Khai mở, thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư giữa doanh nghiệp Việt Nam và UAE
Tại Tọa đàm Doanh nghiệp Việt Nam-UAE, các đại biểu lắng nghe, chia sẻ các định hướng, chiến lược phát triển, cơ hội đầu tư, những giải pháp để khai mở, thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư giữa hai nước.
Theo đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), chiều 28/10, theo giờ địa phương, tại thành phố Dubai, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự Tọa đàm Doanh nghiệp Việt Nam-UAE với chủ đề “Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và đổi mới sáng tạo: khám phá cơ hội hợp tác đầu tư.”
Tại Tọa đàm, các đại biểu lắng nghe, chia sẻ các định hướng, chiến lược phát triển, cơ hội đầu tư, những giải pháp để khai mở, thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư giữa hai nước thời gian tới.
Nhiều doanh nghiệp hàng đầu tại hai nước giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, nhu cầu hợp tác của nhau, phù hợp định hướng hai nước và xu thế toàn cầu, nhất là trong các lĩnh vực: chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI); đồng thời chia sẻ về sự thành công khi đầu tư tại Việt Nam...
Lãnh đạo Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) nhận định Việt Nam có lực lượng lao động trẻ, năng động và tay nghề cao; môi trường thương mại cởi mở với 19 hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết với các nền kinh tế lớn trên thế giới; sự ổn định về chính trị giúp giảm thiểu rủi ro đầu tư và kinh doanh; Chính phủ Việt Nam cũng cung cấp nhiều ưu đãi dành cho các công ty nước ngoài nhằm khuyến khích sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao...
Đại diện của Tập đoàn FPT cho rằng Việt Nam đang khẳng định vị thế quốc tế nhờ sự phát triển mạnh mẽ và đầu tư sâu rộng vào công nghệ. Trong năm 2023, FPT đạt doanh thu 1 tỷ USD từ cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin cho thị trường nước ngoài.
FPT kỳ vọng hợp tác với các quỹ đầu tư tại UAE để hỗ trợ các công ty khởi nghiệp công nghệ từ cả hai quốc gia.
FPT cũng đã hỗ trợ thành lập hội doanh nghiệp Việt Nam-UAE vào tháng 10/2024, và sẽ luôn là thành viên tích cực, đóng góp vào hoạt động của hội và giúp đỡ các doanh nghiệp song phương khai phá thị trường mới.
Phát biểu tại Tọa đàm, ông Thani bin Ahmed Al Zeyoudi, Quốc vụ khanh phụ trách ngoại thương của Bộ Kinh tế UAE, cho rằng Việt Nam và UAE đều có vị trí, vai trò và là một trong những cực tăng trưởng năng động của khu vực.
Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của UAE tại Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và UAE là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại Trung Đông.
Thời gian qua Việt Nam và UAE đã rất nỗ lực để đến nay, hai bên ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA). Qua đó, các doanh nghiệp hai bên đứng trước cơ hội hợp tác cùng thúc đẩy thương mại, đầu tư, vì sự thịnh vượng của mỗi nước và cả khu vực.
Quốc Vụ khanh phụ trách ngoại thương Bộ Kinh tế UAE đánh giá Việt Nam đang phát triển nhanh hàng đầu khu vực; là trung tâm sản xuất, thu hút đầu tư nước ngoài; có nền nông nghiệp phát triển, có thể đảm bảo an ninh lương thực... Trong khi đó, UAE có kết nối rộng lớn với thế giới, có môi trường, hệ sinh thái kinh doanh năng động. Như vậy, hai bên có thể hợp tác, bổ trợ cho nhau. Do đó, các doanh nghiệp cần xác định mục tiêu, tìm kiếm cơ hội, thúc đẩy hợp tác, mở ra thời kỳ phát triển mới.
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết trong chuyến thăm này, việc hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện và kết thúc đàm phán CEPA có ý nghĩa rất quan trọng để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước.
Quan hệ chính trị tốt đẹp, tình cảm hữu nghị giữa nhân dân hai nước; vị trí chiến lược của UAE tại Trung Đông và của Việt Nam tại Đông Nam Á - hai khu vực phát triển năng động hàng đầu thế giới - là nền tảng quan trọng, điều kiện thuận lợi và cơ hội to lớn cho doanh nghiệp hai nước hợp tác, đầu tư.
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, ngoài kết nối qua các loại hình giao thông vận tải, hai nước đang kết nối nhanh chóng qua viễn thông, cáp quang… và có thể sớm kết nối chặt chẽ hơn nữa thông qua AI.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ: “Chúng ta không nên bỏ lỡ cơ hội kết nối hai nền kinh tế, kết nối con người, kết nối doanh nghiệp hai nước.”
