Khắc phục "thẻ vàng" IUU: Không để tàu cá phát sinh hành vi vi phạm

Khánh Hòa chủ động triển khai hàng loạt biện pháp mạnh mẽ nhằm kiểm soát tàu cá, thực hiện hiệu quả chống khai thác IUU, thể hiện quyết tâm cao trong bảo vệ nguồn lợi hải sản, môi trường biển. 

Lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát tàu cá trên biển. (Ảnh: TTXVN phát)

Vấn đề khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đã trở thành một mối quan tâm hàng đầu, đòi hỏi sự nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị cùng ý thức người dân.

Trước thực tế này, Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã chủ động triển khai hàng loạt biện pháp mạnh mẽ nhằm kiểm soát tàu cá và thực hiện hiệu quả chống khai thác IUU, thể hiện quyết tâm cao trong việc bảo vệ nguồn lợi hải sản và môi trường biển.

Mới đây, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo IUU tỉnh Khánh Hòa, ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo IUU tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu các sở, ngành và địa phương ven biển trong tỉnh triển khai quyết liệt các biện pháp chống khai thác IUU trong hai tháng cao điểm là tháng Bảy này và tháng Tám tới. Mục tiêu giữ vững những kết quả đã đạt được, đảm bảo không phát sinh các hành vi vi phạm IUU trong thời gian tới; qua đó, góp phần cùng cả nước tháo gỡ cảnh báo thẻ vàng IUU.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh các vấn đề liên quan đến quản lý tàu cá không có giấy phép, kiểm soát tàu cá kết nối thiết bị giám sát hành trình, xử lý các trường hợp tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình; quản lý đội tàu và truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác qua phần mềm eCDT; xây dựng chính sách hỗ trợ cước phí thuê bao vệ tinh cho chủ tàu để duy trì kết nối thiết bị giám sát hành trình…

Theo Ban chỉ đạo IUU tỉnh Khánh Hòa, kể từ khi Ủy ban châu Âu (EC) cảnh cáo bằng thẻ vàng đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam, Khánh Hòa đã có những bước tiến quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ. Hoạt động tuyên truyền đã được đẩy mạnh, với việc tổ chức nhiều lớp tuyên truyền thu hút trên 1.000 lượt ngư dân tham gia về quy định chống khai thác IUU. Những nỗ lực này đã giúp ngư dân hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc tuân thủ quy định, giảm thiểu vi phạm và nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Bên cạnh đó, việc kiểm tra và giám sát tàu cá đã được tăng cường. Tỉnh Khánh Hòa đã cấp giấy chứng nhận An toàn kỹ thuật và giấy phép khai thác thủy sản cho 98% số tàu cá, đồng thời lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 99,6% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên. Những biện pháp này không chỉ giúp kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác mà còn ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm. Các lực lượng chức năng cũng đã phối hợp mở nhiều đợt tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, đảm bảo an toàn và bảo vệ nguồn lợi biển.

Tàu thuyền đánh bắt xa bờ. (Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN)

Tuy đạt được nhiều kết quả tích cực, việc chống khai thác IUU tại Khánh Hòa vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Một trong những thách thức lớn là việc quản lý và giám sát tàu cá trong các vùng biển giáp ranh chưa được phân định rõ ràng với các nước trong khu vực Biển Đông. Điều này khiến cho tàu cá Việt Nam hoạt động trong khu vực tiềm ẩn nhiều rủi ro và dễ vi phạm.

Ngoài ra, việc tín hiệu thiết bị giám sát hành trình thường xuyên mất kết nối cũng gây khó khăn lớn trong theo dõi và giám sát. Hiện có 281 tàu cá hết hạn đăng kiểm trên hệ thống Vnfishbase, làm tăng thêm áp lực quản lý cho các cơ quan chức năng. Triển khai phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử (eCDT) cũng gặp nhiều trở ngại do các tính năng chưa ổn định và ngư dân còn lúng túng khi sử dụng. Sự không đồng bộ giữa các cảng và các tỉnh trong việc thực hiện phần mềm eCDT càng làm tăng thêm thách thức trong việc kiểm soát xuất, nhập cảng của tàu cá.

Để khắc phục những khó khăn này, Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ và quyết liệt. Các văn bản chỉ đạo và triển khai phần mềm eCDT đã được ban hành. Kiểm tra, kiểm soát tàu cá và giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng được thực hiện chặt chẽ, phối hợp giữa các đơn vị liên quan ngày càng được củng cố.

Tỉnh Khánh Hòa cũng tăng cường lực lượng tuần tra trên các vùng biển khơi giáp ranh nhằm ngăn chặn tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển các nước. Những nỗ lực không ngừng nghỉ này đã giúp Khánh Hòa đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản và phát triển ngành thủy sản bền vững của tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Ba, Trưởng Ban quản lý Cảng cá Hòn Rớ, cho biết Danh sách các tàu cá trong tỉnh đã được các lực lượng chức năng của tỉnh gửi đến các tỉnh bạn để phối hợp trong trao đổi thông tin tình hình tàu cá nhằm quản lý hiệu quả đội tàu khai thác. Đặc biệt, ý thức của bà con ngư dân đã được thể hiện rõ ràng thông qua việc hình thành thói quen trước khi đi khai báo, về trình báo với cơ quan một cách đầy đủ và tự nguyện; ngư dân đã nhận thức được các quy định của Luật Thủy sản năm 2017.

Nhờ vậy, tại Khánh Hòa, số tàu cá vi phạm giảm, sản lượng thủy sản qua cảng được giám sát chặt chẽ, và các giấy tờ cần thiết được cấp đúng quy định. Việc sử dụng phần mềm eCDT giúp quản lý hiệu quả hơn, dù còn một số khó khăn về hạ tầng và trình độ ngư dân. Theo Ban quản lý Cảng cá Hòn Rớ, năm 2023, số bộ giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản (SC) được cấp là 270, với tổng số tàu thuyền qua cảng gần 3.000 lượt.

Hiện Khánh Hòa có 4 cảng cá gồm Hòn Rớ, Đá Bạc, Vĩnh Lương, Đại Lãnh và một khu neo đậu tránh trú bão Ninh Hải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công bố là cảng cá cho tàu cá hoạt động từ vùng khơi trở ra cập cảng tại Quyết định số 3880/QĐ-BNN-TCTS ngày 28/09/2021./.