Khai mạc Chương trình du lịch 'Qua những miền di sản Việt Bắc'
Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ 14, khai mạc tối 22/9, được tổ chức đúng vào dịp diễn ra Lễ hội Thành Tuyên, một lễ hội đặc sắc, riêng có của Tuyên Quang.
Chương trình “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ 14 khai mạc tối 22/9 tại Tuyên Quang.
Dự chương trình có Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo 6 tỉnh Việt Bắc: Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên và Cao Bằng cùng đông đảo nhân dân.
Tại lễ khai mạc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh với khát vọng phát triển du lịch trở ngành kinh tế quan trọng, 6 tỉnh chiến khu Việt Bắc năm xưa nay đang nỗ lực phát huy tiềm năng, lợi thế, đưa du lịch ngày càng phát triển, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Qua 14 năm luân phiên tổ chức, Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” đã trở thành sự kiện thường niên, là sản phẩm du lịch ngày càng khẳng định thương hiệu, thúc đẩy khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững của vùng.
Năm nay, Chương trình được tổ chức đúng vào dịp diễn ra Lễ hội Thành Tuyên, một lễ hội đặc sắc, riêng có của Tuyên Quang, là sản phẩm du lịch độc đáo do chính nhân dân khởi xướng, lưu giữ và phát huy.
Lễ hội năm nay có nhiều tỉnh trong khu vực và một số địa phương, tổ chức quốc tế tham gia, thu hút sự quan tâm đặc biệt của du khách trong và ngoài nước.
[Tuyên Quang: Lễ hội Thành Tuyên hướng tới một Festival Quốc tế]
Tại chương trình khai mạc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt đề nghị để hoạt động liên kết phát triển Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử cách mạng vùng Chiến khu Việt Bắc có hiệu quả, các địa phương cần đẩy nhanh đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất du lịch cho các tỉnh kết nối miền di sản Việt Bắc; đường vào các khu, điểm du lịch, di tích văn hóa lịch sử.
Các địa phương ưu tiên đầu tư nâng cấp hệ thống cụm di tích văn hóa lịch sử cách mạng... đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch; phối hợp xúc tiến quảng bá điểm đến, xây dựng thương hiệu du lịch thông qua việc quảng bá hình ảnh du lịch của miền di sản Việt Bắc.
Đồng thời, các địa phương đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động liên kết phát triển du lịch gắn với phát triển du lịch cộng đồng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch; quan tâm bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách, bảo đảm khai thác bền vững tiềm năng du lịch của toàn vùng.
Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ 14 và Lễ hội Thành Tuyên năm 2023 diễn ra đến hết ngày 27/9 với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao đặc sắc, hấp dẫn phục vụ du khách như: Liên hoan các Làng Văn hóa Du lịch Cộng đồng 6 tỉnh Việt Bắc; Chương trình Điện ảnh - kết nối di sản và du lịch Tuyên Quang; Hội chợ Thương mại-Du lịch tỉnh Tuyên Quang; Trưng bày, giới thiệu tinh hoa ẩm thực Việt và Lễ hội Bia Hà Nội; thi đấu các môn thể thao. Đây là những điểm nhấn quan trọng để quảng bá tiềm năng du lịch của mỗi địa phương.
Các khu, điểm du lịch của tỉnh Tuyên Quang tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện tạo sân chơi hấp dẫn, thu hút du khách trải nghiệm, tìm hiểu, khám phá.
Các tỉnh chiến khu Việt Bắc có nhiều điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội và tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, nhất là du lịch lịch sử, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa, với hệ thống những điểm di tích quan trọng của quốc gia, như: ATK Pác Bó (Cao Bằng), ATK Tân Trào (Tuyên Quang), ATK Định Hóa (Thái Nguyên), ATK Chợ Đồn (Bắc Kạn).
Đây là địa chỉ đỏ giáo dục lý tưởng, truyền thống cách mạng; nơi hội tụ, giao thoa văn hóa của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, với các phong tục, tập quán, lễ hội, văn hóa dân gian, ẩm thực, nghề thủ công truyền thống đặc sắc.
Nơi đây cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hệ sinh thái đa dạng với những cánh rừng nguyên sinh, hệ thống sông, hồ, thác nước, hang động hùng vĩ, những địa danh nổi tiếng như: Công viên Địa chất Non nước Cao Bằng, Công viên Địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), hồ Ba Bể (Bắc Kạn), núi Mẫu Sơn (Lạng Sơn), hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), Danh thắng Quốc gia Đặc biệt Na Hang-Lâm Bình (Tuyên Quang)… được đánh giá là điểm đến thú vị, có sức hấp dẫn đối với khách du lịch cả trong nước và quốc tế.
Qua 14 năm hình thành và phát triển, Chương trình đã tạo ra liên kết phát triển vùng trong 6 tỉnh Việt Bắc. Tour, tuyến, sản phẩm du lịch được hình thành. Lượng khách du lịch đến các tỉnh đều tăng.
Trong giai đoạn 2009-2022, 6 tỉnh đã thu hút trên 71 triệu lượt khách, tốc độ tăng trưởng bình quân trên 15%/năm. Thu nhập xã hội du lịch đạt trên 50.000 tỷ đồng, góp phần đóng góp vào GRDP của mỗi tỉnh, thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành kinh tế khác, tạo nhiều việc làm cho người dân địa phương./.