Chile còn là cửa ngõ để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Nam Mỹ như Brazil, Argentina và Peru. Năm 2024, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Chile đạt gần 1,8 tỷ USD; trong đó, Việt Nam xuất khẩu gần 1,4 tỷ USD, nhập khẩu gần 330 triệu USD.

Mặt hàng xuất khẩu chủ lực bao gồm thủy sản, càphê, gạo, ximăng,… Ngược lại, Việt Nam là nguồn cung hàng hóa lớn thứ 12 của Chile, xếp thứ 4 trong các quốc gia châu Á xuất khẩu sang Chile, chỉ đứng sau Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Theo bà Hồ Thị Quyên, Chile là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhờ môi trường kinh doanh minh bạch, chính sách thu hút đầu tư ổn định, kinh tế phát triển vững chắc.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Chile năm 2024 đạt hơn 15,3 tỷ USD, chủ yếu vào năng lượng, khai khoáng và dịch vụ toàn cầu. Chiều ngược lại, tính đến tháng 4/2024, Chile có 4 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 295 nghìn USD.

Doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội gia tăng hiện diện tại thị trường này, nhất là ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu nông sản, với sự hỗ trợ từ các hiệp định thương mại tự do và ưu đãi thuế. Doanh nghiệp vẫn còn nhiều dư địa để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, đầu tư chế biến-chế tạo, đến hợp tác chuyển giao công nghệ và phát triển bền vững với Chile.

Tổng kim ngạch xuất khẩu của Thành phố Hồ Chí Minh sang Chile năm 2024 ước đạt 53,3 triệu USD. Con số này còn khiêm tốn so với tiềm năng, gợi ý mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp hai bên hợp tác song phương trong lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh.

Bà Bùi Hoàng Yến, Phụ trách Văn phòng Cục Xúc tiến thương mại phía Nam, Bộ Công Thương, khẳng định hiệp định thương mại tự do (FTA) là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng thương mại, giúp kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Chile tăng khoảng 200% trong 10 năm đầu thực thi VCFTA.

Số liệu năm 2023 cho thấy tỷ lệ tận dụng giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi theo các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam còn rất khác biệt giữa các thị trường. Đáng chú ý, trong khi VCFTA ghi nhận tỷ lệ 40,9%, thì tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ CPTPP lại rất thấp, chỉ đạt vỏn vẹn 6,3% tính trên tổng kim ngạch xuất khẩu sang các nước thành viên đã phê chuẩn.

“Các lĩnh vực hợp tác tiềm năng với Chile phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của Việt Nam hướng tới chất lượng cao, kinh tế xanh và kinh tế số, bao gồm: chuyển đổi năng lượng, khai khoáng và chế biến, công nghệ cao, chuyển đổi số và nông nghiệp thông minh. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần lưu ý một số vấn đề như chi phí logistics cao, thời gian vận chuyển kéo dài, áp lực cạnh tranh do Chile đã ký nhiều FTA khác và các rào cản kỹ thuật. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư công nghệ, nâng cao hệ thống quản trị và cần sự hỗ trợ về chính sách, thông tin thị trường,” bà Bùi Hoàng Yến thông tin thêm.

Ông Pablo Arancibia Salazar, Đại diện thương mại, Cục Xúc tiến Xuất khẩu Chile (ProChile), cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang nhóm 4 nước Nam Mỹ gồm Brazil, Chile, Argentina và Colombia vẫn còn khá khiêm tốn. Việt Nam cần đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu và ổn định nguồn cung nguyên liệu.

Chile đang khẳng định vị thế là điểm đến đầu tư chiến lược tại Nam Mỹ; mở ra cơ hội hợp tác đa dạng cho doanh nghiệp Việt Nam trên nhiều lĩnh vực như thủy sản, chế biến gỗ và năng lượng sạch.

Đây không chỉ là cửa ngõ thương mại mà còn là đối tác chiến lược giúp doanh nghiệp Việt mở rộng thị trường tại Nam Mỹ, một khu vực rộng lớn với tổng GDP 4.000 tỷ USD và dân số 431 triệu người.

Để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Việt Nam và khu vực Nam Mỹ, cơ quan xúc tiến thương mại hai bên cần thường xuyên tổ chức hoạt động kết nối giao thương, tư vấn thông tin thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội, đối tác chiến lược./.