Khách hàng châu Á giảm mua nông sản Mỹ do lo ngại thuế quan và phí tàu biển mới
Các mức thuế nhập khẩu sâu rộng đánh vào các đối tác thương mại quan trọng trong khu vực đang làm gia tăng sự không chắc chắn và làm giảm nhu cầu đối với các sản phẩm của Mỹ.
Các khách hàng châu Á đang giảm việc mua nông sản Mỹ trong bối cảnh các kế hoạch áp phí của Mỹ đối với tàu biển liên quan đến Trung Quốc và các mức thuế nhập khẩu sâu rộng đánh vào các đối tác thương mại quan trọng trong khu vực đang làm gia tăng sự không chắc chắn và làm giảm nhu cầu đối với các sản phẩm của Mỹ.
Trung Quốc, quốc gia đã trả đũa bằng mức thuế 34% đối với hàng hóa Mỹ, là nhà nhập khẩu nông sản Mỹ lớn nhất.
Tuy nhiên, các nước châu Á khác bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan cũng mua khối lượng đáng kể lúa mỳ, ngô và bột đậu tương của Mỹ.
Kế hoạch của Tổng thống Donald Trump, nhằm vực dậy ngành đóng tàu Mỹ bằng cách áp phí cảng lên tới 1,5 triệu USD đối với các tàu liên quan đến Trung Quốc, đã buộc các nhà xuất khẩu phải tìm kiếm các tàu không phải của Trung Quốc, kéo theo đó là chi phí vận chuyển tăng cao, làm giảm nhu cầu đối với nông sản Mỹ.
Ông Jay O'Neil, nhà tư vấn vận tải hàng hóa tại Kansas, nhận xét điều này khiến Mỹ trở thành điểm đến không hấp dẫn đối với hơn 50% đội tàu thế giới.
Ông nói thêm các chủ tàu và nhà khai thác tàu đang ngần ngại đưa ra báo giá cho các cảng của Mỹ trong tháng Tư, tháng Năm và tháng 6/2025 do lo ngại về các khoản phí sắp được áp dụng.
Các nhà giao dịch cho biết, những thách thức về vận chuyển và sự không chắc chắn của cuộc chiến thương mại có khả năng sẽ gây áp lực lên giá lúa mỳ và đậu tương kỳ hạn trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT), vốn đang giao dịch gần mức thấp nhất trong nhiều tháng.
Một nhà giao dịch tại Singapore thuộc một công ty quốc tế chuyên bán ngũ cốc và hạt có dầu của Mỹ vào châu Á cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các nhà nhập khẩu không chấp nhận rủi ro nhập khẩu từ Mỹ. Chi phí vận chuyển đã tăng lên và có quá nhiều bất ổn xung quanh cuộc chiến thương mại.
Thuế quan của Mỹ đối với hàng chục quốc gia đã có hiệu lực vào ngày 9/4, bao gồm mức thuế khổng lồ 104% đối với hàng hóa Trung Quốc, ngay cả khi tổng thống chuẩn bị đàm phán với một số quốc gia.

Châu Á chiếm khoảng 35% lượng lúa mỳ và ngô được vận chuyển trên toàn thế giới. Đối với đậu tương, Trung Quốc chiếm hơn 60% lượng hạt có dầu được giao dịch toàn cầu.
Trong khi các nhà nhập khẩu ngũ cốc châu Á khác được cho là sẽ không trả đũa thuế quan của Mỹ, thì khả năng cung ứng tàu hạn chế và sự không chắc chắn của chiến tranh thương mại đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động mua hàng.
Các khách hàng truyền thống mua lúa mỳ Mỹ như Nhật Bản và Hàn Quốc dự kiến sẽ tiếp tục mua hàng của Mỹ. Tuy nhiên, họ có thể mua một số loại ngô và đậu tương từ các nhà cung cấp thay thế ở Nam Mỹ và khu vực Biển Đen.
Một nhà giao dịch tại Singapore cho hay hiện tại, việc mua các sản phẩm của Mỹ gần như đã dừng lại. Tuy nhiên, trong tương lai, Nhật Bản và Hàn Quốc có thể sẽ vẫn nhập lúa mỳ Mỹ vì họ có cam kết mua hàng từ Mỹ.
Bên cạnh đó, rất khó để các khách hàng như Nhật Bản và Hàn Quốc chuyển đổi nguồn cung lúa mỳ Mỹ vì loại này được sử dụng để tiêu dùng trực tiếp cho người. Tuy nhiên, các nước này có thể chuyển sang các lô hàng thay thế đối với ngũ cốc làm thức ăn chăn nuôi như ngô và đậu tương.
Hầu hết các nhà nhập khẩu ngũ cốc ở Đông Nam Á vẫn chưa đặt tới 50% nhu cầu cho tháng 5/2025. Điều này có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung.
Ông Mike Steenhoek, Giám đốc điều hành của Liên minh Vận tải Đậu tương tại Mỹ, cho biết một nhà xuất khẩu nổi tiếng của Mỹ đã không thể nhận được báo giá từ các công ty vận tải biển để vận chuyển bột đậu tương do khoản phí mới sẽ áp dụng đối với các tàu có liên quan đến Trung Quốc./.