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng hợp tác thương mại đã đạt nhiều kết quả tích cực, các doanh nghiệp cần tích cực hơn nữa trong hợp tác đầu tư, qua đó làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các lĩnh vực mới nổi như AI, điện toán đám mây, Internet vạn vật...
Giới thiệu các thành tựu phát triển quan trọng sau gần 40 năm đổi mới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dành nhiều thời gian chia sẻ về những yếu tố nền tảng, các định hướng lớn trong phát triển kinh tế-xã hội, đối ngoại và hội nhập, bảo đảm quốc phòng-an ninh, phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam.
Trong giai đoạn tới, Việt Nam tiếp tục kiên định xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xuyên suốt là lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, nguồn lực, động lực phát triển.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam cam kết bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, nhà đầu tư, không hình sự hóa các quan hệ dân sự, hành chính, kinh tế; tạo môi trường kinh doanh công khai, minh bạch, bình đẳng, lành mạnh với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ,” “cùng lắng nghe và thấu hiểu, cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động, cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, cùng phát triển, cùng chung niềm vui, hạnh phúc và niềm tự hào;” “đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải có kết quả cụ thể, cân đong đo đếm được.”
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết trong thời gian tới, với chủ trương hợp tác, thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, Việt Nam ưu tiên thu hút các dự án đầu tư thuộc các ngành, lĩnh vực như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển; kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm; sản xuất chất bán dẫn, năng lượng mới (như hydrogen), năng lượng tái tạo; tài chính xanh, xây dựng trung tâm tài chính tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng; công nghệ sinh học, y tế; linh kiện điện tử, ô tô điện; phát triển hạ tầng chiến lược; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng...
Kêu gọi các doanh nghiệp UAE đầu tư vào các lĩnh vực trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam sẽ tạo thuận lợi nhất, giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh, bảo đảm các điều kiện cho các nhà đầu tư yên tâm hoạt động, làm ăn có hiệu quả, bền vững, lâu dài.
Việt Nam cũng cam kết đủ điện và không thiếu sóng viễn thông cho quá trình chuyển đổi, phát triển kinh tế.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh: “Chúng ta có cơ hội rất lớn để kết nối hai nền kinh tế, thúc đẩy lẫn nhau, bổ sung cho nhau,” đồng thời lấy ví dụ UAE có thế mạnh về dịch vụ, phát triển các các ngành mới nổi theo xu hướng của thời đại, dân số khoảng gần 10 triệu người, trong khi Việt Nam có thế mạnh về nông nghiệp, dân số hơn 100 triệu người, nguồn lao động trẻ, dồi dào...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam có thể bảo đảm an ninh lương thực cho UAE, như thông qua sản xuất, chế biến các mặt hàng nông sản theo các đơn đặt hàng của các doanh nghiệp UAE.
Hiện Việt Nam đang triển khai Đề án 1 triệu hécta lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại Đồng bằng sông Cửu Long, sản xuất nông sản theo hướng “xanh, sạch, ngon.”
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tin tưởng rằng trên nền tảng mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, kết hợp các thế mạnh về con người, trí tuệ của hai dân tộc, cùng với vốn đầu tư, kinh nghiệm của doanh nghiệp, việc hợp tác giữa hai bên sẽ mang lại kết quả cụ thể, mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước, góp phần phát triển kinh tế của hai khu vực Trung Đông và Đông Nam Á, thúc đẩy tình hữu nghị, kiến tạo không gian hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Nhân dịp này, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, các doanh nghiệp hai nước đã trao 12 văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực: AI, phát triển trung tâm dữ liệu, chuyển đổi năng lượng, hàng không, vận tải thủy nội địa, cảng biển, logistics, sản xuất ôtô điện, tài chính, nông nghiệp, dịch vụ.
Trong số đó, Tập đoàn Viettel và Tập đoàn G42, Công ty Presight của UAE hợp tác phát triển trung tâm dữ liệu, AI và chuyển đổi năng lượng; Vietnam Airlines và các Hãng hàng không Etihad, Emirates hợp tác trong lĩnh vực hàng không; Tập đoàn Vingroup và các Tập đoàn Benya, NDMC hợp tác phát triển trung tâm dữ liệu; Vingroup và Emirates Driving Company hợp tác sản xuất ôtô điện; Tập đoàn Sovico và Tập đoàn Abu Dhabi Port hợp tác phát triển logistics, khu thương mại tự do và dịch vụ cảng; Hãng hàng không Vietjet và Hãng hàng không Emirates hợp tác trong lĩnh vực hàng không./.