Khai phá tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và khu vực Nam Thái Bình Dương
Đại sứ Nguyễn Văn Trung nhấn mạnh mong muốn phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Quần đảo Cook và các quốc gia đảo nhỏ thuộc Diễn đàn các quốc đảo Nam Thái Bình Dương.
Việc Việt Nam lần đầu tiên cử đại diện ngoại giao ở cấp đại sứ đến Quần đảo Cook thể hiện mối quan tâm và thiện chí phát triển hợp tác với Quần đảo Cook nói riêng và với các quốc gia đảo nhỏ tại Nam Thái Bình Dương nói chung.
Đây là khẳng định của Ngài Tom Marsters, Đại diện Vua Charles III của Vương quốc Anh tại Quần đảo Cook khi tiếp Đại sứ Việt Nam tại New Zealand Nguyễn Văn Trung đến trình Thư ủy nhiệm ngày 8/5, tại Thủ đô Avarua.
Quần đảo Cook nằm ở khu vực Nam Thái Bình Dương là quốc gia thứ 190 mà Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao.
Phát biểu tại buổi lễ tiếp nhận Thư ủy nhiệm, Ngài Tom Marsters bày tỏ sự ngưỡng mộ và chúc mừng nhân dân Việt Nam về thành tựu phát triển kinh tế, xã hội, vị thế quốc tế và vai trò quan trọng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương; bày tỏ mong muốn phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, phấn đấu cho một trật tự thế giới dựa trên luật lệ, hợp tác chống biến đổi khí hậu, quản lý và khai thác các nguồn tài nguyên biển một cách bền vững.
Trong khuôn khổ chuyến đi trình thư ủy nhiệm, Đại sứ Nguyễn Văn Trung có các cuộc hội kiến với Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Nghề cá và Tài nguyên Biển của Quần đảo Cook, thăm Nghị viện Quần đảo Cook, làm việc với Bộ Ngoại giao, Bộ Nhập cư, Cơ quan Du lịch Quần đảo Cook; gặp gỡ một số doanh nghiệp thuộc Phòng Thương mại Quần đảo Cook và đoàn ngoại giao tại Thủ đô Avarua để trao đổi về các phương hướng cũng như biện pháp nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa chính phủ và nhân dân hai nước.
Đại sứ Nguyễn Văn Trung đã giới thiệu với nước bạn về những thành tựu phát triển kinh tế, xã hội, hội nhập quốc tế của Việt Nam, thành quả của công cuộc Đổi mới.
Đại sứ nhấn mạnh mong muốn phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Quần đảo Cook cũng như với các quốc gia đảo nhỏ thuộc Diễn đàn các quốc đảo Nam Thái Bình Dương (PIF).
Mặc dù quan hệ ngoại giao giữa hai nước còn non trẻ, song hai bên vui mừng nhận thấy quan hệ hợp tác đã có bước phát triển tốt đẹp, lãnh đạo Chính phủ hai nước đã có các tiếp xúc trực tiếp bên lề các hội nghị quốc tế.
Hai bên đang hợp tác chặt chẽ trong khuôn khổ các định chế quốc tế như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), PIF, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), Ủy hội Nghề cá Tây và Trung Thái Bình Dương, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Hàng hải Quốc tế...
Đại sứ mong muốn hai bên tiếp tục khai thác các tiềm năng hợp tác song phương trong các lĩnh vực như nghề cá, thương mại hàng hóa, nghiên cứu, bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên biển và đại dương.
Đại sứ cũng trao đổi biện pháp tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, giao lưu, trao đổi giữa nhân dân hai nước, góp phần phát triển ngành du lịch vốn là thế mạnh của hai nước.
Quần đảo Cook là quốc đảo nhỏ thuộc khu vực Nam Thái Bình Dương, với hơn 20.000 dân, có diện tích trên đất liền tổng cộng 266,7km2, gồm 15 hòn đảo chính, trải dài trên 2,2 triệu km2 mặt biển.
Quần đảo có vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn 1,9 triệu km2 đại dương, gần tương đương với Indonesia. Giành được quyền tự trị từ năm 1965, đến năm 1992, Quần đảo Cook được Liên hợp quốc công nhận quy chế quốc gia độc lập.
Với quy mô dân số, diện tích và vị trí địa lý, Quần đảo Cook gắn bó quan hệ chặt chẽ với New Zealand và ủy thác một số chức năng nhà nước cho nước này.
Thời gian gần đây, Quần đảo Cook nỗ lực phát triển chính sách độc lập, tự chủ và nâng cao vị thế quốc tế thông qua vai trò của mình tại PIF./.