Khắc phục tình trạng 'thông đồng, dìm giá' trong đấu giá tài sản
Bộ trưởng Tư pháp nêu rõ chất lượng dịch vụ đấu giá còn bất cập, tình trạng “quân xanh, quân đỏ,” “thông đồng, dìm giá” ngày càng có xu hướng tinh vi, phức tạp...
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 25, chiều 16/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Nâng cao chất lượng hoạt động đấu giá
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn thực hiện Luật Đấu giá tài sản đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Một số quy định về trình tự, thủ tục đấu giá chưa chặt chẽ, chưa phù hợp với thực tiễn. Chất lượng đội ngũ đấu giá viên còn hạn chế về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề. Chất lượng dịch vụ đấu giá nhìn chung còn bất cập, tình trạng “quân xanh, quân đỏ,” “thông đồng, dìm giá” ngày càng có xu hướng tinh vi, phức tạp...
“Trước yêu cầu thực tiễn đối với hoạt động đấu giá tài sản, bối cảnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số mạnh mẽ, việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đấu giá tài sản nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để nâng cao chất lượng hoạt động đấu giá, phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đấu giá tài sản,” Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản giữ nguyên một số quy định đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn về đấu giá viên, tổ chức hành nghề đấu giá, trình tự, thủ tục đấu giá tài sản và quản lý nhà nước về hoạt động đấu giá tài sản.
Luật sửa đổi, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đấu giá viên, quyền và nghĩa vụ, đăng ký hoạt động của tổ chức đấu giá tài sản; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đấu giá để thực hiện chuyển đổi số theo lộ trình phù hợp.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản đảm bảo phù hợp với thực tiễn, khả thi, có tính đến một số loại tài sản đấu giá đặc thù, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản, người tham gia đấu giá, đồng thời tăng cường tính chặt chẽ, khách quan, công khai, minh bạch; về trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.
Bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, đại diện cơ quan thẩm tra cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản sau hơn 5 năm thi hành Luật. Hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị công phu, tuân thủ đúng quy trình, yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.
Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, việc bổ sung quy định thực hiện đấu giá trực tuyến thông qua Cổng Đấu giá tài sản quốc gia và Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến của tổ chức đấu giá tài sản là phù hợp với yêu cầu về chuyển đổi số, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động đấu giá, bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản, nhất là đối với tài sản công, tránh tình trạng tiêu cực, gây thất thoát tài sản trong hoạt động đấu giá.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc quản lý Cổng Đấu giá tài sản quốc gia như trách nhiệm về bảo mật thông tin trong quá trình tổ chức đấu giá tài sản bằng hình thức trực tuyến; lưu trữ thông tin phục vụ công tác tra cứu, theo dõi, giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán...; bảo đảm việc vận hành thông suốt và hiệu quả của Cổng Đấu giá tài sản quốc gia... Đồng thời, cơ quan thẩm tra đề nghị tính toán lộ trình cụ thể và có chính sách đầu tư hạ tầng nhằm bảo đảm tính liên thông, kết nối về thông tin, dữ liệu giữa các Trang thông tin đấu giá trực tuyến của tổ chức đấu giá tài sản và Cổng Đấu giá tài sản quốc gia, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động đấu giá tài sản.
[Hoàn thiện luật nhằm tăng tính minh bạch trong đấu giá tài sản]
Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến trình tự, thủ tục đấu giá tài sản như quy định về Quy chế cuộc đấu giá, niêm yết việc đấu giá tài sản, xem tài sản đấu giá, địa điểm tổ chức cuộc đấu giá; địa điểm, thời gian bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá; người không được đăng ký tham gia đấu giá; tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước; đấu giá theo thủ tục rút gọn; đấu giá không thành, hủy kết quả đấu giá và hậu quả pháp lý của hủy kết quả đấu giá... nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch và cách hiểu thống nhất trong quá trình thực thi.
Hạn chế việc bỏ tiền đặt trước, thao túng thị trường
Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt vấn đề về quan hệ giữa luật nội dung và luật hình thức. “Luật Đấu giá tài sản là luật hình thức còn nội dung được quy định tại các luật khác, vậy hình thức quy định đến đâu, quy định cái gì?” - Chủ tịch Quốc hội nêu.
Về phạm vi tài sản đấu giá, Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi: “Liệt kê như vậy đã đủ chưa, tài sản hữu hình nhiều nhưng trong nền kinh tế thị trường, tài sản vô hình đôi khi có giá trị rất lớn. Vậy, tài sản vô hình có mang ra đấu giá không, nếu có sẽ đấu giá thế nào?”
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị rà soát các quy định nhằm khắc phục những bất cập, gây bức xúc dư luận, đặc biệt là sau vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm (Thành phố Hồ Chí Minh) và một số trường hợp ở các địa phương khác; khắc phục tình trạng “quân xanh, quân đỏ” thổi giá, ép giá, thông đồng trong đấu giá tài sản.
Một số đại biểu đề nghị rà soát quy định tại pháp luật chuyên ngành, như pháp luật về đất đai, trường hợp áp dụng các mức cụ thể của khoản tiền đặt trước theo hướng quy định nêu rõ mức tiền đặt trước của người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất ở mức cao nhất để hạn chế việc bỏ tiền đặt trước, thao túng thị trường; hoặc nghiên cứu quy định khoản tiền đặt trước căn cứ theo quy mô diện tích đất đấu giá hoặc căn cứ theo giá trị của tài sản đấu giá.
Tuy nhiên, ý kiến đề nghị nghiên cứu điều chỉnh biên độ chênh lệch hợp lý giữa mức tiền đặt trước tối thiểu và tiền đặt trước tối đa; tránh quy định tỷ lệ tiền đặt trước quá cao dẫn đến những rào cản kỹ thuật, làm mất tính cạnh tranh của cuộc đấu giá.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, dự thảo Luật quy định, trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư thì tiền đặt trước tối thiểu là 10% và tối đa là 20% giá khởi điểm. Tuy nhiên, theo quy định của Luật hiện hành, khoản tiền đặt trước tối thiểu cho tất cả các tài sản đấu giá chỉ ở mức 5%.
Nhấn mạnh đất đai là tài sản có giá trị lớn, nhất là đối với các trường hợp thực hiện dự án đầu tư, bà Lê Thị Nga đề nghị làm rõ lý do của việc điều chỉnh mức tối thiểu của khoản tiền đặt trước (từ 5% lên 10%) và đánh giá tác động của quy định này trên thực tiễn./.